Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hừng hực tinh thần… "tân binh"

Theo phân công của lãnh đạo Bộ Công an, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2 (đóng quân tại ấp Hương Phụ A, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành) được giao quản lý, huấn luyện 245 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND của Công an tỉnh Trà Vinh và Cà Mau. 

Đa số các tân binh đều là học sinh vừa tốt nghiệp THPT, những ngày đầu nhập ngũ mọi việc đều rất mới, các chiến sỹ phải tập làm quen với giờ giấc sinh hoạt, học tập, huấn luyện trong môi trường của lực lượng vũ trang. 5h sáng, khi nghe tiếng kẻng báo hiệu, các chiến sĩ khẩn trương dậy tập thể dục buổi sáng. 

Các cụm từ như tiểu đội, đại đội, trật tự nội vụ, điều lệnh… đều là những khái niệm hoàn toàn mới, ngay cả cách gọi nhau là đồng chí thì các chiến sĩ cũng cần thời gian để tạo thành thói quen.

Trong thời gian huấn luyện, các chiến sĩ tuyệt đối chấp hành nghiêm quy định và mệnh lệnh của cấp trên, không được sử dụng điện thoại cá nhân, khi cần liên hệ với gia đình thì đơn vị bố trí cho liên lạc bằng điện thoại của đơn vị. 

Chủ nhật hàng tuần người thân được đến thăm gặp, chiến sỹ không được tự ý ra khỏi doanh trại. Các chiến sỹ được sắp xếp nơi ở theo từng phòng, mỗi phòng được lãnh đạo đơn vị bố trí một cán bộ quản lý cùng sinh hoạt để kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở giúp các tân binh hòa nhập với môi trường mới. 

Với các chiến sĩ mới thì việc xếp nội vụ đúng chuẩn là một "thử thách" không nhỏ. Chiến sĩ Dương Lê Chí Hướng (ngụ xã Thái Bình, huyện Thái Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết, những ngày đầu phải thức dậy từ 4h sáng để tập xếp nội vụ.

Cán bộ quản lý kiểm tra nơi nghỉ của tân binh. Ảnh: Hồ Giang.

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND là 24 tháng, trong đó thời gian huấn luyện tập trung là 3 tháng để các chiến sĩ học tập một số nội dung cơ bản về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cơ sở và kiến thức về điều lệnh, quân sự, võ thuật CAND; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của lực lượng CAND; vận dụng được các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ chuyên môn của Cảnh sát cơ động; thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Với hầu hết các chiến sĩ trẻ, việc đăng ký tham gia nghĩa vụ CAND được xem là một cơ hội để thực hiện ước mơ vì nhân dân phục vụ của mình, những ngày được huấn luyện trong môi trường vũ trang cũng là một kỷ niệm đẹp của các bạn trẻ. 

Chiến sĩ Nguyễn Văn Trường (ngụ xã An Trường A, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, vì ước mơ từ nhỏ nên khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trường đã tình nguyện thực hiện nghĩa vụ trong CAND. 

Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ và xa lạ trong việc chấp hành về tổ chức, kỷ luật, điều lệnh nội vụ, thực hiện 12 chế độ trong ngày nhưng với sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi và sự nhiệt tình của cán bộ quản lý, cán bộ huấn luyện đã giúp Trường và đồng đội quen dần, thích nghi với môi trường của lực lượng vũ trang.

Trung tá Huỳnh Văn Hà, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2 cho biết, với sự quan tâm hướng dẫn của đội ngũ chỉ huy các cấp và cán bộ huấn luyện, đến nay qua gần 2 tháng huấn luyện tập trung các chiến sĩ đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. 

Sau khi kết thúc khóa huấn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2, các chiến sĩ sẽ có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ ở các đơn vị chiến đấu như đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát PCCC, Cảnh sát Bảo vệ trại giam và sẽ có cơ hội chuyển sang chế độ chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong lực lượng CAND.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi