Tham dự phiên họp có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, cùng đại diện các bộ, ban, ngành và UBND TP Hà Nội.
Trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng, nhiều quốc gia đã rất hào hứng quan tâm về công tác triển khai xây dựng Đề án 06 của Việt Nam. Việc chuyển đổi số cần phải tính đến những vấn đề mang tầm khu vực, quốc tế trong xã hội số, kinh tế số, quản trị xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu khai mạc phiên họp.
Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá: Từ sau hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy Đề án 06 của Chính phủ với 46 địa phương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì vào ngày 29/9/2022, công tác triển khai Đề án 06 tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về chuyển đổi số quốc gia nói chung và thực hiện Đề án 06 nói riêng ngày càng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc.
Các bộ, ngành, địa phương đã thấy rõ tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06, vì vậy, đến nay, 11 đơn vị, bộ, ngành thành viên đã ký Kế hoạch đăng ký lộ trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022. Người đứng đầu các địa phương đã khẩn trương vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo triển khai Đề án tại địa phương mình, có thể kể đến như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nam...
“Đối với Bộ Công an, chúng tôi luôn xác định vai trò gương mẫu, đi đầu, chủ động ban hành Nghị quyết số 13 ngày 30/9/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh thực hiện Đề án trong CAND với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06...” - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phần việc chưa hoàn thành theo lộ trình đã đề ra trong tháng 10/2022, điển hình như: Dịch vụ công trực tuyến tỷ lệ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng chưa cao. Hai dịch vụ công Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe và Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất vẫn đang triển khai thí điểm, chưa hoàn thành để triển khai trên toàn quốc.
Hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ. Về cơ bản, các bộ, ngành chưa sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý thuộc thẩm quyền ban hành hoặc đề xuất ban hành cho phù hợp với Luật Cư trú năm 2020. Đến nay, rất ít đơn vị đủ điều kiện để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao di động chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Nhiệm vụ chuyển dữ liệu về số điện thoại di động để Bộ Công an cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được rốt ráo thực hiện...
Với những phần việc còn lại khá nhiều, cấp thiết trong khi đó thời gian từ nay đến cuối năm công việc đang trong giai đoạn nước rút, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị, bộ, ngành không nhắc lại thành tích mà tập trung đánh giá rõ khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những công việc còn chậm tiến độ, nguy cơ chậm tiến độ theo nội dung đã đăng ký, nêu rõ giải pháp khắc phục và kiến nghị, đề xuất.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận tại phiên họp.
Chủ trì tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, trong thời gian qua các đơn vị thực hiện Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả khả quan, có sự chuyển động mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều phần việc đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải gấp rút thực hiện, hoàn thành, đồng bộ kết nối. “Con tàu chuyển đổi số đã chạy, chúng ta không thể dừng mà phải tiếp nhiên liệu cho nó bằng chính sự quyết tâm, trách nhiệm, đồng bộ của các bộ, ban, ngành. Những phần việc của các bộ, ngành, địa phương đã rất rõ trong lộ trình thực hiện Đề án và phải sớm được thực hiện” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.
Trước việc đại diện Bộ Tư pháp hứa sẽ sớm sửa thông tư có liên quan để đảm bảo đến 31/12/2022 thực hiện Luật Cư trú, Bộ trưởng Tô Lâm quán triệt và lưu ý: Việc thay đổi Thông tư phục vụ Luật Cư trú năm 2020 là vấn đề hết sức cấp bách. Bộ trưởng Tô Lâm cũng đánh giá, hiện công tác cấp, liên thông khai sinh, khai tử… ở cấp cơ sở vẫn còn rườm rà, mất nhiều thời gian của người dân.
“Một cháu bé mới sinh ra, sau vài ngày ở bệnh viện khi bố mẹ cháu bế về nhà thì đã có ngay giấy khai sinh chứ không thể để bố, mẹ cháu phải chạy đi chạy lại đăng ký khai sinh mất thời gian, công sức. Những thủ tục đó phải được thực hiện trên môi trường điện tử, cải cách, phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Về phần “gỡ” những vướng mắc trong thủ tục hành chính, làm sạch dữ liệu phục vụ liên thông, kết nối dữ liệu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị đại diện Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội… đánh giá đầy đủ những tồn tại, phần việc có liên quan để sớm mở các điểm nghẽn.
Đại diện UBND TP Hà Nội phát biểu tham luận tại phiên họp.
Trước những băn khoăn, vướng mắc của các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trực tiếp giải đáp, gợi mở, đồng thời nhấn mạnh việc đồng bộ dữ liệu phải chia làm 3 nhóm với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, cùng nhau thống nhất, quyết tâm giải quyết bằng được”. Đối với những phần việc thuộc trách nhiệm thuộc bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải có câu trả lời, hướng dẫn giúp những đơn vị có liên quan “bám” vào đó để thực hiện.
Phát biểu kết luận phiên họp, biểu dương những kết quả thực hiện Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngày chuyển đổi số 10/10/2022 và chủ động nghiên cứu triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tháng 10; khẩn trương hoàn thiện pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của đề án đúng tiến độ, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy từ ngày 1/1/2023, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt là đối với lĩnh vực tư pháp, tài nguyên và môi trường.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Ban soạn thảo nghị định khẩn trương đôn đốc, tập hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương chuyển Bộ Tư pháp thẩm định trong đầu tháng 11/2022 để ban hành. Các bộ, ngành khẩn trương kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính của đơn vị mình có lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể.
Đại diện Bộ Y tế báo cáo tiến độ thực hiện Đề án 06.
Đối với nhóm các dịch vụ công trực tuyến, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị, bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022; Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương sử dụng tài khoản định danh điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia để giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng khó khăn khi đăng ký tài khoản dịch vụ công bằng số điện thoại.
Riêng đối với 2 thủ tục hành chính liên thông, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẩn trương đầu tư, nâng cấp hệ thống, đảm bảo các tiêu chuẩn theo hướng dẫn 1552 của Bộ Thông tin và truyền thông để hoàn thiện kết nối, việc này phải hoàn thành trước 15/11/2022. Đối với dịch vụ công đăng ký biến động quyền sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra lộ trình cụ thể để nhân rộng trên toàn quốc và lộ trình kết nối cơ sở dữ liệu về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh, phấn đấu hoàn thành trong Quý IV/2022.
Các đại biểu tham dự phiên họp đã nêu xuất nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án 06.
Đối với nhiệm vụ của Bộ Y tế, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu khẩn trương hoàn thiện quy trình hướng dẫn các cơ sở y tế, bệnh viện đồng bộ dữ liệu khám sức khỏe lái xe lên hệ thống của Bộ Giao thông vận tải, hoàn thành trước ngày 30/10/2022 để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trong 25 dịch vụ công thiết yếu. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai dịch vụ công liên thông “Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt”.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng lưu ý các đơn vị tập trung đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và kết nối, chia sẻ dữ liệu. Nhiệm vụ này Bộ Thông tin và truyền thông phải thể hiện vai trò lớn hơn, rõ hơn, cụ thể: Khẩn trương xây dựng lộ trình đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuê bổ sung, đầu tư bổ sung các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu theo hướng dẫn 1552 để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương chuyển dữ liệu về số điện thoại di động và thực hiện nộp phí theo quy định; Phối hợp Bộ Công an theo đúng chức năng quản lý nhà nước tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình đối soát, làm sạch dữ liệu viễn thông.
Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong tháng 10 và những nhiệm vụ trong tháng 11.
Đối với nhóm phục vụ về phát triển kinh tế, xã hội, phát triển công dân số, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành có liên quan như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đôn đốc hướng dẫn địa phương về làm sạch dữ liệu an sinh xã hội, phối hợp với Bộ Công an thống nhất quy trình xác thực thông tin để đồng bộ vào hệ thống dân cư. Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức triển khai các sáng kiến thúc đẩy sử dụng dịch vụ chữ ký số cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ưu đãi, miễn, giảm phí sử dụng. Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, tiết kiệm thời gian, chi phí.
“Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành quy định về nhóm thông tin cơ bản về y tế được đồng bộ từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; thực hiện bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin ngành y tế; triển khai thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử và tích hợp thông tin sức khỏe cá nhân trên ứng dụng VNEID.
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế đẩy mạnh đồng bộ dữ liệu về thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Xây dựng lộ trình chi tiết sử dụng số định danh cá nhân là mã số thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội rà soát, đầu tư hệ thống để kết nối phần mềm dịch vụ công liên thông, triển khai hiệu quả Đề án 06.
Nhiệm vụ phía trước vẫn còn nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải chung sức, đồng lòng, liên thông, đồng bộ dữ liệu, phục vụ hiệu quả xây dựng công dân số, xã hội số, Chính phủ số, phát triển kinh tế - xã hội...”- Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
Nguồn: Báo CAND