Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phát huy trí tuệ tập thể xây dựng Đề án hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong CAND

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Ban Chỉ đạo Đề án, Đảng ủy, lãnh đạo các đơn vị tập trung thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng các chuyên đề bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Sáng 18/10, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" trong CAND.

Tham dự phiên họp có Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số Cục trực thuộc Bộ, thành viên BCĐ...

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận phiên họp.

Ngày 29/7/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo "nghiên cứu trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp".

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngày 21/5/2021, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định số 12 về việc thành lập BCĐ xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" (gọi tắt là BCĐ xây dựng Đề án Trung ương) do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban. Ngày 20/7/2021, BCĐ xây dựng Đề án Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 02 xây dựng Đề án, phân công các cơ quan, tổ chức ở Trung ương (trong đó có Đảng ủy Công an Trung ương) giúp BCĐ xây dựng các chuyên đề chuyên sâu (gồm 27 chuyên đề).

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp.

Theo kế hoạch, Đảng ủy Công an Trung ương được phân công chủ trì hai chuyên đề: Cải cách tư pháp trong cơ quan điều tra đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và Đổi mới công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bên cạnh đó, Đảng ủy Công an Trung ương cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, một số cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng các chuyên đề theo kế hoạch của BCĐ Trung ương...

Ngày 31/8/2021, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Quyết định số 174 thành lập BCĐ và Kế hoạch số 62 triển khai thực hiện Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" trong CAND do Bộ trưởng Tô Lâm làm Trưởng BCĐ.

Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ xác định, việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 02 của BCĐ xây dựng Đề án Trung ương là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm cơ sở chính trị, khoa học và làm tiền đề cho việc xây dựng "Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", trong đó có nội dung về cải cách tư pháp. Các nội dung về cải cách tư pháp được xây dựng trong Nghị quyết sẽ là những quan điểm chỉ đạo lớn của Đảng đối với công tác tư pháp và có ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an trong điều tra hình sự, thi hành án hình sự.

Tại phiên họp, các đại biểu đã phát biểu thảo luận, góp ý vào việc xây dựng Đề án cũng như các chuyên đề, nội dung phần việc được phân công.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" trong CAND, từ đó yêu cầu BCĐ, Đảng ủy, lãnh đạo các Cục tập trung thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng các chuyên đề bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Trước khối lượng công việc phải tiến hành rất lớn, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan một mặt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, mặt khác phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ, khẩn trương của các bộ, ngành liên quan để nghiêm túc thực hiện đề án theo yêu cầu của BCĐ xây dựng Đề án Trung ương...

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi