Trọng dân, gần dân, lúc dân cần, lúc dân khó, có công an
(Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an)
Tiềm lực khoa học - công nghệ công an không ngừng được củng cố và phát triển
Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, lực lượng Công an nhân dân đã không ngừng hiện đại hóa các mặt công tác. Tư duy, phương pháp làm việc thường xuyên được đổi mới để theo kịp với tiến trình toàn cầu hóa, bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, trang thiết bị cũng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung cho các lực lượng mũi nhọn, trực tiếp chiến đấu theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Công tác khoa học - công nghệ Công an đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã bổ sung, cung cấp nền tảng căn cứ, luận cứ vững chắc cho công tác tham mưu chiến lược về an ninh quốc gia, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận Công an nhân dân trên các lĩnh vực an ninh, cảnh sát, hậu cần, kỹ thuật…, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn công tác, chiến đấu. Tiềm lực khoa học - công nghệ công an không ngừng được củng cố và phát triển. Tập trung các nguồn lực để phát triển công nghiệp an ninh, xác định công nghiệp an ninh là giá trị nền tảng cho tiến trình hiện đại hóa lực lượng Công an nhân dân. Xây dựng và vận hành hiệu quả khu công nghiệp an ninh với các hạng mục được thiết kế đồng bộ, kết nối liên hoàn nhằm bảo đảm điều kiện cơ bản cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất hoạt động lâu dài; đáp ứng được về trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ cho công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
Nghiên cứu khoa học trong lực lượng Công an nhân dân để cung cấp nền tảng căn cứ, luận cứ cho công tác tham mưu. Ảnh: Tạ Công Dân.
Hiện đại về tư duy và hệ thống trang thiết bị
Tính hiện đại của lực lượng Công an nhân dân thể hiện qua hai phương diện:
- Một là, tư duy, phương pháp, kiến thức của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ.
- Hai là, hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác.
Về tư duy, kiến thức, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có năng lực tư duy sắc sảo, tác phong làm việc khoa học, nhanh nhạy, nắm bắt và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Có tri thức làm chủ biện pháp công tác nghiệp vụ về khoa học - công nghệ tiên tiến trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở đó, có tư duy mới về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia. Trong đó, đặt an ninh con người làm trung tâm trong bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và xây dựng, phát triển đất nước. Xác định phạm vi an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới hành chính quốc gia; phải bảo vệ an ninh quốc gia từ xa, từ sớm, tạo “vành đai an ninh” từ bên ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia mà chúng ta thường xuyên đề cập đến là công tác an ninh đối ngoại. Tạo cơ chế mở để phát huy cao nhất các nguồn lực xã hội nhằm xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh vững mạnh.
Đại hội XIII đã định hướng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. So với Đại hội XII, Đảng ta xác định chuyển từ trạng thái “từng bước hiện đại” sang “một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Đồng thời xác định mục tiêu phấn đấu: “Đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đây là tư duy rất mới trong việc định hướng xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân nói chung và xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh nói riêng phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tiềm lực của đất nước hiện nay.
Để xây dựng Công an, Quân đội hiện đại, Đại hội XIII xác định: “Tăng cường, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, chú trọng xây dựng cơ sở vật chất có tính “lưỡng dụng” (kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh). Trong đó nhấn mạnh yếu tố “HIỆN ĐẠI”, xác định rõ công nghiệp an ninh hiện đại. Có thể khẳng định, tư duy của Đảng về xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh được xác định với mức độ cao hơn, thể hiện tầm nhìn để phù hợp với yêu cầu thực tiễn bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về hệ thống trang thiết bị, lực lượng Công an nhân dân phải được trang bị những phương tiện, thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài… tiên tiến, hiện đại được pháp luật cho phép để luôn sẵn sàng phòng ngừa, tấn công ở thế chủ động trong cuộc chiến không khoan nhượng với các loại tội phạm. Tuy nhiên, trong một tổ chức, tính hiện đại không đồng nghĩa với việc tất cả các bộ phận hiện đại trong cùng một thời điểm. Hiện nay, khoa học - công nghệ có những bước tiến mang tính “nhảy vọt”, “vòng đời” của sản phẩm khoa học - kỹ thuật và công nghệ được rút ngắn hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây. Trong bối cảnh nguồn lực còn eo hẹp, phải có những khâu, những lực lượng, đơn vị được đầu tư trọng điểm để tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn bộ hệ thống. Theo các chuyên gia trong lực lượng Công an nhân dân phân tích, xây dựng lực lượng Công an nhân dân hiện đại, trước tiên phải tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an các cấp có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực toàn diện; có năng lực dự báo và định hướng sự phát triển tình hình liên quan đến an ninh, trật tự; khả năng nghiên cứu, xây dựng, hoạch định những vấn đề có tính cơ bản, chiến lược về các mặt công tác nhằm đáp ứng đòi hỏi rất cao, cấp thiết của thực tiễn; đủ năng lực, trình độ, tri thức, đặc biệt là những kiến thức về khoa học - kỹ thuật - công nghệ để làm chủ và quản lý, sử dụng thành thạo, có hiệu quả những trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác và chiến đấu; khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ để làm việc trong môi trường quốc tế. Ở khía cạnh này, ngay tại Công an Thủ đô, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội khi trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô đã nhấn mạnh: “Phấn đấu đến năm 2030 có từ 20-30% cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an Hà Nội đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp; hiểu biết pháp luật, thông lệ quốc tế… ở các lĩnh vực công tác có liên quan đến người nước ngoài, công nghệ cao”.
Lực lượng Công an nhân dân ngoài việc sử dụng thành thạo, hiệu quả những trang thiết bị hiện đại, còn có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ để làm việc trong môi trường quốc tế. Ảnh: Đinh Tuấn Anh.
Về đầu tư trang thiết bị, các lực lượng, binh chủng chiến đấu mũi nhọn cần có kế hoạch bài bản, đầu tư có trọng tâm và dứt điểm để được trang bị những loại phương tiện, kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ tiên tiến nhất. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 17-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Bảo đảm tiềm lực cơ sở vật chất, trang bị hiện đại, đồng bộ. Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tăng cường phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho lực lượng Công an nhân dân. Nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, làm chủ khoa học - công nghệ, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện, vũ khí được trang bị; được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, chiến đấu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia giỏi”.
Từ tư duy đến hành động, từ trang thiết bị đến thực tiễn công tác, mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân hiện đại đặt ra yêu cầu nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu tiến bộ của thế giới trên tất cả các bình diện: khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn để phục vụ công tác, chiến đấu, đáp ứng sự phát triển của thời đại, hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Điều này đòi hỏi phải có chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, tăng cường đầu tư phương tiện để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia trong lực lượng Công an nhân dân nâng cao trình độ, có điều kiện làm việc hiệu quả, cống hiến cao nhất vào công tác, chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tập trung xây dựng đội ngũ đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên gia giỏi.
Dấu ấn lực lượng Công an nhân dân trong “trái tim” của Chính phủ số
Kết quả là các mặt công tác công an không ngừng được hiện đại hóa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân nói riêng và của quốc gia nói chung. Hiện đại để phục vụ công tác chiến đấu của ngành đã rõ, tính hiện đại của lực lượng Công an nhân dân còn được cụ thể hóa trong công tác chuyển đổi số để hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số. Tại Hội nghị tổng kết Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngày 22-6-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “…Dấu mốc quan trọng là Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Hai dự án này không chỉ có ý nghĩa đối với lực lượng Công an nhân dân, mà còn mang tầm quốc gia. Đây là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực”.
Công an Hà Nội diễn tập phương án chống khủng bố Ảnh: Đinh Tuấn Anh.
Có thể khẳng định ngay, trong vài năm vừa qua, lực lượng Công an nhân dân đã nỗ lực không ngừng thực hiện hai dự án mang ý nghĩa lịch sử của đất nước, chiến lược của quốc gia: Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Hiện tại, với vai trò là lực lượng nòng cốt, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đang ngày đêm thực hiện các phần việc để bảo đảm tiến độ của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thực tế, đây là hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, phạm vi triển khai rộng từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc... Trong đó, Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giữ vị trí, vai trò quan trọng nhất, được coi là dữ liệu gốc, nền tảng, “trái tim” của Chính phủ số, giúp kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý thông tin dân cư mang tính đơn lẻ giữa các ngành hiện nay. Chính vì thế, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải là dữ liệu “sống”, được thu thập, cập nhật thường xuyên, phải phục vụ thiết thực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ tra cứu, xác minh các thân nhân, di biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng liên quan đến tội phạm, góp phần hiệu quả vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chíp điện tử cũng được tiến hành song song. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin, bảo đảm thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào cơ sở dữ liệu - yêu cầu ngắn gọn như vậy nhưng đã “rung chuyển” toàn lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã với khối lượng công việc “khổng lồ”, phạm vi toàn quốc từ đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa đến biên giới, hải đảo, chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, nguồn lực. Chưa hết, đại dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước, nhiều thời điểm phải “phong tỏa”, “cách ly”, “giãn cách”; nhiều nơi bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ… gây hỏng các trang thiết bị, cơ sở vật chất, đường truyền, đã đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn đối với lực lượng Công an nhân dân trước sức ép về tiến độ phải hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Công an Hà Nội linh hoạt, sáng tạo trong việc dùng xe buýt đi cấp căn cước lưu động cho người dân trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Đinh Tuấn Anh.
Trong muôn vàn gian nan, phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sĩ Công an nhân dân được phát huy; sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại được áp dụng; tư duy, bản lĩnh, năng động, đổi mới, sáng tạo trong cách làm khi thực hiện các hạng mục công việc của hai dự án gắn với thế thế trận toàn dân bảo đảm an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc. Đơn cử có thể kể đến điều kiện làm việc giữa đại dịch Covid-19 hoành hành, tại Hà Nội, một số quận triển khai mô hình cấp Căn cước công dân lưu động bằng cách chuyển đổi những xe buýt chở khách thành xe “đặc chủng” rất linh hoạt và cơ động đến các điểm phục vụ người dân làm thủ tục Cấp căn cước công dân… Bước qua khó khăn, lực lượng Công an đã cập nhật vào hệ thống hàng trăm triệu thông tin dân cư và “làm sạch” gần như tuyệt đối, từng bước kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Tất cả vì chiến lược lâu dài của công tác quản lý Nhà nước nói chung, đến công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự nói riêng, chuyển đổi phương thức quản lý từ “thủ công” sang “hiện đại”, đồng thời hướng tới đảm bảo cao nhất an ninh, an toàn thông tin và lợi ích của quốc gia, người dân, doanh nghiệp...
Cuối cùng, xin nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Điều đó không phải tự nhiên, ngẫu nhiên mà có, đó là do sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có công lao, đóng góp rất to lớn của lực lượng Công an nhân dân”.
Áp dụng khoa học - công nghệ vào quản lý giao thông tại Trung tâm thông tin chỉ huy, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội. Ảnh: Đinh Thành Đức.
Luyện chất thép thật tốt để “bảo kiếm” không cùn, “lá chắn” không hoen rỉ
“Lực lượng Công an nhân dân luôn ghi nhớ 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề danh dự và 10 điều kỷ luật thì phải thường xuyên học tập, rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi, đó chính là cách để “lá chắn” luôn vững vàng. Chỉ cần một điều trong số đó bị lơ là, suy giảm thì sẽ để lộ ra kẽ hở cho kẻ địch tấn công vào Đảng. Từ đường lối, chủ trương khi đã nắm rõ sẽ biến thành hành động, và hành động theo những chuẩn mực Bác dạy thì không kẻ địch nào tấn công được...” - Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Công an nhân dân phải biết đặt chữ tâm, chữ đức lên hàng đầu
- Phóng viên: Thưa Giáo sư, để “xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” chúng ta cần bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?
- Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Hãy nhớ rằng, trong nội dung được nhấn mạnh và có tầm quan trọng đặc biệt tại Nghị quyết số 12-NQ/TW đã đặt vấn đề đầu tiên là “thật sự trong sạch, vững mạnh”. Khi lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch thì mới có thể vững mạnh. Từ vững mạnh thì mới có thể chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Từ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì mới có thể đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vậy để “thực sự trong sạch” thì chúng ta cần chú trọng bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của công tác tư tưởng cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ. Đối với lực lượng Công an nhân dân, việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng càng quan trọng, bức thiết.
Sở dĩ nói như vậy là bởi, Đảng ta là đội ngũ tiên phong trong sự nghiệp cách mạng, là một Đảng vì nước, vì dân. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân là đội ngũ chuyên chính tin cậy, trung thành tuyệt đối của Đảng, của nhân dân. Vì vậy, mọi việc làm tốt hay xấu của cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an nhân dân đều ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng. Bác Hồ của chúng ta đã từng căn dặn: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến dân”. Đối với lực lượng Công an nhân dân, Bác đã chỉ dẫn hết sức thấu đáo, cụ thể, sâu sắc trong Sáu điều về tư cách người Công an cách mạng: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Đề cập đến đạo đức cách mạng, Bác Hồ đã nhấn mạnh 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm (Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”). Nhân là thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Nghĩa là ngay thẳng, không tà tâm, không làm việc xấu, không có gì phải giấu Đảng. Trí là không có việc làm mù quáng, khiến cho đầu óc không còn trong sạch, sáng suốt. Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc khó phải dám làm, thấy khuyết điểm phải dám sửa chữa. Liêm là không tham địa vị, không tham sung sướng, không tư túi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Người nhấn mạnh về sự cần thiết của đạo đức cách mạng: “Cũng như sông thì có ngòi mới có nước, không có ngòi thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Do đó, chúng ta phải luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an nhân dân. Coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để đội ngũ ngày một trưởng thành, là nhân tố quyết định trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân.
Giáo dục đạo đức cách mạng còn phải biết đặt chữ tâm, chữ đức lên hàng đầu, đặc biệt với ngành Công an thì vấn đề này lại càng phải chú trọng. Lý do là công an thường xuyên làm việc với nhân dân, cọ xát với dân, cho nên tất cả những cư xử, hành vi của Công an từ lời ăn, tiếng nói cũng tác động trực tiếp đến nhân dân. Những gì Công an nói, Công an làm rất dễ bị phán xét, phê bình, đánh giá… Trong khi đó, những gì xấu nhất của xã hội thì Công an cũng phải lao vào làm, những nhiệm vụ nguy hiểm nhất của xã hội thì Công an cũng phải đảm trách, tất cả đều phải làm trực tiếp chứ không đùn đẩy cho ai được. Cho nên, trong những tình huống đó thực sự cần cái tâm, cái đức phải tốt. Bởi nếu không thì chính môi trường đầy rẫy cái xấu, cái đen tối đó sẽ làm tha hóa người chiến sĩ Công an nhân dân. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, càng ngày việc tự rèn luyện tâm, đức của lực lượng Công an nhân dân càng hệ trọng và trở nên quyết liệt. Công an khi tiếp xúc, giải quyết sự việc của nhân dân chính là đại diện, thay mặt cho chế độ, cho chính sách, cho pháp luật. Do đó, nếu có khiếm khuyết hay làm sai, dù là vô tình, cũng sẽ gây mất niềm tin của nhân dân vào Công an, từ đó làm xói mòn lòng tin với Đảng.
Công an Hà Nội diễn tập phương án chống khủng bố Ảnh: Đinh Tuấn Anh.
Xây dựng một thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên”
- Bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng trong lực lượng Công an nhân dân nếu đi vào cụ thể thì chúng sẽ cần chú trọng vào những nhiệm vụ, công tác nào, thưa Giáo sư?
- Để bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng thì phải bắt đầu triển khai từ công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân. Tại sao lại nói như vậy? Công tác xây dựng Đảng trong lực lượng Công an nhân dân là việc vô cùng quan trọng vì đây là lực lượng có sự gắn kết rất chặt chẽ với chế độ. Nếu lực lượng Công an nhân dân vững vàng về tư tưởng, chính trị thì chế độ của chúng ta sẽ được bình yên; ngược lại, nếu tư tưởng chính trị không tốt thì chế độ sẽ lung lay. Do đó, chúng ta ví Công an nhân dân như “thanh bảo kiếm”, như “lá chắn” của toàn Đảng, toàn dân là vì vậy. Xây dựng, rèn giũa tư tưởng chính trị chính là luyện chất thép thật tốt để bảo kiếm không bị cùn, lá chắn không bị hoen rỉ. Vậy thì nòng cốt và quan trọng bậc nhất hiện nay là phải xây dựng để tất cả các chiến sĩ Công an phải là đảng viên, tuyệt đối gương mẫu, tuyệt đối trung thành, tuyệt đối thực hiện sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã giao cho là tấn công cái xấu và che chắn, bảo vệ cái tốt. Xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị còn là trau dồi, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, các Quyết định, Nghị quyết của Bộ Công an, của Đảng ủy Công an Trung ương. Tuy nhiên, ở cấp lãnh đạo cũng phải có đường lối, chính sách hợp lý.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (bên phải) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô.
Giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng tư tưởng chính trị còn là sự vận dụng cả Sáu điều Bác Hồ dạy. Trải qua mỗi quá trình, mỗi giai đoạn, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân lại được hiểu cặn kẽ hơn, sát hợp với thực tế hơn. Bác dạy như vậy, nhưng Sáu điều ấy tùy từng giai đoạn lại có sự vận dụng khác nhau. Thời kháng chiến chống Pháp ta vận dụng khác, đến kháng chiến chống Mỹ lại khác, trong thời bình lại khác, đến bây giờ chúng ta hội nhập quốc tế lại khác nữa. Trước đây, có lúc ta coi chỗ này là đối tượng, nhưng khi hoàn cảnh, điều kiện khách quan có sự thay đổi thì ta cần coi họ là đối tác. Do vậy, tư duy thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, cách thức hành xử cũng thay đổi, ta cần vận dụng theo từng hoàn cảnh bởi mọi thứ bây giờ rất khác, không thể rập khuôn như trước. Đó chính là hiện đại, là cách mạng trong tư duy. Đảng ta vẫn nói, trong điều kiện hiện nay, đối sách của Công an là kẻ nào làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc thì đó là đối tượng phải đấu tranh. Những những ai làm có lợi cho dân, cho nước thì đó là đối tác. Công an phải nhận biết chuẩn xác để có cách hành xử chuẩn xác. Ví dụ, khi nước ngoài dùng chiêu bài diễn biến hòa bình để chống phá ta thì họ là đối tượng và ngành Công an phải đấu tranh. Nhưng khi họ phối hợp làm ăn kinh tế, mang lại lợi ích cho đất nước thì ta vẫn coi họ là đối tác. Lực lượng Công an nhân dân phải sáng suốt nhận định, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Vấn đề này thể hiện ở trong kinh tế, văn hóa, xã hội và tất cả các mặt của đời sống chứ không chỉ riêng an ninh, quốc phòng. Như vậy, trong hoàn cảnh cụ thể, điều kiện cụ thể mỗi giai đoạn lại đặt ra những đòi hỏi khác nhau, cái gì kiên quyết vẫn phải kiên quyết, cái gì khôn khéo thì cần khôn khéo. Nhưng ngay cả trong tình huống phải kiên quyết thì cũng cần kiên quyết một cách khôn khéo để đỡ phải trả giá nhất, giành được những lợi ích tốt nhất. Trong hoàn cảnh hiện này, việc giáo dục đạo đức cách mạng cần phải chú trọng đáp ứng một số yêu cầu mới. Cụ thể là:
- Thứ nhất, cần gắn công tác giáo dục đạo đức với bồi dưỡng, giáo dục mục tiêu, lý tưởng và những nét đặc thù của con đường cách mạng nước ta. Con đường cách mạng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là chưa có tiền lệ. Trên con đường đó, chúng ta gặp không ít khó khăn, thách thức và lực cản. Có những khó khăn do chính bản thân chúng ta chưa lường hết. Hãy nhìn lại sự kiện ở Liên Xô và Đông Âu - nơi mà chủ nghĩa xã hội tưởng như rất vững chắc, nhưng lại tan rã một cách nhanh chóng. Từ đó ta rút ra bài học sâu sắc về tính phức tạp của thế giới hiện tại. Vấn đề đặt ra là, vận mệnh của chủ nghĩa xã hội sẽ phụ thuộc vào việc nhận thức rõ và khắc phục tốt những vướng mắc bên trong xã hội của xã hội chủ nghĩa. Đó chính là những vấn đề tư tưởng, đạo đức nảy sinh từ tính phức tạp của thực tiễn nước ta chưa lường hết nên có trường hợp từ sai lầm về nhận thức dẫn tới sai lầm về hành động và vi phạm đạo đức; từ sự thiếu hiểu biết mà làm sai, làm ẩu; sự thiếu nhạy cảm nên chậm chạp để mất thời cơ, không phòng, chống được nguy cơ; vi phạm nguyên tắc dẫn tới thoái hóa, biến chất. Thực tiễn quá trình cách mạng của chúng ta hiện nay cũng đang đối diện với những khó khăn. Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là những nhiệm vụ tất yếu mà chúng ta đang phải thực hiện. Mặc dù chúng ta luôn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng phát triển kinh tế thị trường càng mạnh mẽ thì tính tự phát của khuynh hướng tư bản chủ nghĩa cũng tăng lên. Quá trình mở cửa hội nhập đặt ra nhiều thách thức tác động đến tư tưởng và hành vi của con người. Tất cả điều đó cần được phân tích, lý giải thấu đáo trong khi bồi dưỡng, giáo dục về đạo đức cách mạng trong lực lượng Công an nhân dân.
Công an Hà Nội diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Ảnh: Đinh Tuấn Anh.
- Thứ hai, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cần hướng vào việc củng cố niềm tin. Kết quả cũng như thước đo chất lượng của việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng chính là củng cố được niềm tin, sao cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân tin vào sự nghiệp cách mạng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần xác định rõ đạo đức cách mạng yêu cầu và có tiêu chí cao hơn đạo đức con người nói chung. Đạo đức cách mạng cần có tính tự giác cao và tinh thần trách nhiệm cao hơn. Cơ sở để nâng cao đạo đức cách mạng chính là niềm tin sắt đá vào mục tiêu, lý tưởng và tất thắng của sự nghiệp cách mạng. Niềm tin trong mỗi con người là sự chắt lọc từ nhận thức và nằm trong chiều sâu nhận thức, được kết hợp với đạo đức cách mạng sẽ trở thành một sức mạnh hết sức to lớn, biến ý chí thành hành động, làm cho triệu người đồng lòng, chung sức, tạo thành lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội tiến lên. Đạo đức cách mạng và niềm tin của cán bộ, chiến sĩ, đảng viên chính là sự đoàn kết trong toàn Đảng và gắn kết đặc biệt giữa Đảng với nhân dân, tạo thành động lực to lớn giúp chúng ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
- Thứ ba, gắn kết việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dân tộc ta vô cùng tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là tấm gương cao cả về đạo đức cách mạng. Vì vậy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất dễ thấm đậm vào từng cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, vào từng người dân. Học tập đạo đức Hồ Chí Minh và làm theo tấm gương đạo đức của Người chính là để mỗi cán bộ, đảng viên có tư tưởng tiến bộ, có lối sống lành mạnh, có nghĩa, có tình, có trước, có sau, nhân hậu, thủy chung, đoàn kết, thương yêu con người, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, làm tăng những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và nâng tầm cao mới là đạo đức cách mạng.
- Thứ tư, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng cần kết hợp với việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, chống suy thoái về tư tưởng chính trị và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thời gian gần đây, khi Đảng và nhân dân ta chủ động đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng và xã hội, các thế lực thù địch đã tăng cường dùng mọi thủ đoạn để bóp méo, xuyên tạc, vu cáo và cản trở công việc của chúng ta. Vì thế, việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch không chỉ làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực lý luận, mà còn góp phần thiết thực vào việc giáo dục tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng đối với cán bộ, chiến sĩ.
- Thứ năm, việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng cần được tiến hành một cách thường xuyên, nghiêm túc. Cần tăng cường tuyên truyền, học tập những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng; xây dựng bồi đắp cái tốt, cái cao đẹp, biểu dương người tốt, việc tốt, lên án cái xấu, cái ác một cách xác thực. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ. Trong sinh hoạt Đảng, đoàn thể, đơn vị, đặc biệt là trong các trường Công an nhân dân, cần nêu cao và học tập những tấm gương đó.
- Thứ sáu, cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cách mạng cho chiến sĩ trẻ. Việc bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho chiến sĩ trẻ chính là góp phần thiết thực để xây dựng một thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên”, trở thành đội ngũ cốt cán cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tự đổi mới để ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
- Nhìn lại những thành tựu mà lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện trong thời gian qua, Giáo sư có cho rằng đó là những giá trị đạt được bắt nguồn từ công tác giáo dục đạo đức cách mạng để từ đó có được đội ngũ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại?
- Như tôi đã khẳng định, khi đã được giáo dục về đạo đức cách mạng thì nghĩa là lực lượng Công an nhân dân đã có được sự trong sạch đội ngũ để toàn lực lượng vững mạnh. Đó là cơ sở để đi tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Chính quy là từng người phải có tác phong đúng đắn, thực hiện công việc nào cũng phải đảm bảo tôn chỉ mục đích cuối cùng, có tư chất rèn luyện, tôn trọng và hiểu biết pháp luật. Tinh nhuệ là ai làm mảng gì thì phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ ở mảng đó. Tuy nhiên, ở đây cần lưu ý đến việc xây dựng về định hướng, đường lối trong từng công việc của từng bộ phận, từng bộ máy của ngành Công an. Tại sao lại như vậy? Bởi vì các công việc, các bộ phận của ngành Công an rất đa dạng. Do đó, phải có định hướng về mặt chính sách, tổ chức. Tiếp đó, trong từng việc cụ thể thì chính sách phải được nghiên cứu nhuần nhuyễn rồi đưa ra những chỉ đạo linh hoạt, sát hợp thì khi thực hiện mới đảm bảo chính xác. Chứ còn cứ ở trên nói thế nào, ở dưới cũng nói y như thế, không vận dụng sáng tạo trong từng điều kiện cụ thể thì lúc nghe thấy rất hay, nhưng khi triển khai thực hiện lại không cụ thể hóa là không ổn.
Còn hiện đại là gì? Trước đây, có những thời điểm chúng ta muốn hiện đại nhưng không thể hiện đại ngay được. Trong các Văn kiện đại hội Đảng chúng ta luôn quan tâm tới lực lượng Công an nhân dân, quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ Công an nhân dân từng bước hiện đại. Nhưng vừa rồi chúng ta đã định hướng cho lực lượng Công an nhân dân là hiện đại. Cần lưu ý, hiện đại ở đây không chỉ hiện đại ở mặt vũ khí, trang bị, mà còn là hiện đại về tư duy, hiện đại về ý thức tổ chức, hiện đại về đội ngũ cán bộ, hiện đại về trí tuệ, nắm bắt được xu thế của đất nước và thế giới cũng như khoa học công nghệ. Hiện đại trong Công an nhân dân được hiểu theo cách tổng quát như thế.
Thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã rất giỏi khi dám thay thế các hệ thống đang có để cải tiến thành một hệ thống mới, bỏ các Tổng cục để chuyển thành Cục, giảm tầng nấc trung gian để công việc, nhiệm vụ hiệu quả hơn. Có thể nói đó là sự thể hiện của tính chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhưng cũng là cuộc cách mạng rất lớn trong chính nội bộ của lực lượng Công an nhân dân. Công an đã tự thay đổi chính mình để hiện đại hơn, hiện đại từ trong tư duy, trong tổ chức, cho đến trình độ chỉ huy, cách thức chỉ huy. Chúng ta vẫn sử dụng lực lượng cũ, con người cũ, nhưng chỉ cần tổ chức lại là đã hiện đại hơn. Bên cạnh đó, ngành Công an còn có chủ trương đưa công an chính quy về xã. Đây cũng là một cuộc cách mạng hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Như vậy là Công an đã gần dân hơn, sát sao hơn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội của nhân dân. Đây là quyết sách rất chuẩn xác bởi nhờ đó sẽ nắm được đầy đủ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những bức xúc, mâu thuẫn tiềm tàng trong nội bộ nhân dân để hóa giải ngay từ đầu. Cách làm này giúp biến những tồn tại, những nguy cơ lớn sẽ thành nhỏ, nguy cơ nhỏ sẽ bị triệt tiêu, giúp cho xã hội ổn định hơn. Ngành Công an đã làm được nhiều việc hơn nhưng lực lượng không tăng lên, lại biết được chỗ nào xung yếu để sửa chữa, khắc phục. Từ việc bố trí lại đội hình, vẫn con người như thế nhưng biết sử dụng hợp lý, tìm ra chỗ nào quan trọng, chỗ nào xung yếu thì bù đắp, ưu tiên, tôi cho đó là một thành công. Đây cũng là tiền đề để mở ra hướng đi cho các ngành khác học tập và thực hiện.
Mài sắc “bảo kiếm”, củng cố “lá chắn”
- Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò “lá chắn” của ngành Công an trong bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ và nhân dân trong hoàn cảnh hiện nay?
- Ta đã mài sắc “bảo kiếm” thì đồng thời cũng phải củng cố “lá chắn”. Lá chắn trước hết chính là vững vàng ở tư tưởng, tư duy, ý chí cách mạng, có lý luận, kinh nghiệm để đối chọi lại kẻ địch. Lá chắn trong mỗi người phải có từ bản lĩnh chính trị và sử dụng những công cụ, phương tiện, điều kiện một cách nhuần nhuyễn để ứng phó. Lá chắn còn thể hiện ở sự đoàn kết của đội ngũ. Khi một người có sức mạnh lại liên kết được cả tập thể đông đảo vững mạnh thì sức mạnh đó sẽ nhân lên. Đó chính là sự thân ái, giúp đỡ giữa đồng đội, đồng chí mà Bác Hồ đã dạy. Càng nhiều lá chắn thì càng vững, vững từ tinh thần, sức lực, cho đến tổ chức. Nói như thế tức là ngay từ những lá chắn nhỏ đã phải sáng suốt nhận biết những cách thức tấn công của kẻ địch để phản bác, che chắn kịp thời. Lá chắn đầu tiên chính là khả năng tư duy, nhận biết của mỗi người. C. Mác đã nói: “Vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí. Lực lượng vật chất chỉ có thể đánh đổ bởi lực lượng vật chất mà thôi. Nhưng lý luận sẽ trở thành lực lượng vật chất như lá chắn khi xâm nhập vào quần chúng”. Nghĩa là khi đưa được những lý luận, tư duy, tư tưởng vào quần chúng thì nhất định đó sẽ trở thành lực lượng vật chất, thành lá chắn thép của lực lượng Công an nhân dân để bảo vệ Đảng chống lại các luận điệu của kẻ địch.
Lực lượng Công an nhân dân có được 6 điều Bác Hồ dạy, 5 lời thề danh dự và 10 điều kỷ luật thì phải thường xuyên tu dưỡng, trau dồi, đó chính là cách để “lá chắn” luôn vững vàng. Chỉ cần một điều trong số đó bị lơ là, suy giảm thì sẽ để lộ ra kẽ hở cho kẻ địch tấn công vào Đảng. Từ đường lối, chủ trương khi đã nắm rõ sẽ biến thành hành động, và hành động theo đúng lời dạy của Bác thì không kẻ địch nào tấn công được. Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn làm Bộ trưởng Bộ Công an và cho đến nay là Đại tướng Tô Lâm, chúng tôi vẫn trao đổi và nhất trí với nhau là, “lá chắn” của lực lượng Công an nhân dân phải thiên biến vạn hóa, phải ứng phó nhanh hơn các ngành khác vì đặc thù của ngành Công an là bảo vệ xã hội. Trong thời đại công nghiệp 4.0, xã hội phát triển rất nhanh, có khi chỉ trong một thời gian rất ngắn đã nảy sinh ra một ngành mới, một vấn đề mới mà chúng ta cần phải bảo vệ rồi. Vì vậy Bộ trưởng Tô Lâm đã có lần phát biểu trước Quốc hội là, có khi lá chắn vừa củng cố xong để bảo vệ ở lĩnh vực này, mặt trận này thì địch đã lại có vũ khi mới ở lĩnh vực khác. Nói như vậy để hiểu, bản thân lá chắn cũng rất nhanh lạc hậu và chịu sự tấn công đa dạng, nhiều phương thức, nhiều hướng khác nhau. Vì tất cả những lý do đó, lá chắn phải không ngừng được củng cố, không ngừng cải tiến, không ngừng thay đổi, phát triển để thích hợp theo từng tình huống.
- Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền về những ý kiến trao đổi quý báu này!
(Còn nữa)
Nguồn: Báo An ninh thủ đô