Học viện An ninh nhân dân (ANND - tiền thân là trường Huấn luyện Công an) được thành lập theo Quyết định số 215/NĐ-P2 ngày 25/6/1946 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Ngay từ khi thành lập, Học viện ANND đã được Bộ Công an giao sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công an và xã hội; là đơn vị nòng cốt trong xây dựng, phát triển lý luận nghiệp vụ an ninh đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Từ lớp huấn luyện Công an trung cấp đầu tiên được khai giảng ngày 15/7/1946 tới các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn (giai đoạn 1954 - 1969) đến đào tạo đại học chính quy đầu tiên năm 1969, đến nay, Học viện đã được Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tổ chức đào tạo ở cả 3 trình độ (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ). Hình thức đào tạo, loại hình đào tạo đã được Học viện đa dạng hóa phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập, nâng cao trình độ cho cán bộ Công an các đơn vị, địa phương.
Cùng với việc duy trì, nâng cao chất lượng đào tạo đại học chính quy, Học viện đã phát triển, mở rộng các hình thức đào tạo, loại hình đào tạo đại học khác như: Hệ đào tạo đại học vừa làm vừa học; hệ chuyên tu; hệ nâng bằng; hệ liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ đại học; liên thông giữa trình độ cao đẳng với trình độ đại học, hệ văn bằng 2, hệ đào tạo chất lượng cao. Đặc biệt, việc mở đào tạo cử nhân chất lượng cao với 20% kiến thức giáo dục chuyên nghiệp được giảng dạy bằng Tiếng Anh theo giáo trình của các nước tiên tiến đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo đại học của Học viện.
Đối với đào tạo sau đại học, Học viện ANND đã đào tạo 29 khóa cao học và 25 khóa nghiên cứu sinh, trong đó đã có 3.289 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn và được cấp bằng thạc sĩ; 275 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng tiến sĩ. Đồng thời, Học viện ANND cũng là 1 trong 3 cơ sở đào tạo trong lực lượng CANDđã được Ban Tổ chức TW và Bộ Công an giao thí điểm đào tạo và xác nhận trình độ Cao cấp lý luận chính trị. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng nói chung và đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị nói riêng của Học viện ANND. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác cũng không ngừng được mở rộng về phạm vi, quy mô và đối tượng đào tạo.
Thiếu tướng Lê Ngọc An chủ trì buổi duyệt đề cương luận văn thạc sĩ.
Với 75 năm xây dựng và trưởng thành, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện ANND đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng trên nhiều phương diện. Học viện đã đào tạo hàng vạn cán bộ Công an “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Công an cả trong sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Các thế hệ học viên của Học viện sau khi ra trường đã phát huy và vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn công tác. Nhiều đồng chí lập chiến công, thành tích xuất sắc, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, đạt được học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ; nhiều đồng chí trở thành các tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp, một số đồng chí đã và đang giữ những trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Học viện cũng đã đào tạo hàng ngàn cán bộ có trình độ đại học và sau đại học cho lực lượng an ninh quân đội, bộ đội biên phòng; cảnh sát biển đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lực lượng An ninh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Bộ nội vụ Vương quốc Camphuchia, phục vụ đắc lực công tác đối ngoại. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng qua 75 năm xây dựng và phát triển đã góp phần quan trọng đưa Học viện ANND từ một trường huấn luyện Công an, đào tạo nghề thành cơ sở đào tạo đại học trọng điểm của ngành Công an, một trường đại học lớn có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, danh hiệu như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, Học viện vinh dự được chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Trong dòng chảy chung của công tác đào tạo, bồi dưỡng, một trong những yếu tố có tính chất cốt lõi, xuyên suốt luôn được Học viện ANND chú trọng đó là đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu xây dựng lực lượng CAND trong từng giai đoạn cách mạng. Mục tiêu đào tạo được đổi mới theo hướng phát triển năng lực toàn diện của người học cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ gắn với chuẩn đầu ra các chuyên ngành đào tạo. Chương trình đào tạo được chú trọng đổi mới toàn diện đảm bảo đáp ứng thực tiễn sử dụng và bố trí cán bộ của Công an các đơn vị, địa phương.
Học viện đã thường xuyên cập nhật nội dung chương trình; rút ngắn thời gian đào tạo cùng với việc phân bổ lại chương trình theo hướng giảm lý thuyết, tăng thời gian cho các hoạt động sau giảng; tiên phong trong việc xây dựng chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành, loại hình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu đào tạo của ngành Công an trong từng giai đoạn và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao của xã hội.
Hiện nay, thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng CAND và nhu cầu sử dụng cán bộ đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường CAND. Bộ Công an đang có những yêu cầu mới trong bố trí sử dụng cán bộ sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy thống nhất, chuyên sâu theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Ngày 22/8/2019, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Quy định số 02/QĐ/ĐUCA về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở 4 cấp Công an.
Tiếp đó, ngày 11/12/2020, Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Thông báo số 09-TB/ĐUCA thông báo kết luận của Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân. Bên cạnh đó, sự tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác giáo dục, đào tạo Công an nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ Công an và thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, phát huy những kết quả đã đạt được, Học viện sẽ điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo một số định hướng lớn, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Học viện sẽ chủ động nghiên cứu và đề xuất về việc thu gọn các ngành, chuyên ngành đang được giao tổ chức đào tạo ở các trình độ. Trong thời gian tới, Học viện chủ trương sẽ tập trung đào tạo những ngành truyền thống có thế mạnh trong đào tạo như ngành Trinh sát an ninh, ngành Điều tra hình sự, An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Việc điều chỉnh danh mục ngành là cơ sở để Học viện đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo.
Thứ hai, tổ chức đào tạo trình độ đại học theo ngành rộng, không tổ chức đào tạo theo chuyên ngành hẹp như trước đây. Điều này xuất phát từ chủ trương, yêu cầu của Bộ Công an về bố trí cán bộ Công an sau khi tốt nghiệp các trường CAND.
Thứ ba, tổ chức điều chỉnh cụ thể các nội dung chương trình đào tạo theo hướng:
- Đổi mới mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo các ngành đào tạo theo hướng cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn chiến đấu của 4 cấp Công an, nhất là Công an ở cấp cơ sở.
Trong thời gian tới, Học viện sẽ tiếp tục đổi mới mục tiêu đào tạo; rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra các ngành đào tạo theo hướng phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ của người học đáp ứng yêu cầu sử dụng cán bộ ở 4 cấp của ngành Công an. Trong đó chú trọng nghiên cứu, bổ sung những nội dung về mục tiêu, chuẩn đầu ra phù hợp với hướng bố trí mới là Công an cấp cơ sở. Theo đó, cùng với việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của người Công an cách mạng, các chương trình đào tạo sẽ chú trọng hơn nữa đến việc bồi dưỡng cho học viên những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và các kỹ năng mềm để đáp ứng vị trí công tác ở địa bàn cơ sở sau khi tốt nghiệp như: Kỹ năng tiến hành công tác nghiệp vụ ở địa bàn cơ sở; kỹ năng nắm tình hình, phát hiện, xử lý các tình huống nảy sinh ở địa bàn; kỹ năng tiếp xúc với dân, làm công tác dân vận…
- Điều chỉnh lại cấu trúc, nội dung của các chương trình đào tạo theo hướng trang bị kiến thức rộng, giảm bớt khối lượng kiến thức chuyên ngành hẹp. Nội dung chương trình tiếp tục được đổi mới đảm bảo tính cập nhật, hiện đại, lược bỏ những nội dung kiến thức cũ, không cần thiết; bổ sung kịp thời các nội dung, môn học mới. Các môn học về nghiệp vụ cơ sở sẽ được tách thành một số học phần độc lập trong chương trình và tăng số tín chỉ để trang bị toàn diện về kiến thức và kỹ năng thực hành cho sinh viên. Nội dung chương trình được xây dựng đảm bảo trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ Công an 4 cấp, phù hợp với yêu cầu bố trí cán bộ trong tình hình mới của Bộ Công an.
- Điều chỉnh lại địa bàn, chỉ tiêu thực tập tốt nghiệp, vị trí công tác sau khi tốt nghiệp trong các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu mới trong bố trí học viên tốt nghiệp và thực tập tốt nghiệp. Để phù hợp với chủ trương mới trong bố trí cán bộ của Bộ Công an, địa bàn thực tập và vị trí công tác trong chương trình đào tạo cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp theo hướng mở rộng vị trí công tác có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp ra trường theo hướng phục vụ công tác ở Công an 4 cấp; bổ sung địa bàn thực tập ở Công an cấp cơ sở.
Nội dung, chương trình được xác định là “xương sống” của quá trình đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Công an Trung ương sẽ là “chìa khóa” giúp Học viện ANND tiếp tục có những bước tiến nhanh, tiến chắc, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, giữ gìn và phát huy truyền thống, uy tín Học viện ANND-C500 anh hùng.
Nguồn: Báo CAND