Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 25/2 theo hình thức trực tuyến, đại diện BNG một lần nữa khẳng định quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thông báo nước này đã điều tàu ngầm SNA Emeraude đến tuần tra ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao (NPN BNG) Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
"Duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu này".
Về thông tin rằng Trung Quốc có thể đang xây căn cứ tên lửa thứ hai gần biên giới Việt Nam, ở tỉnh Vân Nam, NPN nêu rõ quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hỏa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Liên quan đến thông tin sáng 24/4, tàu Hải cảnh 5304 của Trung Quốc đã áp sát giàn xử lý Hải Thạch của Việt Nam, bà Hằng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đã được quy định tại UNCLOS, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Đáp lại đề nghị cho biết phản ứng về thông tin tàu chiến Mỹ hồi đầu tháng 2/2021 di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bà Hằng cho biết, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, UNCLOS 1982, Việt Nam tuân thủ các quy định của công ước, kể cả các quy định liên quan đến các hoạt động hàng hải, hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với công ước. Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trên cơ sở luật pháp quốc tế trên khu vực Biển Đông.
Liên quan đến thông tin liên quan đến cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ - ASEAN về tình hình Myanmar, NPN nhận định, ASEAN luôn coi trong mối quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ. Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 1/2021 nhấn mạnh mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. trên tinh thần đó, các nước ASEAN và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì trao đổi và tiếp xúc ở các cấp và dưới nhiều hình thức để thúc đẩy nội dung nói trên.
Nhận định về tình hình ở Myanmar, đại diện BNG nhận định, là một nước láng giềng và thành viên của ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm, theo dõi những diễn biến, tình hình ở Myanmar. Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar ngày 1/2/2021, trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN, ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình tại Myanmar sớm trở lại bình thường, phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như tiếp tục đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Về tình hình doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, theo thông tin từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar, các doanh nghiệp vẫn duy trì các hoạt động tại đây. Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Myanmar quan tâm, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập, làm việc tại Myanmar cũng như bảo vệ những lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam phù hơp với thỏa thuận hai bên và luật pháp và thông lệ quốc tế
Nguồn: Báo CAND