Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Lực lượng Công an nhân dân tiên phong trong tiến trình Chuyển đổi số quốc gia

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an; các thành viên trong Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số Bộ Công an... 
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, ngày 20/4/2021, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 2612/QĐ-BCA phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong CAND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện Đề án 06, ngày 11/02/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-BCA-C06 về triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 06 trong lực lượng CAND. 

Các đại biểu dự Hội nghị.

Qua 03 năm triển khai Quyết định số 2612 và 02 năm thực hiện Kế hoạch 56, việc triển khai thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trong CAND đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua 02 luật; trình Chính phủ ban hành 02 nghị định; ban hành theo thẩm quyền 05 thông tư phục vụ công tác chuyển đổi số của Ngành. Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 10 quyết định công bố sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an (ban hành mới 14 thủ tục; sửa đổi, bổ sung, thay thế 68 thủ tục; bãi bỏ 10 thủ tục, 100% thủ tục đều được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công Bộ Công an; 05 quyết định ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử thực hiện thủ tục hành chính). Rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai theo hướng cắt giảm thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, bảo đảm cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo.
Về hoàn thiện hạ tầng, mạng truyền dẫn cáp quang dùng riêng ngành Công an từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại gồm 03 trung tâm vùng Hà Nội – Đà Nẵng – TP. Hồ Chí Minh với trên 12.477 kênh truyền dẫn quang phục vụ kết nối mạng máy tính từ các đơn vị trực thuộc Bộ đến Công an địa phương xuyên suốt 04 cấp Công an. 

Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an trình bày Báo cáo tại Hội nghị.

Đối với nhiệm vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư, nhằm đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện công tác làm sạch dữ liệu và triển khai Đề án 06 của 63 địa phương. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành; 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN); 03 doanh nghiệp viễn thông; 63 địa phương. Tiếp nhận 1.496.625.675 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin. Đồng bộ thành công thông tin làm giàu của 720.989.317 bản ghi vào dữ liệu dân cư đối với 91 trường thông tin.
Về nhóm tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công theo Quyết định 430/QĐ-BCA ngày 26/01/2023 trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, đạt tỷ lệ 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (vượt tiến độ Chính phủ giao hoàn thành trong năm 2025).

Toàn cảnh Hội nghị.

Trong năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết trên 67 triệu hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc đạt 85,18% (tăng 71,06% so với năm 2022). Trong đó, tất cả các địa phương, lĩnh vực thủ tục hành chính đều có tỷ lệ trực tuyến trên 50%. Riêng 02 dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” đã thực hiện cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ, người dân chi khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính.
Về nhiệm vụ phát triển công dân số, phát triển kinh tế, xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp cho 100% công dân có đủ điều kiện trên toàn quốc. 100% công dân được cấp số định danh cá nhân. Đã thu nhận trên 74,7 triệu hồ sơ định danh điện tử, trên 30 triệu tài khoản định danh điện tử, kích hoạt trên 53,1 triệu tài khoản định danh điện tử... Việc triển khai kịp thời cấp căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh điện tử giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, không phải mang nhiều loại giấy tờ; sử dụng thông tin chip, Qrcode trên căn cước công dân kịp thời phục vụ vấn đề sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau 31/12/2022.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận tại Hội nghị.

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu bật những thành tích đạt được trong triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số trong CAND thời gian qua. Đồng thời các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này trong thời gian tới như: Tiếp tục tập trung xử lý các điểm nghẽn trong thực hiện Đề án 06 và Chuyển đổi số trong CAND; tập trung bố trí nguồn ngân sách thường xuyên phát triển Đề án 06 và Chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra, duy tu đối với hệ thống an ninh, an toàn đối với triển khai Đề án 06; tập trung xây dựng và hệ thống hoá hạ tầng viễn thông, cơ yếu; Đẩy mạnh hướng dẫn kiểm tra, tổ chức đào tạo huấn luyện chuyên sâu về an ninh mạng đối với Công an địa phương…  
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, lực lượng CAND đã và đang là lực lượng nòng cốt, tiên phong, giữ vai trò dẫn dắt trong tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia, góp phần quan trọng xây dựng xã hội số, công dân số. 

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận Hội nghị.

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2024 theo lộ trình, kế hoạch của Bộ, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, Cấp uỷ, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, nhất là Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã phải nhận thức sâu sắc Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là quá trình thay đổi tổng thể mọi phương thức, hoạt động của con người dựa trên các công nghệ số. Hoạt động của lực lượng CAND không ngoài xu thế này, trước tiên phải chuyển tư duy, hành động từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sỹ.
Đồng thời, tập trung giải quyết từng vấn đề “cốt lõi” để thúc đẩy Đề án 06, Chuyển đổi số trong CAND, cụ thể, Giám đốc Công an các địa phương thực hiện rà soát, hệ thống hoá và kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Đồng thời, hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật còn tồn đọng.   
Đồng chí Bộ trưởng cũng đề nghị, Giám đốc Công an các địa phương tăng cường phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các trường CAND tổ chức tập huấn bằng các hình thức phù hợp để bảm đảm chất lượng cán bộ phục vụ công tác “đúng, đủ, sạch, sống” của dữ liệu, giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực cư trú tại cơ sở nhằm đẩy mạnh cung cấp nhiều hơn nữa các tiện ích của Đề án 06 và Chuyển đổi số ngành Công an cho xã hội... 

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi