Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành - tấm gương mẫu mực cho các thế hệ nhà giáo noi theo

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã viết trong bức thư gửi đồng chí Pêtơrốp - Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (1924): “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn thuyết tuyên truyền”[1]. Điều đó cũng có nghĩa nếu không nêu gương trong thực tiễn cuộc sống, thì cũng sẽ không thể có sức thuyết phục đối với quần chúng nhân dân và sẽ mất đi vai trò đối với nhân dân.

Người cũng từng viết  những dòng xúc động về Lênin, sau khi biết vị Lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế qua đời: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc Châu Á và đã khiến trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”[2]. Đó chính là sự khẳng định về sức cảm hoá hết sức to lớn của một nhân cách mẫu mực về cả trí tuệ lỗi lạc và đặc biệt hơn là đạo đức trong sáng, giản dị của một nhà lãnh đạo tối cao.

Chính vì ý nghĩa như vậy, bằng tâm huyết, tình cảm của mình, Người đã để lại tấm gương của một người thầy giáo hết lòng thương yêu, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng cho học trò tinh thần yêu nước, yêu dân tộc.

Trong thời gian ngắn dạy học tại trường Dục Thanh, thầy Thành đã để lại những tình cảm, kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ trong lòng của học trò, đồng nghiệp và nhân dân Phan Thiết qua phong cách sống và giảng dạy của thầy. Đó là những bài học quý báu về phương pháp giáo dục khoa học, tiến bộ với tình yêu thương, gần gũi học trò, lòng say mê công việc và ham học hỏi cùng phong cách sống giản dị. Những giờ lên lớp, thầy Thành giảng bài nhiệt tình, dễ hiểu, luôn lấy ví dụ minh họa trong thực tế cuộc sống để bài giảng thêm sinh động. Những nội dung khó, thầy thường giảng rất chậm và kỹ. Có thể thấy, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã có phương pháp giáo dục khoa học, tiến bộ. Những ngày dừng chân dạy học ở Dục Thanh - Phan Thiết đánh dấu sự hình thành tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Đó cũng là tư tưởng mà ngành giáo dục hiện nay vận dụng: Học phải đi đôi với hành, lý luận kèm với thực tiễn.

(Nguồn: Internet)

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành không chỉ hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, chỉ ra tầm quan trọng đối với việc học mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng.

Thầy Thành là một tấm gương sáng về tinh thần tự học. Ngoài vốn tri thức ban đầu học được từ các thầy ở quê và khi còn trên ghế Trường Quốc học Huế, toàn bộ tri thức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tích luỹ được chủ yếu là tự học. Với Người, học để làm người có tri thức nhằm giúp dân, giúp nước.

Quá trình từ nhà giáo yêu nước Nguyễn Tất Thành đến người cộng sản Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quá trình phấn đấu không mệt mỏi, khổ luyện trong mọi khó khăn, gian khổ để rèn luyện đạo đức, ý chí cách mạng của “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Vì vậy, nhà nghiên cứu Đào Phan đã giành tình cảm đặc biệt khi viết về người thầy, Lãnh tụ thiên tài, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam: “Nếu không có sự quyết định từ Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, thì bạn thử nghĩ xem, làm sao có những quyết định từ Quảng Châu, Hương Cảng đến Tân Trào, Hà Nội… của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với tiền đồ của Tổ quốc? Trong cách xử trí đối với thời đại qua một sự lựa chọn rất độc đáo từ bấy giờ, thiên tài của thầy giáo trẻ tuổi ở trường Dục Thanh quả đã báo trước sự lỗi lạc của vị Chủ tịch nước Việt Nam”[3].

Với bộn bề công việc trên cương vị người đứng đầu của nhà nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của chính quyền cách mạng mạng, đó là “Diệt giặc dốt” - mở lớp bình dân học vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gửi thư động viên học sinh chăm ngoan, học giỏi mà còn gửi gắm nền giáo dục nước nhà tới các nhà giáo.

(Nguồn: Internet)

Không chỉ là người thầy vĩ đại, uyên bác về tri thức mà người còn đào tạo nên những thế hệ lãnh đạo cách mạng “khai quốc công thần” của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Sau này, khi hoạt động ở nước ngoài cũng như trong nước, Hồ Chí Minh đã giảng dạy ở nhiều nơi, mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng Người căn dặn “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Quán triệt tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong giáo dục,  những năm qua Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy định để phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đưa Quy định 08-QĐ/TW vào thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, thiết nghĩ cần chú trọng thực hiện một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức của đội ngũ giáo viên, nhất là người đứng đầu về phong cách nêu gương Hồ Chí Minh, gắn liền với việc đẩy mạnh thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị và các đoàn thể nhân dân, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với các cán bộ lãnh đạo, nhất là khi có những dấu hiệu vi phạm kỷ  luật Đảng, pháp luật của Nhà nước và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

Thứ ba, cụ thể hoá việc học tập, làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể hằng năm gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình, tạo cơ sở đối chiếu, đánh giá .

Thứ tư, đề cao vai trò tự giáo dục của mỗi cán bộ lãnh đạo, thực hiện tốt nói đi đôi với làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong công tác hàng ngày.

Thứ năm, chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời nhận diện và phòng chống hiệu quả những nguy cơ suy thoái của Đảng, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của đội ngũ giáo viên hiện nay./.

                   DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đào Phan, Hồ Chí Minh -  danh nhân văn hoá, Nxb. Văn hoá thông tin, H. 2009, tr. 215.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.284.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 317.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.259.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.233.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIINxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 157 - 158.

Bài: Thiếu tá Nguyễn Hải Yến, Khoa LLCT, KHXHNV và Tâm lý

Biên tập: Loan Trần

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi