Thứ Sáu, 26/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Nhờ Đề án 06, một gia đình tìm được người thân thất lạc 35 năm

Câu chuyện ấm lòng đã nhanh chóng được sẻ chia trên mạng xã hội trong những ngày cuối tháng 10/2022 vừa qua, thêm một lần nữa cho thấy những ý nghĩa từ việc số hóa hồ sơ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý dân cư của lực lượng Công an.

Nhờ Đề án 06, một gia đình tìm được người thân thất lạc 35 năm -0
Bà Lê Thị Hạnh (thứ 2 từ phải sang) xúc động khi được đoàn tụ cùng 2 bác ruột (cụ Lê Thị Kiện, 101 tuổi và Lê Thị Hơn, 93 tuổi) sau 35 năm thất lạc.

Đã gần 2 tuần trôi qua, Trung tá Phạm Đức Dũng, Trưởng Công an xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) vẫn xúc động khi nhớ lại: “Đó là một buổi sáng đầu thu se lạnh, vẫn như mọi ngày, cùng với CBCS Công an trên địa bàn tích cực thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ với quyết tâm cao nhất, Công an xã Thanh Sơn cũng đang hối hả với nhiệm vụ của mình. Công việc tưởng chừng thầm lặng đó diễn ra như mọi ngày, nhưng hôm nay chúng tôi lại nhận được nhiệm vụ quan trọng: Đó là tìm người thân cho một gia đình đã thất lạc nhau gần nửa thế kỷ.

Trung tá Phạm Đức Dũng kể lại, hôm đó là buổi sáng sớm một ngày cuối tháng 10/2022, ngoài cửa phòng tôi bất chợt xuất hiện một cụ bà trạc ngoài 70 tuổi và một bác trai chắc cũng gần 50 tuổi. Ánh mắt khắc khoải và những giọt nước mắt ngân ngấn của của bà lão như đang muốn cầu khẩn chúng tôi giúp gì đó.

Sau khi được mời vào phòng uống nước nghỉ chân, bà lão khẽ đưa tay lau những giọt nước mắt rồi từ từ cho chúng tôi biết bà tên là Lê Thị Hạnh, năm nay 72 tuổi, còn người đàn ông đi cùng là con trai của bà. Bà vừa cùng con trai từ Đắk Lắk ra đây để tìm lại quê quán, họ hàng. Bà Hạnh tâm sự, giờ tuổi đã cao, mong mỏi duy nhất của bà là được trở về “nơi chôn rau cắt rốn” của mình để tìm lại những người bác ruột và bà con họ hàng theo di nguyện của mẹ bà.

Bà Hạnh kể: “Quê bà xưa gọi là tỉnh Hà Nam Ninh, khoảng năm 1987 do kinh tế khó khăn, bà cùng mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp. Thời điểm đó, điện thoại chưa có, thông tin liên lạc khó khăn nên từ đó đến nay gia đình bà hoàn toàn mất liên lạc với những người thân. Năm 2015, mẹ bà Hạnh do tuổi cao sức yếu đã qua đời, nguyện vọng cuối cùng trước khi mất của cụ là tìm được các chị của cụ để các con nhận lại người thân, nhận lại quê hương.

Với quyết tâm thực hiện tâm nguyện của người mẹ đã khuất, sau khi dâng hương cầu khấn mẹ phù hộ cho chuyến hồi hương thành công, bà Hạnh cùng con trai đã lên đường ra Bắc, cố gắng tìm về những địa danh khi xưa để tìm người thân, nhưng nhiều ngày tìm kiếm vẫn không có kết quả”, bà Hạnh ngậm ngùi.

tìm người thân (1).jpg -0
CBCS Công an xã Thanh Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) giúp bà Lê Thị Hạnh tìm được 2 bác ruột của mình và người thân sau 35 năm thất lạc.

Qua lời kể và những thông tin ít ỏi, chắp nối của cụ bà 72 tuổi và người con trai đã hơn 35 năm xa xứ, không còn nhớ chính xác địa chỉ quê quán, chỉ nhớ láng máng người thân lúc đó ở tỉnh Hà Nam Ninh nay là tỉnh Hà Nam. Nhưng với sự nỗ lực và tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, các CBCS Công an xã Thanh Sơn dù phải “mò kim đáy bể”, tìm mọi biện pháp để xác minh, tìm bằng được địa chỉ quê quán và tìm thân tộc, họ hàng cho bà Hạnh.

Đặc biệt, Công an xã Thanh Sơn đã khẩn trương tiến hành khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi đối chiếu và so sánh tên tuổi những người mà bà Hạnh cung cấp, Công an xã Thanh Sơn thật sự vui mừng, xúc động khi tìm được những cái tên phù hợp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có tên cụ Lê Thị Kiện, SN 1921, cụ Lê Thị Hơn, SN 1929. Cụ Kiện và cụ Hơn là các chị em gái của mẹ bà Hạnh. Hiện nay, cả hai cụ Lê Thị Kiện và cụ Lê Thị Hơn vẫn còn sống và đang cư trú tại thôn Thanh Nộn 2, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình cụ Lê Thị Kiện và cụ Lê Thị Hơn cùng bà con họ hàng hôm đó đông vui hơn mọi ngày. Niềm vui vỡ oà khi tâm nguyện của người đã khuất đã được thực hiện. Vậy là bà Hạnh đã tìm lại được người thân sau 35 năm tưởng rằng vĩnh viễn thất lạc, không bao giờ gặp lại. Chứng kiến những giọt nước mắt xúc động, vui sướng của bà Hạnh và người thân trong cuộc hội ngộ kỳ diệu cũng như niềm vui của những CBCS Công an tỉnh Hà Nam nói chung, Công an xã Thanh Sơn nói riêng, thêm một lần nữa cho thấy những ý nghĩa từ việc số hóa hồ sơ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Công an và sự kỳ diệu mà Đề án 06 mang lại.

Tìm được người thân sau 19 năm lưu lạc ở Trung Quốc

Năm 2003, hai mẹ con chị Lê Thị Thuỷ bị kẻ lạ lừa đưa sang Trung Quốc. Sau 19 năm, chị Thuỷ mới có cơ hội được trở về quê hương trong vòng tay người thân.

Ngày 8/11, gia đình ông Lê Xuân Hoà (56 tuổi), trú phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới, Quảng Bình cùng người thân vui mừng tổ chức ngày gặp lại em gái là chị Lê Thị Thuỷ (55 tuổi) sau 19 năm chị Thuỷ lưu lạc ở xứ người.

Được biết, vào một buổi chiều năm 2003, chị Thuỷ và con trai (học lớp 3) rời khỏi địa phương mất tích trong sự lo lắng, tìm kiếm vô vọng của gia đình. Bởi trước khi đi, con trai của chị Thuỷ còn dùng phấn viết trên tường nhà hàng xóm nhờ buộc lại mấy con bò cho cháu, để cháu và mẹ đi chơi.

Bà Lê Thị Hồng, chị gái của chị Thuỷ nghẹn ngào cho biết: Khi mẹ con chị Thuỷ mất tích, mẹ của chị Thuỷ cũng như anh chị em trong gia đình đi tìm và ngóng trông. Đến năm 2014, trước khi mất mẹ chị Thuỷ còn trăn trối các con phải đi tìm mẹ con chị Thuỷ về nhưng gia đình không biết mẹ con chị Thuỷ nơi đâu.

Mới đây, lực lượng chức năng ở Trung Quốc kiểm tra giấy tờ phát hiện chị Thuỷ không có điều kiện lưu trú nên trao trả về Việt Nam. Khi được đưa về Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn (Cao Bằng) chị Thuỷ còn nhớ tên cha mẹ và các anh chị em trong gia đình nhưng chị lại không nhớ rõ tên quê hương của mình, chị khai báo là quê ở xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An nên được hỗ trợ kinh phí và đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An.

Từ khai báo của chị Thuỷ, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An đã đăng tải hình ảnh, nội dung về chị Thuỷ lên mạng xã hội để tìm thân nhân. Và may mắn thay, sau hai ngày đăng tải thì một người làng của chị Thuỷ ở phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới nhận ra chị Thuỷ nên báo với người thân của chị.

Ông Lê Xuân Hoà, anh trai chị Thuỷ mừng rỡ cho biết, khi nhận được tin báo, linh tính mách bảo đó là chị Thuỷ em gái mình và gia đình xác minh lại thì đúng là chị Thuỷ, cả nhà vỡ oà trong niềm vui và tổ chức thuê xe ra Nghệ An đón chị Thuỷ về quê.

Gặp lại người thân, chị Thuỷ khóc rất nhiều vì xúc động, bước đầu chị cho biết, mẹ con chị bị một người lạ đưa sang Trung Quốc rồi trải qua gần 20 năm tha hương trong hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi