Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

PV: Thưa đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, được biết Luật TTATGT đường bộ được hình thành trên cơ sở tách ra từ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành. Vậy cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn cần thiết phải ban hành Luật mới này như thế nào?

Đại tá Bùi Xuân Khởi: Thứ nhất, về cơ sở chính trị, pháp lý, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm TTATGT đường bộ để xem xét bổ sung vào Chương trình năm 2022 – 2023. Trong Văn kiện Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng cũng xác định: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội… Như vậy, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, để giải quyết những vấn đề thực tiễn về TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Đại tá Bùi Xuân Khởi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu. 

Thứ hai là về cơ sở thực tiễn, tình hình TTATGT đường bộ trong những năm gần đây tuy có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, TNGT đường bộ chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông. Trong đó, nguyên nhân gây TNGT do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Tình trạng vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Một số hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông chiếm tỷ lệ cao; số vụ chống lại lực lượng chức năng có chiều hướng gia tăng; các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông; tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ… được quy định cụ thể trong dự án Luật TTATGT đường bộ lần này. 

Như vậy, ban hành Luật TTATGT đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. Luật Đường bộ được ban hành với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng. Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

PV: Vậy việc ban hành Luật TTATGT đường bộ khắc phục những bất cập, tồn tại gì so với Luật GTĐB hiện hành thưa đồng chí Phó Giám đốc?

Đại tá Bùi Xuân Khởi: Việc ban hành Luật TTATGT đường bộ đã khắc phục được rất nhiều hạn chế, bất cập so với Luật GTĐB năm 2008. Thứ nhất, bổ sung những thiếu hụt về chính sách ATGT. Luật GTĐB năm 2008 được ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật GTĐB năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy. Không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm TTATGT liên quan như: giải quyết TNGT; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết ùn tắc giao thông; giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông... Phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi Luật GTĐB năm 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam. Quy định về nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng tình hình mới.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Luật TTATGT đường bộ với mục tiêu xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. 

Thứ hai là bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo quy định của Luật GTĐB năm 2008, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% - 20%. Tuy nhiên, hiện nay còn thấp hơn so với quy định, như tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực. Có thể thấy Luật GTĐB năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như: cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.

Thứ ba là bổ sung những thiếu hụt về chính sách vận tải đường bộ. Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn (chiếm khoảng hơn 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải), không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn có các đơn vị vận tải nhỏ lẻ; hiệu quả kinh doanh chưa cao; công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải. Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; quy định về điều kiện kinh doanh trong đó có các thiết bị quan trọng như giám sát hành trình, camera hành trình chưa rõ ràng dẫn đến hiệu quả quản lý hạn chế. Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật GTĐB năm 2008 quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ -0
Vận tải đường bộ hiện chiếm khoảng 70% vận tải hành khách, hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải.  

Thứ tư là khắc phục những hạn chế, bất cập về kết cấu và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước. Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau là: an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ. Thực tiễn cho thấy 3 lĩnh vực này rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh cũng khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực TTATXH; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và tuân theo quy luật thị trường. Luật GTĐB năm 2008 cũng không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về ANTT và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.

PV: Đồng chí có thể cho biết kết cấu cũng như những nội dung cụ thể của dự thảo Luật TTATGT đường bộ?

Đại tá Bùi Xuân Khởi: Dự thảo Luật TTATGT đường bộ gồm 08 chương, 61 điều. Chương I - Những quy định chung: gồm 08 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của nhà nước về bảo đảm TTATGT đường bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; cơ sở dữ liệu về TTATGT đờng bộ; các hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II - Quy tắc giao thông đường bộ: gồm 24 điều, quy định về quy tắc chung; chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe; sử dụng đèn; sử dụng tín hiệu còi; nhường đường tại nơi đường giao nhau; qua phà, qua cầu phao; giao thông tại đường ngang, cầu chung đường sắt; giao thông trên đường cao tốc; giao thông trong hầm đường bộ; quyền ưu tiên và tín hiệu ưu tiên của một số loại xe; trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng; xe kéo xe và xe kéo rơ moóc; người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác; người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ; người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy tham gia giao thông.

Chương III - Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: gồm 11 điều, quy định về điều kiện xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe thô sơ tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp và thu hồi giấy phép lái xe.

Chương IV - Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm TTATGT đường bộ: gồm 07 điều, quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông; bảo đảm an toàn giao thông khi có sự cố, tình huống đột xuất; bảo đảm TTATGT tổ chức sự kiện trên đường bộ; bảo đảm an toàn giao thông xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, các loại chất nổ, vật phẩm dễ nổ, chất phóng xạ tham gia giao thông đường bộ; kiến nghị về an toàn giao thông đối với công trình đường bộ; phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông; trung tâm chỉ huy giao thông.

Chương V - Giải quyết TNGT đường bộ: gồm 03 điều, quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ TNGT; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn, cứu hộ TNGT; điều tra, giải quyết, thống kê TNGT.

Chương VI - Tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTAGT đường bộ: gồm 04 điều, quy định về nội dung, hình thức và lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát; dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát; phát hiện vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến TNGT.

Chương VII - Quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ: gồm 02 điều, quy định về nội dung quản lý nhà nước về TTATGT; trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT đờng bộ của Chính phủ; của Bộ Công an; của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp.

Chương VIII - Điều khoản thi hành: gồm 02 điều, quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh về cuộc trao đổi này.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi