Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 22/4, Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng  -0
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại hội nghị.
Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng  -0
Toàn cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có các đại biểu đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Hội Truyền thông số Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet…

Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Bộ Công an giai đoạn 2021-2023, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Việt Nam kết nối Internet toàn cầu vào ngày 19/11/1997, hiện đã phủ sóng Internet trên 99,7% số thôn trên toàn quốc, riêng vùng phủ 3G - 4G đã lên tới 95% dân số, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập Internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó, có khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet.

Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng -0
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh phát biểu tại hội nghị.

Một khảo sát của Google thực hiện năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi. Đáng chú ý, sau quá trình thích ứng với các hoạt động học tập, giải trí, kết nối trực tuyến trong dịch bệnh COIVID-19, độ tuổi trẻ em sử dụng Internet tại Việt Nam có xu hướng giảm xuống trung bình 6-7 tuổi. Trẻ em Việt Nam sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được giáo dục, trang bị các nhận thức cơ bản về các mối nguy hại từ môi trường mạng là một nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, trẻ em là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ từ những yếu tố trên môi trường mạng, cả về khía cạnh tích cực và tiêu cực. Intenet dần phủ khắp và tác động lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với hoạt động cá nhân – xã hội hàng ngày của đa phần người dân Việt Nam, là yếu tố then chốt thúc đẩy mọi mặt xã hội phát triển lên một cấp độ mới.

Đối với trẻ em, Internet đã mở ra cơ hội trong việc tiếp cận thông tin, tri thức, học tập sáng tạo, phát triển bản thân, kết nối xã hội mà không bị giới hạn về không gian, thời gian, vị trí địa lý. Tuy nhiên, những đặc tính vốn có của môi trường mạng như khả năng ẩn danh và kết nối, chia sẻ thông tin không giới hạn dần trở thành những điều kiện lý tưởng cho các đối tượng xấu, các loại hình tội phạm phát sinh, hoạt động. Môi trường mạng hiện nay cũng thường trực đa dạng những nguy cơ đối với trẻ em, bao gồm những hành vi xâm hại và các yếu tố nguy hiểm khác có thể tác động tiêu cực, gây tổn hại đến tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng.

Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng -0
Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội nghị.
Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng -1
Đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị.
Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng -2
Đại diện lãnh đạo Công an TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

“Hành vi xâm hại tình dục qua mạng; hành vi mồi chài, gạ gẫm, dụ dỗ qua mạng vì mục đích tình dục; hoạt động của các loại tội phạm trên môi trường mạng; bị bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục trên mạng; bị xâm phạm quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin cá nhân vào mục đích vi phạm pháp luật; nguy cơ bị xúi giục, dẫn dắt, thúc đẩy thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…” - Thiếu tướng Lê Minh Mạnh chỉ ra những nguy cơ nổi lên qua thực tiễn triển khai công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của lực lượng Công an.

Từ năm 2021 đến năm 2023, triển khai QĐ số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em và ngăn chặn các mối nguy hại đối với trẻ em trên môi trường mạng. Lực lượng Công an đã chủ động tặng cường hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng, các nguy cơ và thủ đoạn tội phạm từ môi trường mạng và kỹ năng nhận diện, phòng tránh, xử lý, tập trung trực tiếp vào đối tượng học sinh, phụ huynh, giáo viên và chuyên viên làm công tác trẻ em của các bộ, ngành. Thực hiện đa dạng các phương thức tuyên truyền truyền thống qua phương tiện thông tin đại chúng, triệt để tận dụng các tiện ích của mạng xã hội (facebook, zalo), chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm…

Bên cạnh đó, lực lượng Công an tăng cường công tác nắm tình hình trên môi trường mạng, phát hiện và triển khai các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn, vô hiệu hóa số lượng lớn các loại thông tin độc hại với trẻ em trên môi trường mạng, giảm nguy cơ trẻ em bị tiếp cận, tác động tiêu cực. Cụ thể, ngăn chặn truy cập từ trong nước đến 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cùng với đó, tiến hành gỡ bỏ, vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình, kết quả công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Kết quả các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã góp phần bảo đảm ANTT, giảm thiểu, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển an toàn, lành mạnh của trẻ em – những người chủ tương lai của nước nhà.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả của Công an các đơn vị, địa phương; đánh giá cao sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội với lực lượng Công an trong thực hiện Quyết định số 830 của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua; mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ trong thời gian tới.

Tăng cường các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng -0
Thứ trưởng Lương Tam Quang và các đại biểu dự hội nghị.

Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị, các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, là bộ phận của công tác đảm bảo an ninh con người, góp phần quan trọng xây dựng, hình thành thế hệ công dân số tương lai đủ năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong kỷ nguyên số. Coi công tác này, trách nhiệm này như là trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ với con em của chính mình.

Từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đề cao trách nhiệm, sự tập trung và hợp tác đa chiều thường xuyên, chặt chẽ trong cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trước hết là phối hợp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin, Quyết định số 830 của Thủ tướng Chính phủ. Sớm khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra tại hội nghị, tập trung thúc đẩy hai mục tiêu là xây dựng, duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh và giáo dục, hình thành thế hệ công dân số tương lai, có đạo đức, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có năng lực tham gia và được thúc đẩy phát triển trên môi trường mạng.

Đối với Công an các đơn vị, địa phương, Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm Luật an ninh mạng. Cụ thể như, đẩy mạnh các mặt công tác phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin xấu, độc, gắn với chủ động chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tốt nhất các yêu cầu xác minh, truy vết đối tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao kỹ năng điều tra thân thiện; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi