Thứ Ba, 10/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Sắc áo Công an ở vùng rốn lũ

Các tổ, nhóm xung kích, Công an các đơn vị, địa phương Công an Quảng Bình đã trắng đêm giúp dân chống lũ. Lực lượng Công an dùng dây thừng làm ròng rọc đưa lương thực, nhu yếu phẩm đến với người dân vùng bị cô lập hoàn toàn; kịp thời có mặt đưa người bệnh đi cấp cứu trong mưa lũ; cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình đã và đang thắp sáng hình ảnh đẹp: hết mình phục vụ nhân dân.

Trắng đêm ở vùng rốn lũ

Do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là huyện Lệ Thủy có mưa to, tổng lượng mưa có nơi đạt gần 600mm. Mực nước trên Sông Kiến Giang tại Trạm Lệ Thủy (Phan Xá) là 3,71 m (trên báo động III là 1,01m), tại trạm Kiến Giang là 14,44 m (trên báo động III là 1,44 m). Mưa lớn đã gây lũ lụt ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, Quảng Bình làm ngập nước trên 30.000 căn nhà của các hộ dân.

Sắc áo Công an ở vùng rốn lũ -1
Cán bộ Công an Quảng Bình di dời người già, trẻ em vùng ngập lụt ngay trong đêm để đưa đến nơi an toàn.

Chiều ngày 27/10, ở Quảng Bình mưa xối xả, lãnh đạo Công an Quảng Bình xác định, nếu trời tiếp tục tục mưa thì lũ lụt sẽ dâng cao trong đêm. Vì vậy, tại các điểm thấp trũng, lực lượng Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành sơ tán, di dời hàng trăm hộ dân cùng hơn 1.000 nhân khẩu tại các vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Trời gần tối, mưa càng ngày càng lớn, tại huyện Lệ Thủy nhiều người dân bắt đầu lo sợ nghĩ đến cơn lũ lịch sử năm 2020 tái hiện trở lại. Nước các sông hồ chảy cuồn cuộn mỗi lúc một dâng cao. Người dân vùng rốn lũ vật lộn chạy đua với nước lũ để kê cao đồ dùng sinh hoạt. Nước dâng đến đâu, bà con kê đồ lên đến đó. Nhưng sức người có hạn, đến 12h đêm, nước dâng cao hơn 2m, nhiều người dân đành chịu bỏ tài sản ngâm trong lũ, không ít người gọi điện, lên mạng xã hội kêu cứu, hỗ trợ.

Ngay trong đêm, Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Công an Quảng Bình và các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường các địa bàn xung yếu, nước lên nhanh và gây ngập lụt cao để chỉ đạo lực lượng Công an triển khai các phương án ứng phó, giúp dân. Các tổ, nhóm phản ứng nhanh của Công an các huyện, Công an xã trên địa bàn Quảng Bình đã có mặt kịp thời để cùng với người dân phòng chống lũ.

Nhiều hình ảnh gần gũi, trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình được người dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao. Tại Công an huyện Lệ Thủy, ngay từ khi mưa lớn, có dấu hiệu gây ngập lụt trên diện rộng, chỉ huy Công an huyện đã phân công mỗi người về một số điểm thường ngập lụt nặng để bám sát cơ sở, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ Công an xã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời cùng với nhân dân kê cao đồ dùng sinh hoạt tránh bị nước lũ gây ngập hư hỏng. Công an xã thực hiện nhiệm vụ cùng ăn, cùng ở, cùng chống lũ lụt với bà con.

Sắc áo Công an ở vùng rốn lũ -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lệ Thủy lấy dây làm ròng rọc để đưa nhu yếu phẩm phục vụ người dân các bản bị nước lũ chia cắt.

Thượng tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết, 100% quân số của Công an huyện bám ở các vùng ngập sâu để hỗ trợ, giúp đỡ bà con khi có yêu cầu. Khi lũ thượng nguồn đổ về, gây ngập lụt chia cắt, cô lập hoàn toàn nhiều thôn bản tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Lực lượng Công an xã cùng với chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng đến từng hộ dân, đặc biệt là những hộ sống cạnh sông, suối để hỗ trợ di chuyển đến nơi cao ráo tránh lũ.

Khi bà con bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy bị cô lập hoàn toàn, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã phải dầm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, dùng dây làm ròng rọc để đưa người và hàng cứu trợ khẩn cấp đến cho bà con. Chị Hồ Thị Côi dân tộc Vân Kiều cho biết: "Nước suối dâng cao lũ cuồn cuộn đổ về, nếu không có các chú Công an đến đưa đi di dời kịp thời nhà miềng giờ không biết răng rồi…".

Những hình ảnh đẹp vì nhân dân phục vụ

Đêm 28/10, nước lũ ngày một dâng cao, cánh đồng xã Thái Thủy như biển nước đục ngầu. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình và huyện Lệ Thủy hầu như trắng đêm trên cánh đồng nước lũ để tìm thi thể anh Lê Văn Hơn (SN 2002). Trước đó, vào chiều ngày 27/10, anh Hơn cùng Tổ cứu hộ của thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy đang đi cứu hộ người dân thì anh không may bị nước lũ cuốn trôi. Trắng đêm trên cánh đồng Thái Thủy đến gần sáng lực lượng Công an đã tìm thấy thi thể anh Hơn.

Có mặt tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy chúng tôi ghi nhận sự trách nhiệm và hết mình vì bà con vùng lũ lụt của lực lượng Công an Quảng Bình. Hơn 60 nhà dân nơi đây bị ngập sâu từ 1-2m. Nhiều hộ gia đình con cái đi làm ăn xa, chỉ có cha mẹ già ở lại. Khi nước lũ một lúc một dâng cao, nhiều hộ dân giấu nước mắt nghĩ rằng chịu bất lực để đồ dùng sinh hoạt ngập lụt. Nhưng họ đã may mắn khi có cán bộ, chiến sĩ Công an kịp thời có mặt. Các anh đã giúp dân kê cao đồ dùng, đưa người già đi sơ tán, bản thân bám trụ ở lại vùng lũ để bảo vệ tài sản cho bà con.

Theo Thượng tá Đinh Cao Quang - Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an Quảng Bình; trong những ngày lũ lụt, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an Quảng Bình ứng trực 100% quân số, ngay trong đêm 27 và ngày 28/10, Cảnh sát Giao thông Công an Quảng Bình được chia thành có tổ, đội, nhóm về các vùng lũ lụt để hỗ trợ giúp dân phòng chống lũ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Giao thông đã thức trắng đêm để tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo và chốt chặn tại các khu vực, tuyến đường ngập lụt, tuyệt đối không cho người và phương tiện di chuyển vào các khu vực trên nhằm bảo đảm an toàn. Trên Quốc lộ 1A nhiều đoạn bị ngập sâu, dòng xe Bắc-Nam vẫn lưu thông, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát Giao thông đứng trong nước hàng tiếng đồng hồ cạnh mép đường như "cọc tiêu sông" để hướng dẫn cho đoàn xe qua được an toàn.

Rạng sáng ngày 29/10, khi nghe tin có trường hợp ông Lê Văn Tình (SN 1963) trú tại thôn Quy Hậu, xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thủy bị tai biến cần được đưa đi cấp cứu, Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an huyện Lệ Thủy đã lập tức dùng ca nô đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy cấp cứu. Thiếu tá Hoàng Trọng Phước, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an huyện Lệ Thủy cho biết, khi nước lũ dâng cao, lực lượng Cảnh sát Giao thông huyện sử dụng ca nô chuyên dụng đi từng ngõ ngách để phân luồng giao thông, hỗ trợ người dân. Cán bộ, chiến sĩ Công an của đơn vị bên cạnh kịp thời di chuyển nhiều người dân đến nơi an toàn, thực hiện thêm nhiệm vụ là hỗ trợ đem các đồ nhu yếu phẩm đến những nơi người dân đang cần.

Sắc áo Công an ở vùng rốn lũ -2
Công an Quảng Bình chuẩn bị nhân lực, phương tiện hỗ trợ người dân vùng lũ.

Hiện nay, để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là các trường học ổn định tình hình sau mưa lũ, nhằm đảm bảo công tác dạy và học, Công an tỉnh Quảng Bình đã thành lập các đội hình thanh niên xung kích phối hợp với Công an các địa phương đến tại các trường học trên địa bàn giúp các trường dọn dẹp vệ sinh sau lũ, sớm ổn định tình hình dạy và học của thầy và trò nơi đây.

Đại úy Dương Quốc Khánh, Trưởng ban Thanh niên Công an Quảng Bình, cho biết: Tuổi trẻ Công an tỉnh đã chủ động xây dựng phương án khắc phục hậu quả mưa lũ, với 8 đội hình thanh niên tình nguyện mỗi đội hình gồm 20 đồng chí, với khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ sẽ căn cứ theo tình hình thực tế nước lũ rút xuống để chúng tôi có thể đến hiện trường đến giúp đỡ cho bà con nhân dân, các đơn vị, cơ quan trường học, với các nhiệm vụ như lau dọn bàn ghế, vệ sinh, sắp xếp trang thiết bị học tập, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các em học sinh có thể quay trở lại học tập bình thường.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết; Huyện Lệ Thủy đã làm tốt phương châm "4 tại chỗ", huy động tất cả các lực lượng, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ người dân với phương châm tập trung mọi nguồn lực cùng với nhân dân vượt qua lũ lụt.

Quyết tâm không để bất cứ hộ dân nào đói, rét trong lũ lụt, bên cạnh huy động tối đa lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng cùng tối đa phương tiện hiện có, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã huy động thêm hàng chục chiếc thuyền của ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt. Huyện Lệ Thủy chọn các ngư dân có nhiều kinh nghiệm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử năm 2020 để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào cho các hộ dân vùng rốn lũ.

Để bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng ngập lụt, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ tại hai khu vực là ngã tư Cam Liên (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy). Cùng với đó, hàng chục tàu thuyền vận chuyển những nhu yếu phẩm cấp thiết của địa phương cũng được đưa đến tận tay hỗ trợ người dân.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi