Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giám sát, ngăn chặn tiền chất ma túy, chất ma túy trong thực phẩm

Chiều 15/12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10-2022); Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến  về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của một số cơ quan.

Lực lượng Công an đã ngăn chặn, xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 10 và tháng 11/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên thảo luận.
Đáng lưu ý, trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ việc phức tạp về ANTT, trong đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai, khai thác mặt nước giữa các cá nhân với nhau.  Nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn do công tác quản lý đất đai của chính quyền cấp cơ sở bị buông lỏng trong thời gian dài; một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; người dân lợi dụng sự buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở của pháp luật tự ý bao chiếm đất công, đất rừng. 

Lực lượng Công an các địa phương đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với đối tượng vi phạm... Tuy nhiên, do lực lượng cán bộ còn mỏng, việc thực hiện giao đất, giao rừng còn chậm trễ, có trường hợp còn có sai phạm dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết tranh chấp, xử lý triệt để đối với trường hợp vi phạm. 

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo công tác.

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết thêm, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 617 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 625 vụ việc và có 17 lượt đoàn đông người. Trong đó, tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp 202 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 199 vụ việc và có 8 lượt đoàn người đông người. Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 415 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 426 vụ việc, có 9 lượt đoàn đông người. Các cơ quan của Quốc hội đã nhận được 2.634 đơn thư của công dân gửi đến, trong số 262 đơn đủ điều kiện xử lý, qua nghiên cứu đã chuyển 97 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 1 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 164 đơn.

Các đại biểu tại phiên họp.

Qua công tác xử lý đơn thư, các cơ quan của Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát đối với 03 vụ việc cụ thể. Các Đoàn đại biểu Quốc hội đã nhận được 1.759 đơn thư của công dân gửi đến. Trong số 972 đơn đủ điều kiện xử lý, đã nghiên cứu, chuyển 508 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 191 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân. Qua công tác xử lý đơn thư, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát đối với 9 vụ việc cụ thể.

Ngăn chặn tình trạng sử dụng ma tuý trong học sinh, sinh viên

Báo cáo công tác của Bộ Công an về các vấn đề cử tri quan tâm, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho biết, Bộ Công an đã nhận được 62 kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng gửi đến, Bộ Công an đã giao cho các đơn vị chức năng rà soát rồi báo cáo, đề xuất, trả lời các kiến nghị của cử tri theo đúng thời hạn quy định.


Thứ trưởng Lê Văn Tuyến báo cáo công tác của Bộ Công an.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho biết, ngày 19/10/2022, Bộ Công an  đã ký quy chế phối hợp, chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình phối hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phổ biến, giáo dục pháp luật về việc nâng cao ý thức chấp hành tham gia giao thông cũng như là vấn đề nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên trong công tác nhận thức về các loại ma túy, chất ma túy để chủ động phòng ngừa và ở đây cũng báo cáo thêm, có thể nói là trong thời gian vừa qua thì các loại tiền chất ma túy cũng có nhiều loại cũng mới được các đối tượng sử dụng. Hiện nay Bộ Công an đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, người dân.

Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cho biết, 11 tháng trong năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 39.755 vụ phạm pháp hình sự, so với số liệu năm 2019 tức là trước thời kỳ COVID thì giảm 13,71%. “Vì sao Bộ Công an lấy số liệu này vì sau 2019 là 2020, 2021 là thời kỳ dịch COVID nên chúng tôi trong giao chỉ tiêu năm 2022 cũng xác định là so với mốc 2019 - tức là trước COVID  và cũng đã tập trung đấu tranh” – Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nhấn mạnh.

Đồng chí Thứ trưởng nêu rõ, Công an các đơn vị địa phương cũng đã tập trung đấu tranh triệt phá 590 băng nhóm tội phạm trật tự xã hội và nếu so với mốc năm 2019 đã giảm tới 54,96%, các chỉ tiêu về tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Chỉ tiêu về tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án; cơ bản các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Quốc hội giao và chỉ tiêu đã đề ra.

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến khẳng định, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, đặc biệt, từ nay đến trước Tết Nguyên đán. Bộ Công an cũng đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đồng loạt triển khai các biện pháp trước, trong và sau Tết Nguyên đán để đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ cho Nhân dân đón Tết an toàn, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng chỉ đạo chung.

Cần làm rõ tình trạng thiếu việc làm, ngưng việc trước Tết Nguyên đán

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Ban Dân nguyện trong việc theo dõi, đôn đốc, thống kê, tổng hợp bảo đảm chất lượng các nội dung, giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhận định đánh giá sát thực tình hình.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện nhấn rõ việc thiếu việc làm, ngưng việc và thôi việc trong điều kiện sắp Tết Nguyên đán thì sẽ có những khó khăn cho đời sống của người dân và cần có chính sách phù hợp để có hỗ trợ cho đúng đối tượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung họp.

Đề nghị Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa các tiền chất ma túy này trong các loại lương thực, thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm khác; xung quanh tình hình ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong, cần rà soát và kiểm tra việc bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong các bếp tập thể ở các công sở, nhất là trong các nhà trường, trong các đơn vị tập trung để có giải pháp kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ.

Đề nghị Bộ Công Thương có tài liệu để tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, phối hợp với các bộ, ngành có các tài liệu để phổ biến cho người dân về các tiền chất ma túy để người dân nhận thức và có phòng ngừa với cái này ngay trong gia đình, trong nhà trường và trong xã hội…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi