Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
 

Các đại biểu dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Công an có các đồng chí: Thượng tướng PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Thiếu tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC và đại diện lãnh đạo các Cục, đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an, các Học viện, trường trong Công an nhân dân. 

Về phía khách mời có các đồng chí: PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và 26 trường thành viên CLB Khoa học và công nghệ các trường đại học kỹ thuật. 

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn phát biểu tại Hội thảo.

CLB Khoa học công nghệ các trường đại học kỹ thuật được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện từ năm 1993, sau gần 30 năm hoạt động, từ 05 thành viên sáng lập, đến nay đã có 26 thành viên là các trường đại học đào tạo ngành khoa học kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc. Đây là mô hình mới, sáng kiến hay, thiết thực, quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành trên lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật. CLB được hoạt động với mục đích tạo sự gắn kết, tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học kỹ thuật trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất cho các vùng miền trong cả nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, trong 26 thành viên của CLB có 2 đơn vị thành viên trực thuộc Bộ Công an là Trường Đại học PCCC và Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC cho biết: Công tác PCCC&CNCH có liên quan rất chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tình hình cháy, nổ trong những năm gần đây diễn biến phức tạp, khó lường, mặc dù đã được kiềm chế so với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, song số vụ cháy, số người chết và thiệt hại về tài sản vẫn có dấu hiệu gia tăng. Mặc dù các mặt công tác nghiệp vụ PCCC&CNCH cũng đã được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả nhất định, song bên cạnh đó vẫn còn có nhiều vụ cháy lớn xảy ra, gây thiệt hại đặc biệt về người và tài sản. 

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo này nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về công tác PCCC cũng như vai trò của khoa học và công nghệ trong việc đảm bảo an toàn PCCC, góp phần hạn chế số vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra. Đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, lĩnh hội và tiếp thu những kiến thức mới, thành tựu mới về khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC&CNCH, cũng như đánh giá vai trò của CLB trong sự phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ khẳng định công tác PCCC&CNCH có vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, liên quan rất chặt chẽ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo quy luật,  kinh tế, xã hội càng phát triển thì nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ ngày càng cao, phức tạp, hậu quả khôn lường và khó định đoán. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với sự vận động của cơ chế thị trường, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã và đang làm gia tăng các nguy cơ về cháy nổ , thiên tai, dịch bệnh đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một số vụ cháy gần đây tại các khu dân cư tập trung, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất, dịch vụ kinh doanh karaoke… đã làm chết nhiều người, thiệt hại rất nặng nề về tài sản, nhiều cán bộ chiến sĩ PCCC đã hy sinh khi thi hành công vụ và không ít người đã để lại thương tật suốt đời.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại Hội thảo.

Công tác PCCC&CNCH là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó lực lượng CAND đóng vai trò chủ công, nòng cốt. Trong nhiều năm qua, Bộ Công an rất quan tâm đến nội dung này, đã và đang bố trí lực lượng, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, ứng phó nhanh nhất, hiệu quả nhất về cháy nổ có thể xảy ra từ cơ sở. Tuy vậy, thực tế diễn biến về cháy nổ có tính đặc thù, rất phức tạp, khó xác định về điểm cháy, nổ và nguyên nhân; khó xác định được tình huống giả định và phương pháp ứng phó, ứng cứu; khó dự báo sát với các tình huống đã, đang, sẽ xảy ra và các giải pháp phù hợp. Chính vì vậy lực lượng Cảnh sát PCCC luôn phải phải đối mặt trực diện, cao điểm, thương vong, nguy hiểm.

Đồng chí Thứ trưởng nêu rõ, tại hội thảo hôm nay, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mong muốn các vị đại biểu với tâm huyết, trách nhiệm, với cách làm hay, sáng tạo có được từ nghiên cứu, từ thực tiễn, tập trung thảo luận, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCCC&CNCH phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay. Trong đó, đặc biệt tập trung vào việc đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn về những diễn biến của tình hình, về những tác động, ảnh hưởng của nguy cơ cháy, nổ, thảm hoạ, thiên tai, từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp mang tính khả thi.

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa CLB khoa học và công nghệ các trường đại học kỹ thuật với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đồng thời, phát hiện những cơ chế chính sách và hành lang pháp lý còn vướng mắc hoặc bất cập; nghiên cứu, đề xuất chỉnh lý, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCCC&CNCH phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới. Bàn thảo, hướng tới hàng năm tổ chức luân phiên, phát động các cuộc thi sáng tạo đổi mới, triển lãm các thành tựu khoa học, công nghệ về PCCC&CNCH tân tiến, chất lượng cao, phù hợp, hiệu quả, giá thành rẻ; nhân rộng, lan toả những mô hình làm hay, cách làm sáng tạo về PCCC&CNCH trong cộng đồng, xã hội.

Tại hội thảo, CLB Khoa học và Công nghệ các trường đại học kỹ thuật cũng đã thông qua công bố 2022 của mạng lưới với chủ đề “Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với doanh nghiệp”. Theo đó, mạng lưới các trường đại học công nghệ kỹ thuật Việt Nam thống nhất triển khai mạnh mẽ mô hình Học kỳ doanh nghiệp (thuộc chương trình đào tạo cử nhân hoặc kỹ sư) người học thực hiện thực tập trực tiếp tại các công ty, nhà máy trong 6-8 tháng để nâng cao tính thực tế và khả năng làm việc khi ra trường, đồng thời thực hiện đề tài tốt nghiệp phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Chủ động xây dựng các mối liên kết chặt chẽ, hữu cơ, tương trợ lẫn nhau giữa doanh nghiệp và nhà trường; tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp-đại học thường niên với các định hướng, chính sách rõ ràng về số lượng nhân lực, lĩnh vực ưu tiên phát triển các nguồn nhân lực chất lượng cao định hướng công nghệ, nghiên cứu phát triển...

Trong khuôn khổ của Hội thảo, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chứng kiến Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa CLB khoa học và công nghệ các trường đại học kỹ thuật với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; chương trình diễn tập tình huống chữa cháy và cứu nạn cứu hộ do cán bộ, chiến sĩ, giảng viên Trường đại học PCCC thực hiện.  

Nguồn: Cổng TTĐT BCA

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi