Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhiều mánh khóe lách luật, vi phạm pháp luật về môi trường

"Nâng cao năng lực trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm" là chủ đề buổi Tọa đàm do Cục Sảnh sát phòng chống tội phạm ( PCTP) về môi trường tổ chức sáng nay ( 2/11) tại Hà Nội.

Tọa đàm với sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Cục và đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường của 5 địa phương trọng điểm phía Bắc gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và Học viện CSND nhằm trao đổi, đánh giá một cách khách quan những kết quả đã đạt được trong công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) thời gian qua, những bài học kinh nghiệm thực tế, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, về pháp luật, nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, từ đó trao đổi, đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao năng lực công tác PCTP vi phạm pháp luật về ATTP trong thời gian tới.

Theo Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, trong những năm qua, vấn đề ATTP tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, luôn là một vấn đề “nóng” được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, vi phạm pháp luật về ATTP diễn ra ở hầu hết các công đoạn từ sản xuất chế biến đến bảo quản, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm.

 Trong hoạt động sản xuất chế biến nổi lên là tình trạng lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng không rõ nguồn gốc, quá giới hạn cho phép, chưa đủ thời gian cách ly an toàn trong chăn nuôi, trồng trọt; sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng hóa chất công nghiệp trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm; sản xuất thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tình trạng vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phâm quy mô nhỏ, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở chế biến tại các làng nghề diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây ngộ độc thực phẩm, hay vấn đề vi phạm trong sản xuất thực phẩm chức năng.

Tình trạng nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam chưa được ngăn chặn triệt để, chủ yếu là nhập lậu qua đường tiểu ngạch khu vực biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia; nhập lậu thực phẩm qua đường hàng không nhập lậu qua đường biển với thủ đoạn lợi dụng chính sách thông thoáng vể xuất nhập khẩu, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để không khai báo hải quan hoặc khai báo không đúng về số lượng, chủng loại hàng hóa, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, quá cảnh hàng hóa để đưa trái phép các loại thực phẩm, sản phẩm động vật vào Việt Nam tiêu thụ...

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán tràn lan trên không gian mạng các mặt hàng thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam không được kiểm soát về chất lượng, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các ngành chức năng, tiềm ẩn nguy cơ lớn gây mất an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm tuy có giảm về số vụ và số người mắc song vẫn xảy ra, điển hình là ngộ độc do sử dụng rượu kém chất lượng; ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học; ngộ độc do sử dụng các sản phẩm người dân tự khai thác chế biến từ tự nhiên có chứa độc tố, gần đây nhất là các vụ ngộ độc do sử dụng rượu tại TP Hồ Chí Minh làm 9 người tử vong...

Các đại biểu tại buổi Tọa đàm.

Trong thời gian tới, nhất là khi tình hình dịch COVID - 19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm sẽ khôi phục trở lại, vì vậy tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường phải nhận diện được những nguy cơ, những thuận lợi, khó khăn, thách thức, để chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

 Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn, trên tinh thần đánh giá đúng thực trạng công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP tại đơn vị, địa phương mình, nhất là những vấn đề về thực trạng đội ngũ cán bộ, bố trí lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường từ cấp Bộ đến Công an cơ sở; quan hệ phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ của Cục với các Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường các địa phương cũng như quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường với các ngành chức năng. Đánh giá những hạn chế trong công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác đấu tranh xử lý vi phạm; những khó khăn vướng mắc về pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thực hiện thẩm quyền điều tra ban đầu, về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường.  Đánh giá, dự báo tình hình và nhận diện những vấn đề phức tạp về an toàn thực phẩm có thể phát sinh trong và sau dịch COVID-19, từ đó tham mưu đề xuất với Cục những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng và ở mắc để triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP trong thời gian tới, trước mắt là thực hiện có hiệu quả Phương án 3 của Bộ Công an và Kế hoạch số 512 ngày 25/8/2021 của Cục Cảnh sát PCTP vê môi trường về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trong và sau dịch COVID-19, cũng như dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Đồng thời, trao đổi về những kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm về ATTP để triển khai nhân rộng.

Nguồn: Báo CAND


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi