Trước diễn biến phức tạp, gây mất an toàn giao thông, Phòng CSGT ĐB-ĐS-Công an TP Hồ Chí Minh (Phòng CSGT) đã liên tiếp mở các đợt kiểm tra để ngăn chặn các vụ tai nạn thương tâm…
Kể từ khi quận 7 và TP Thủ Đức các hàng quán được bán rượu bia tại chỗ, lượng người điều khiển phương tiện khi đã uống bia rượu gia tăng gây nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là vào ban đêm. Để kiểm soát xử lý, các đội trạm thuộc Phòng CSGT đã liên tục mở các chốt kiểm soát nồng độ cồn trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn. Chỉ trong thời gian ngắn, các đội trạm thuộc Phòng CSGT đã lập biên bản, xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Nhiều người bị lập biên bản viện nhiều lý do để “thanh minh”.
Nhiều người sử dụng bia, rượu điều khiển phương tiện bị lập biên bản xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Chốt kiểm soát nồng độ cồn thuộc Đội CSGT Hàng Xanh làm nhiệm vụ tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) ra hiệu lệnh dừng phương tiện do ông L.H.H (SN 1967, ngụ TP Thủ Đức) điều khiển. Nồng độ cồn đo được từ ông H là 0,706 mg/lít khí thở. Ông H. bị CSGT lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 24 tháng. Ông H phân bua: “Công ty mở tiệc ăn mừng vì chấm dứt tình trạng làm việc 3 tại chỗ nên tôi có uống 2 lon bia, mà sao nồng độ đo cao quá!”.
Anh L.H.L (SN 1999, quê Long An) có mức đo nồng độ cồn là 0,250 mg/lít khí thở bị giam bằng lái 12 tháng phân trần: “Bạn bè gặp nhau chúc mừng vượt qua đại dịch, cả nhóm đều “lành lặn”. Mấy ngày nay nghe nói CSGT xử lý nồng độ cồn nên dù bạn bè ép, tôi cũng uống chỉ 1 lon, vậy mà cũng bị dính biên bản, thiệt xui hết biết!”.
Nhằm duy trì ổn TTATGT trên địa bàn, Đội CSGT Bình Triệu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể tập trung xử lý nghiêm các vi phạm quy định về nồng độ cồn. Sau 22h, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, đơn vị cũng tiến hành kiểm tra hành chính tất cả các phương tiện tham gia giao thông, nhằm chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến đường giao thông mà đội đảm trách.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn giao thông trong thời gian qua đó là việc người điều khiển phương tiện đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, nhiều nhất là những người sử dụng xe đạp làm phương tiện tập thể dục buổi sáng. Sáng 8/11, Đội Tuần tra dẫn đoàn lập chốt xử lý người đi xe đạp lưu thông vào làn ô tô, vượt đèn đỏ trên đại lộ Phạm Văn Đồng (đoạn qua TP Thủ Đức). Nhận tín hiệu dừng xe vì vượt đèn đỏ, ông V.V.T. (SN 1973, TP Thủ Đức) phân bua: “Do đi theo đoàn nên tôi không để ý, thấy người ta vượt qua nên tôi theo phía sau, xin rút kinh nghiệm!”.
Tương tự, ông V.M.T (SN 1970, ngụ TP Thủ Đức) không đeo khẩu trang, vượt đèn đỏ, không xuất trình được giấy tờ tùy thân. CSGT lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ chiếc xe đạp.
Theo một cán bộ làm việc tại chốt, một bộ phận nhỏ người tham gia giao thông xuất hiện tâm lý chủ quan, thấy đường rộng, mật độ phương tiện không quá đông nên phóng nhanh, vượt ẩu, đi vào đường cấm vào thời điểm tờ mờ sáng, thời điểm dễ xảy ra tai nạn nhất. Khi bị lập biên bản, những người vi phạm này thường nại nhiều lý do. Đội đã lập biên bản xử phạt hơn 100 trường hợp người điều khiển xe đạp vượt đèn đỏ, đi vào làn xe ôtô. Nhiều người khi thấy CSGT còn liều lĩnh quay đầu xe chạy ngược chiều để lẩn trốn phạt.
Tại quận 5, giao lộ Hồng Bàng - Lý Thường Kiệt luôn trong tình trạng đông đúc. Là trục nối giữa quận Tân Bình và quận 5 nên nơi đây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Để khắc phục, Đội CSGT Chợ Lớn đã liên tục phát các tờ rơi tuyên truyền giúp người dân đi đúng luật. Ngoài ra tại các tuyến đường chính, Đội đã chủ động rà soát, điều chỉnh phương án để điều tiết, phân luồng giao thông không để xảy ra ùn ứ giao thông.
Tại tuyến Võ Văn Kiệt (Đại lộ Đông Tây), nơi có rất nhiều xe tập kết vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh miền Tây, Đội CSGT Chợ Lớn đã liên tục tuần tra xử lý nghiêm các trường hợp xe chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Nguồn: Báo CAND