Dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, tập thể y, bác sĩ thuộc Bệnh viện Công an TP Cần Thơ "căng mình" đảm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Họ vừa phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch của đơn vị, tiêm vaccine cho CBCS Công an thành phố vừa phối hợp, đảm bảo vận hành 3 cơ sở cách ly, điều trị.
Cụ thể, Bệnh viện Công an TP Cần Thơ được giao nhiệm vụ chủ công, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo lực lượng tại khu cách ly y tế tập trung tại Trường Đại học CSND trên địa bàn quận Bình Thủy, với quy mô trên 400 giường dành cho CBCS Công an thành phố, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ và cán bộ công chức, viên chức TP Cần Thơ. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị khi hoạt động khu cách ly và điều trị COVID-19 cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân trong các cơ sở giam giữ do Công an thành phố quản lý và Bệnh viện dã chiến số 6…
Cán bộ, chiến sĩ Công an các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ thực hiện test sàng lọc cộng đồng, truy vết, bóc tách F0…
Theo Trung tá, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Công an TP Cần Thơ, với nhiệm vụ được phân công tại 3 cơ sở cách ly, điều trị, phải đảm bảo bộ khung từ 10 - 15 CBCS tại mỗi cơ sở, sẵn sàng lên đường khi có lệnh điều động. Mới đây, đơn vị đã thành lập 4 tổ tiêm và 4 tổ sàng lọc và 7 tổ lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện "Chiến dịch xanh" trên địa bàn quận Ô Môn.
Từ nhiều tháng qua, 40 CBCS của đơn vị trực chiến 100% quân số, với tinh thần chủ động, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Tại Trại tạm giam của Công an TP Cần Thơ, CBCS làm việc theo 3 vòng nghiêm ngặt. Cán bộ y tế thực hiện kiểm tra chặt chẽ những trường hợp liên hệ công tác, không để nguồn lây từ bên ngoài vào trại.
Đại úy Lê Diễm Thúy, bác sĩ Trại tạm giam Công an TP Cần Thơ cho biết: "Trong công tác phòng, chống dịch của đơn vị không có sự phân biệt giữa phạm nhân và CBCS. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ khách quan giữa bác sĩ và bệnh nhân để chăm sóc, điều trị. Từ đó, những người bị giam giữ nơi đây luôn tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang, giữ vệ sinh buồng giam… góp phần đảm bảo an toàn phòng, chống dịch của đơn vị". 14 năm công tác, đây là lần đầu tiên Đại úy Thúy xa nhà lâu như vậy. Khi dịch bùng phát trên địa bàn Cần Thơ, thay vào những bữa cơm tối bên cạnh gia đình là những cuộc điện thoại từ đơn vị gọi về nhà để được nghe, được thấy các con.
Cùng tham gia trực chiến tại đơn vị, Thiếu tá Phạm Lê Trà Lý, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Công an TP Cần Thơ cho biết, cả 2 vợ chồng đều công tác trong ngành. Khi dịch bùng phát, vợ chồng Thiếu tá Lý phải trực chiến, 2 đứa con phải gửi cho ông bà chăm sóc. "Hết ca trực lại gọi điện về hỏi thăm các con. Mấy nay cũng hơi lo, khi các con phải bắt đầu học trực tuyến nhưng ông bà thì không rành về máy tính, điện thoại… Đứa lớp 10 tự mày mò rồi được thầy cô hướng dẫn nên chủ động được việc học, đồng thời thay ba mẹ chỉ dạy cho em lớp 2", Thiếu tá Lý chia sẻ khi nhìn hình ảnh 2 đứa con ngồi học chăm chỉ mà lấy đó làm động lực, an tâm công tác.
Tại Bạc Liêu, Bệnh xá Công an tỉnh cũng đã chủ động lập phương án bố trí cán bộ y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch với các tổ chuyên trách như: tổ trực Ban Giám đốc, tổ truy vết, tổ địa bàn, tổ quản lý các khu cách ly tập trung… Thiếu tá Phạm Hồng Thái, Bệnh xá trưởng Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Đơn vị luôn đặt mục tiêu đảm bảo sức khỏe của CBCS và người dân lên hàng đầu. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phân công CBCS trong đơn vị duy trì công tác thường trực y tế 24/24h để tiếp nhận, xử lý các thông tin, tình hình liên quan đến dịch bệnh. Mặc dù lực lượng cán bộ y tế còn mỏng nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, từng cán bộ y, bác sĩ tại Bệnh xá luôn giữ vững tinh thần chiến đấu cùng CBCS Công an toàn tỉnh đẩy lùi đại dịch".
Từ ngày 11/9 đến nay, đoàn y, bác sĩ Bệnh xá Công an tỉnh An Giang hỗ trợ thực hiện xét nghiệm sàng lọc cộng đồng cho toàn dân trên địa bàn TP Châu Đốc. Thượng úy, y sĩ Võ Thị Yến, cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh chia sẻ: "Đây là lần thứ 5, tôi được cùng đoàn công tác tham gia hỗ trợ lấy mẫu test nhanh kháng nguyên trong cộng đồng cho các huyện, thị, thành phố. Trong bộ đồ bảo hộ rất nóng nhưng nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến dịch nên tôi cùng đồng đội nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chung sức cùng địa phương bóc tách F0 nhanh nhất".
Ghi nhận tại điểm lấy mẫu cộng đồng trên địa bàn phường Vĩnh Mỹ (TP Châu Đốc) với trên 16.400 người dân, tất cả các bước được thực hiện với phương châm "Chủ động, thận trọng, khẩn trương". Đoàn công tác có mặt từ rất sớm, phân công CBCS rải đều tại các tổ công tác, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn để người dân tuân thủ đúng các quy định phòng, chống dịch, tiến hành lấy mẫu một cách khoa học, chính xác, đẩy nhanh tiến độ sàng lọc.
Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Công an tỉnh An Giang đã thành lập lực lượng truy vết dịch COVID-19, theo 4 cấp từ tỉnh đến khóm ấp, với tổng quân số 14.738 đồng chí, do lực lượng Công an làm nòng cốt phối hợp các lực lượng y tế, quân sự, dân quân, các ban, ngành, đoàn thể… Trong đó, cấp tỉnh, thành lập Tiểu đoàn dự bị chiến đấu thuộc Công an tỉnh với 353 đồng chí; cấp huyện 11 Đại đội với 759 đồng chí; cấp xã 156 Trung đội với 4.836 đồng chí và các khóm, ấp 879 Tiểu đội với 8.790 đồng chí. Đây là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu, nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt truy bằng được các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. Đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương lên phương án cách ly, giãn cách phù hợp thực tế với từng vùng dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và dập dịch nhanh chóng.
Tham gia lực lượng truy vết là những CBCS từ Công an các đơn vị, địa phương, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ dù ở bất cứ thời gian, địa điểm nào. Người dân gọi CBCS thực hiện nhiệm vụ truy vết, sàng lọc cộng đồng là những người lính 2 màu áo, gác niềm riêng đi "săn COVID-19"…
Nguồn: Báo CAND