Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tiện ích khi người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến

Trước đây, để giải quyết vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) hoặc làm các thủ tục liên quan đến đăng ký phương tiện; cấp, đổi biển số xe, người dân, doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian, công sức để đi đến trụ sở Công an hoặc Trung tâm tiếp công dân Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để được hướng dẫn, giải quyết các thủ tục. Đó là chưa kể đến trường hợp phải xếp hàng lấy số thứ tự chờ đợi, hoặc bị trả lại hồ sơ vì thiếu giấy tờ, dẫn đến quá trình giải quyết TTHC bị kéo dài.

Tuy nhiên gần đây, khi Công an tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai dịch vụ công trực tuyến, thông qua Cổng DVCQG, người dân, doanh nghiệp có thể tự kết nối, tích hợp, tương tác một cách dễ dàng, nhanh chóng trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB hoặc giải quyết các TTHC liên quan.

Tiện ích khi người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến -0
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Là doanh nghiệp có vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP Huế chia sẻ các thủ tục giờ đây đều được thực hiện thông qua Cổng DVCQG, không phải trực tiếp như trước nên doanh nghiệp tiện lợi rất nhiều, nhất là không phải mất thời gian đi lại. "Để nhận lại các giấy tờ bị cơ quan Công an tạm giữ sau khi hoàn thành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tôi chỉ cần đăng ký địa chỉ là xong", ông Hưng cho biết thêm.

Hay như trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện, các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công đều đơn giản, thuận tiện, giao dịch 24/24h trong ngày tại bất cứ đâu có kết nối internet giúp người dân thuận tiện thực hiện kê khai giải quyết thủ tục. Trung tá Phạm Tài Văn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến không chỉ mang lại lợi ích cho người dân trong việc giảm bớt hạn chế về rào cản địa lý, thuận lợi hơn về thời gian, tiết kiệm chi phí mà các dịch vụ công trực tuyến còn giúp cho cơ quan Công an tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực. Đồng thời góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai và chống sách nhiễu, tiêu cực. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và phục vụ người dân của đơn vị. "Tính đến đầu tháng 4/2024, tại Phòng CSGT Công an Thừa Thiên Huế, trong tổng số hồ sơ giải quyết TTHC có hơn 75% trường hợp thực hiện qua Cổng dịch vụ công về thủ tục đăng ký xe và xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Chỉ tiêu này đã đạt yêu cầu đề ra của Bộ Công an. Ngoài ra, 100% hồ sơ trên lĩnh vực quản lý giao thông được giải quyết và trả đúng thời gian quy định", Trung tá Phạm Tài Văn cho hay.

Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn nữa các dịch vụ công trực tuyến, trong thời gian qua, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ giải quyết TTHC. Khi người dân, doanh nghiệp đến Trung tâm tiếp công dân Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đều được hướng dẫn cụ thể thực hiện các bước đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến quy trình đăng ký xe, các bước nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến qua Cổng DVCQG.

Thực tế hiện nay vẫn có nhiều người chưa sử dụng điện thoại thông minh, điều kiện sử dụng thiết bị công nghệ thông tin còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Thậm chí nhiều người chưa quen với những thao tác trên các ứng dụng kết nối internet, chưa có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng số tiền không đủ để nộp phạt vi phạm hành chính. "Đối với những trường hợp này, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã bố trí cán bộ để tận tình hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng", Trung tá Phạm Tài Văn cho biết thêm.

Thượng tá Đặng Thị Lệ Thủy, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ cùng với Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn, tiếp cận và dễ thực hiện hơn các TTHC trên Cổng dịch vụ công. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa trình độ của đội ngũ cán bộ để có thể ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào công tác giải quyết TTHC, hướng dẫn người dân thực hiện thuận tiện hơn. Ngoài ra Phòng CSGT sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất đồng bộ hóa các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để có thể phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần hiện thực hóa việc chuyển đổi số trên lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi