Phát biểu khai mạc Hội thảo, PSG, TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết: Kể từ khi người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, Việt Nam đã có hơn 30 năm triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của những người bệnh HIV/AIDS. Sau hơn 30 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương, sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế với khát vọng đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những điểm sáng về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu.
Hiện, các trại giam và trại tạm giam quản lý hơn 200.000 can phạm nhân. Hàng năm, can phạm nhân nhiễm HIV/AIDS trong cơ sở giam giữ luôn chiếm số lượng lớn, tỷ lệ tử vong do AIDS cao ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, giáo dục và chăm sóc y tế cho đối tượng giam giữ. Từ nguồn tài trợ của quỹ toàn cầu, trong nhiều năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp chặt chẽ với Cục Y tế và các đơn vị chức năng của Bộ công an triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, bao gồm: Tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho can phạm nhân mới nhập trại, can phạm nhân nguy cơ nhiễm HIV cao; điều trị cho can phạm nhân nhiễm HIV/AIDS mỗi năm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trại tạm giam, trại giam về tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS; cung cấp các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, tài liệu truyền thông, thiết bị cho trại tạm giam, trại giam; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các trại tạm giam, trại giam triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích về các nội dung như, các văn bản liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc, tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; kết quả triển khai các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS do quỹ toàn cầu hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2023 và 9 tháng đầu năm 2024; kế hoạch triển khai các hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại 36 trại giam và 41 trại tạm giam năm 2023 do quỹ toàn cầu hỗ trợ năm 2024 – 2026; tổ chức triển khai các hoạt động điều trị HIV/AIDS, điều trị viêm gan C giai đoạn 2024 – 2026…
Để triển khai thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do quỹ toàn cầu tài trợ trong các trại tạm giam và trại giam thời gian tới, Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế đề nghị, các trại tạm giam, trại giam được dự án quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024 - 2026 tài trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho can phạm, phạm nhân. Các trại tạm giam, trại giam chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tật cấp tỉnh trong việc tiếp nhận sinh phẩm xét nghiệm HIV, đăng ký nhu cầu, tiếp nhận, sử dụng thuốc kháng HIV (ARV) do quỹ toàn cầu tài trợ và việc chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS cho can phạm, phạm nhân.
Đồng thời, các trại tạm giam, trại giam cử cán bộ tham dự tập huấn tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV do Cục Y tế phối hợp dự án quỹ Toàn cầu tổ chức, đặc biệt là đơn vị chưa có cán bộ được tập huấn tư vấn, xét nghiệm HIV. Đối với việc tra cứu và cung cấp thông tin người nhiễm HIV trong cơ sở giữ liệu quản lý của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh khi đối tượng bị bắt vào cơ sở giam giữ khai nhiễm HIV. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh phối hợp cung cấp thông tin và chuyển tiếp điều trị HIV/AIDS nếu người nhiễm trên địa bàn quản lý và có thông tin trên hệ thống phần mềm quản lý…
Nguồn: Báo CAND