Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - 15 năm dấu ấn một chặng đường

Quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Cảnh sát môi trường đã không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, lực lượng, phương tiện, xác định rõ đường lối, phương pháp hoạt động và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Những năm qua, cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu nổi bật và ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, dưới sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã nảy sinh nhiều thách thức, trong đó có vấn đề về bảo vệ môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, các khu công nghiệp và khu đô thị được hình thành nhanh chóng, các ngành nghề sản xuất kinh doanh được mở rộng đa dạng, đó là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, gây ô nhiễm không khí, đất, và nguồn nước.

Bên cạnh đó, thực trạng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi, chất lượng các nguồn nước bị suy giảm, đa dạng sinh học bị đe dọa gây nguy cơ mất cân bằng sinh thái, tình trạng không khí tại nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm nặng… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trước tình hình trên, ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó chỉ rõ: "Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát; quy định và áp dụng các chế tài cần thiết để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường".

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 22/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Công an: "Tăng cường chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an trong việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất phương án thành lập lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, tăng cường chức năng, nhiệm vụ, xử  lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường".

Sau quá trình nghiên cứu và chuẩn bị Đề án thành lập lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã được Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương đồng ý, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 1899/2006/QĐ-BCA(X13) ngày 29/11/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (gọi tắt Cục Cảnh sát môi trường). Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát môi trường Việt Nam.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện, bắt giữ các đối tượng và phương tiện khai thác cát trái phép quy mô lớn, ngày 20/10/2021.

Quá trình 15 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp nhịp nhàng, có hiệu quả của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Cảnh sát môi trường đã không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, lực lượng, phương tiện, xác định rõ đường lối, phương pháp hoạt động và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Trải qua 4 lần thay đổi, mô hình tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát môi trường đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đề ra trong từng giai đoạn khác nhau. Từ 38 CBCS tại thời điểm ra mắt Cục, đến nay, mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát triển gồm  hơn 5.000 CBCS (7 lãnh đạo Cục, 272 lãnh đạo cấp phòng, 5006 cán bộ, trong đó có 2.722 cán bộ kiêm nhiệm ở Công an cấp huyện), cơ bản thực hiện theo chủ trương "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở" đảm bảo khoa học, hiệu quả.

Nổi bật là, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tập trung tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Điển hình như: Đề xuất, tham mưu xây dựng Pháp lệnh Cảnh sát môi trường năm 2014, Nghị định số 105/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; tham gia góp ý xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tham mưu xây dựng Thông tư số 80/2019/TT-BCA ngày 27/11/2019 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Điều 7, Điều 8 Nghị định 105/2015/NĐ-CP....

Trên cơ sở đó, lực lượng Cảnh sát môi trường đã xác định đường lối, phương thức hoạt động và khẳng định được vị thế, bản lĩnh, vai trò nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc trong công cuộc bảo vệ môi trường, cuộc sống bình yên của Nhân dân và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Trong quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế, lực lượng Cảnh sát môi trường đã thực hiện tốt quan hệ phối hợp công tác với nhiều cơ quan, ban ngành thuộc các Bộ: Tài Nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & PTNT; Y tế và phối hợp với các tổ chức quốc tế như: TRAFFIC, WWF, ASEAN-WEN, UNODC….

Thông qua việc thực hiện các Thông tư liên tịch, quy chế, kế hoạch phối hợp, lực lượng Cảnh sát môi trường đã chủ động tham mưu xây dựng và thực thi các văn bản pháp luật, triển khai các khoá đào tạo kiến thức môi trường, kinh nghiệm phòng, chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã quý hiếm…

Trên cơ sở làm tốt công tác nghiệp vụ, xác định được đặc điểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về môi trường, xác định rõ lĩnh vực, địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng đấu tranh, xử lý nghiêm với các đối tượng vi phạm.

Tính đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường cả nước đã phát hiện trên 228.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên và an toàn thực phẩm. Khởi tố và đề nghị khởi tố 5.185 vụ với 7.475 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 206.723 vụ với tổng số tiền 2.700 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 2.260 vụ, khởi tố, đề nghị khởi tố 29 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.857 vụ với tổng  số tiền là 291 tỷ đồng.

Một số vụ việc điển hình như: phát hiện, xử lý vi phạm của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam lắp đặt đường ống ngầm xả thải trái phép, gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải trong thời gian dài; sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomusa gây ra; vụ bắt giữ đối tượng Hà "đen", Phượng "râu" khai thác trái phép gỗ tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên...

Gần đây nhất, Cục đã trực tiếp khởi tố 3 vụ về "Gây ô nhiễm môi trường" và "Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" tại một số địa phương. Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi  trường Công an 10 tỉnh, thành phố cũng trực tiếp khởi tố 16 vụ án hình sự về các tội danh theo thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra.

Ghi nhận những nỗ lực cố gắng của lực lượng Cảnh sát môi trường, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác và chiến đấu. Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba. Bên cạnh đó, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác cũng được Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành tặng thưởng các danh hiệu cao quý.

Trong những năm tới, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, quản lý chất thải nguy hại, xuất nhập khẩu, môi trường biển đảo, môi trường y tế, an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên khoáng sản, lâm sản và động vật hoang dã, quý, hiếm.

Lực lượng Cảnh sát môi trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn để rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nắm chắc tình hình, nghiên cứu, dự báo và nhận diện đầy đủ những vấn đề mới về đối tượng, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm để chủ động đề ra các kế hoạch phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý; nhạy bén, xử lý kịp thời các tình huống, vụ việc phức tạp về môi trường, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, không để hình thành các "điểm nóng" về môi trường gây mất an ninh trật tự.

Nghiên cứu kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng Cảnh sát môi trường cấp huyện và cán bộ kiêm nhiệm tại Công an cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật phục vụ các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Xây dựng lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong tình hình mới.

Phát huy truyền thống 15 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, với khẩu hiệu "Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả", cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát môi trường nguyện đoàn kết một lòng, vượt mọi khó khăn, phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường ngày một trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.


Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi