Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Chuẩn bị tốt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thẩm tra Luật Cảnh sát Cơ động

Luật Cảnh sát Cơ động được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần phát huy hơn nữa hiệu quả của lực lượng CSCĐ, đóng góp tích cực trong thành tích chung của lực lượng CAND trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiều 20/8, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) của Quốc hội và Ban soạn thảo Dự án Luật Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) họp báo cáo về công tác chuẩn bị cho việc thẩm tra dự án Luật CSCĐ.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự, chỉ đạo buổi làm việc. Dự buổi làm việc có Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban QP & AN, chủ trì cuộc họp; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo dự kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ thực hiện cho ý kiến về dự án Luật CSCĐ, đây là một trong những dự án Luật đầu tiên trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần triển khai xây dựng Dự án Luật một cách nghiêm túc, chặt chẽ, mẫu mực để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, việc kiểm tra công tác chuẩn bị và kịp thời chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thẩm tra các dự án luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến; nhấn mạnh, việc dự án luật trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội có nhận được sự đồng tình hay không chính là ở quá trình chuẩn bị phải tốt.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng lưu ý với Thường trực Ủy ban QP & AN và Ban soạn thảo, quá trình rà soát hồ sơ dự án Luật cần bảo đảm đầy đủ tài liệu theo đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc thẩm tra sơ bộ phải chặt chẽ, khách quan, toàn diện làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Cần có dự kiến phương án trong quá trình tổ chức thẩm tra sơ bộ bám phù hợp với diễn biến của dịch, bệnh COVID-19; không tiến hành thẩm tra dự án Luật khi chưa đủ các tài liệu hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn…

Tại cuộc họp, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ đã thay mặt Ban soạn thảo báo cáo một số nội dung cơ bản của dự án Luật; báo cáo bước đầu về kết quả nghiên cứu về dự án Luật và công tác chuẩn bị thẩm tra dự án Luật.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Ban soạn thảo đã rà soát kỹ, tiếp thu, kế thừa tối đa những nội dung đang còn giá trị của Pháp lệnh CSCĐ; tốc độ xây dựng Luật nhanh, có sự phối hợp chặt chẽ và thuận lợi của các đơn vị liên quan. Quá trình tổ chức lấy ý kiến đóng góp, đa số các ý kiến tham gia của các Bộ, Ngành đều đồng tình rất cao sự cần thiết ban hành Luật này và những điều khoản mới so với Pháp lệnh CSCĐ.

“Chúng tôi đã tiếp thu tối đa ý kiến của các Bộ, Ngành; so sánh với các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện đúng theo yêu cầu đặt ra” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết và yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc ý kiến văn bản giải trình các vấn đề đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Uỷ ban QP & AN nêu ra…

Dự thảo Luật CSCĐ gồm 5 Chương và 30 Điều, trong đó có nhiều điểm mới. Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần phát huy hơn nữa hiệu quả của lực lượng CSCĐ, đóng góp tích cực hơn nữa trong thành tích chung của lực lượng CAND trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.                                 

Nguồn: Báo CAND

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi