Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
100 năm “cuộc cách mạng” chứng minh thư ở Pháp

“Bút chiến” vì nhân trắc học

Nước Pháp nổi danh bởi nhiều nhà khoa học, trong đó có Alphonse Bertillon, cha đẻ của nhân trắc học pháp y và khoa học pháp y. Các phương pháp xác định tội phạm của ông được cảnh sát Paris quan tâm. Năm 1917, cảnh sát Pháp quy định, người nước ngoài khi đến Pháp bắt buộc phải kê khai đầy đủ thông tin cá nhân. Đến năm 1921, cảnh sát trưởng Paris đã thực hiện một cuộc thử nghiệm về CMT cho người dân gây xôn xao dư luận và tốn nhiều giấy bút của báo chí Pháp thời đó.

Ngày 12-9-1921, Robert Leullier, cảnh sát trưởng Paris, đã ban hành thông tư về "CMT kiểu Pháp" cho công dân cư trú tại tỉnh Seine (gồm Paris và các vùng ngoại ô). Thời đó, để xác minh danh tính của một người không dễ dàng và có thể dẫn tới các hành vi gian lận. Vì vậy, người dân khi đi làm CMT phải xuất trình nhiều giấy tờ khác nhau, như: Giấy chứng nhận chấp hành tốt quy định của nhà nước, giấy cư trú, giấy phép săn bắn, sổ hộ khẩu, thẻ đi lại bằng đường sắt, thậm chí là hộ chiếu. Ngoài ra, người đi làm CMT phải có 2 nhân chứng đi cùng.

Tuy nhiên, trước sự phản đối của nhiều người, cảnh sát trưởng Robert Leullier chấp nhận để người dân tự lựa chọn có làm CMT hay không. Do vậy, để khuyến khích người dân đi làm CMT, cảnh sát đã nêu những lợi ích của “chiếc thẻ quyền lực này”. Ví dụ, nó có thể thực hiện các giao dịch tại bưu điện, ngân hàng hay kê khai tài sản…

Chứng minh thư được làm tại tỉnh Seine năm 1921 Ảnh: Le Figaro.

Thông tư làm CMT của cảnh sát trưởng Robert Leullier đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí Paris thời đó. Một ngày sau khi Thông tư được ban hành, ngày 13-9, các nhà báo đã đến một trong 80 đồn cảnh sát ở thủ đô Paris để làm CMT nhưng phải trở về với sự bực dọc. Tại đồn cảnh sát ở Paris và vùng ngoại ô đều không nhận được hướng dẫn, tài liệu cần thiết cũng như dụng cụ nhận dạng tư pháp như tấm kẽm, mực dầu đặc biệt hay con lăn nhỏ bằng cao su… phục vụ cho việc cấp CMT.

Những ngày đầu triển khai làm CMT diễn ra thuận lợi vì ít người đến làm nên không diễn ra cảnh chen chúc. Một bài báo đăng trên tờ La Victoire đã tóm tắt sự thiếu nhiệt tình của người Pháp đối với sáng kiến làm CMT của cảnh sát: “Chiều hôm qua, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ tại các đồn cảnh sát của nhiều quận khác nhau trong thủ đô Paris. Ở đâu, chúng tôi đều nhận được một câu trả lời giống nhau: Mọi nơi đều thất bại như nhau, công chúng không quan tâm như nhau. Quả thật, cảnh sát nhận rất ít đơn đăng ký làm CMT của công dân cứ như thể CMT chưa từng tồn tại. Tại quận Sainte-Marguerite, CMT đã được cấp trong những ngày đầu tuần nhưng ở quận Saint-Ambroise hay La Roquette, cảnh sát vẫn đang đợi vị khách đầu tiên. Một tuần sau khi thông tư có hiệu lực, cảnh sát Paris mới cấp được khoảng 100 CMT”.

Giải thích lý do người Pháp thiếu mặn mà với CMT là bởi họ không thích bị nhận dạng nhân trắc học. Theo quy định, người làm CMT phải nộp một bức ảnh cỡ 4x4 cm, toàn khuôn mặt, đầu để trần và lấy vân tay của ngón tay trỏ của bàn tay trái. Việc lấy vân tay đã bị báo chí cả của cánh hữu lẫn cánh tả đều lên án, cho rằng điều này đánh đồng công dân lương thiện với một "kẻ lừa bịp thô tục" hay "kẻ cướp bóc". Tờ L’Humanité thậm chí còn khiêu khích và đề nghị công dân xăm trên rốn thông tin cá nhân cho an toàn. Trong khi đó, tờ báo cực hữu L’Action Francaise còn giả vờ đặt câu hỏi về số phận của một người đàn ông bị cụt cánh tay trái muốn được xác lập giấy tờ tùy thân. “Việc lấy vân tay là một hoạt động rất tế nhị và hơi ghê tởm”, một nhà báo của tờ LExcelsior viết. Người này còn thắc mắc về việc sao chép lại vân tay.

Cơ hội cho kẻ gian lận

Trong khi đó, nhân viên cảnh sát có phần lúng túng khi đánh giá màu mắt, nước da, hình dạng khuôn mặt và bộ ria mép, kích thước của mũi của nam công dân. Với phụ nữ, việc làm CMT còn phức tạp hơn. Họ phải xuất trình thêm giấy ủy quyền của chồng và giấy khai sinh và gửi đến cơ quan cảnh sát trước 3 tháng.

Sự không chặt chẽ trên đã khiến nhiều người nghi ngờ có hành vi gian lận. Trong bài báo có tựa đề “Tháng 9 năm 1921: CCCD đầu tiên của Pháp và những thách thức” đăng trên tạp chí Genèses hồi tháng 3-2004, học giả Pierre Piazza nhấn mạnh, các mẫu vân tay được lưu trữ tốt nhưng không có sự phân loại (theo vân tay đã được lấy). Còn trên tờ Le Figaro, chuyên gia Louis Thinet cảnh báo, tội phạm không thiếu sự tưởng tượng và sẵn sàng làm bất cứ điều gì. Bọn tội phạm có thể xóa hoặc biến đổi dấu vân tay, nâng mũi, làm mũi tẹt, làm rộng miệng, tai… "Đây là lý do giải thích vì sao cảnh sát không đủ các biện pháp phòng ngừa khi làm CMT để biến nó thành vật bảo vệ những người trung thực", ông Louis Thinet nói.

Mặt sau chứng minh thư ghi nhân trắc học của công dân   Ảnh: Le Figaro.

Trong khi đó, để minh chứng sự không chặt chẽ liên quan đến nhân chứng, nhà báo Paul Gordeaux của tờ L’Écho de Paris đã thuê người đóng thế. Ông Paul Gordeaux kể lại rằng, để có được CMT, ngoài việc chuẩn bị giấy tờ cần thiết, ông đã nhờ 2 “người bạn thời thơ ấu” đi làm chứng. Đó là một người làm ở quán rượu và một người bán hàng rong được ông thuê với giá 100 đồng…

Trong khi ở Paris rối rắm về làm CMT thì ở các tỉnh khác lại nhìn Paris với một sự ghen tị không hề nhỏ. Một nhà báo của tờ Petit Provenal cho rằng, Paris đang độc quyền CMT tiện lợi này nhưng lại dự đoán CMT không có một tương lai tuyệt vời như cảnh sát Robert Leullier mong đợi. “Ở Pháp, khi một việc không bắt buộc, người dân sẽ không chịu làm. Đây là cách hiểu và cách làm tự do của chúng tôi”, nhà báo của tờ Petit Provenal nói.

Tuy nhiên, dự báo của nhà báo này đã hoàn toàn sai. Theo học giả Pierre Piazza, người Paris đã sử dụng phổ biến CMT trong những năm sau đó. Ban đầu là để cạnh tranh với các loại giấy tờ không đồng nhất khác, nhưng sau đó, trong thời kỳ giữa các cuộc chiến, CMT trở thành một tài liệu cần thiết cho nhiều thủ tục hành chính.

Sự phát triển của loại giấy tờ đặc biệt

Trong cuốn sách “Các yếu tố của khoa học pháp y” xuất bản năm 1939, Charles Sannié, Giám đốc cơ quan nhận dạng tư pháp thuộc Cảnh sát Paris từ năm 1930, chỉ ra sự hữu ích, thuận lợi của CMT trong đời sống hàng ngày. Ba năm trước đó, ông Charles Sannié nhận thấy rằng, mặc dù không có văn bản nào đảm bảo tác dụng hữu ích của CMT nhưng các cơ quan dịch vụ của cảnh sát Paris phát hành khoảng 25.000 CMT mỗi năm. "CMT của Pháp" không còn là tài liệu tham chiếu đơn giản mà là loại giấy tờ tùy thân bắt buộc công dân phải tuân thủ. Nó trở thành giấy tờ tùy thân duy nhất và thống nhất do Cơ quan cảnh sát Paris cấp cho công dân Pháp.

Cho đến cuối thời Đệ tam Cộng hòa, nhiều dự án nhằm hoàn thiện hệ thống và mở rộng ứng dụng CMT đã ra đời. Trong những năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế đã nuôi dưỡng một phong trào bài ngoại quy mô lớn. Ngày 9-10-1934, chế độ Ustasha của Croatia đã tấn công vào thành phố Marseille của Pháp bằng hộ chiếu giả, gây ra cái chết của Vua Nam Tư Alexander và Ngoại trưởng Pháp Louis Barthou, khiến Bộ trưởng cấp tiến Albert Sarrault phải từ chức.

Những bất cập của hệ thống cảnh sát trong việc kiểm soát người nước ngoài ở Pháp một lần nữa bị tố cáo. Nhiều người ủng hộ việc thiết lập hồ sơ nhận dạng cho phép nhà chức trách nắm rõ danh tính thực của người nước ngoài ở Pháp mà còn của công dân đất nước hình lục lăng. Trong một báo cáo đệ trình lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 11- 4-1935, Ch.Sannié đề nghị thay đổi CMT, theo đó loại giấy tờ tùy thân này bắt buộc phải có 10 dấu vân tay của người sở hữu và Văn phòng Căn cước Dân sự sẽ là nơi lưu giữ "các bản sao" của CMT. Tuy nhiên, vì một số lý do, dự án này đã “chết yểu”.

Mẫu CCCD sinh học mới Ảnh: AFP.

Tháng 12-1937, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Marx Dormoy đã trình bày một dự án khác với mục đích thiết lập "chế độ thống nhất, rõ ràng và hợp lý trong các vấn đề xác định nhân thân của công dân”. Nhưng đây vẫn là dự án chết. Đến thời đại Vichy, nhà lãnh đạo Pháp này lấy cảm hứng mạnh mẽ từ các dự án chết yểu trên để cho ra đời một “CMT của Pháp” mới, đồng thời giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối với các cơ quan liên quan thực hiện việc thiết kế và triển khai làm CMT cho toàn bộ công dân Pháp. Ngày 27-10-1940, Chính phủ Vichy đã công bố đạo luật về CMT và duy trì hiệu lực cho đến ngày nay.

Hơn 80 năm qua, CMT đã có sự cải tiến đáng kể và là giấy tờ tùy thân quan trọng của người dân Pháp. Trong thời đại công nghệ và để tránh làm giả, ngày 16-3 vừa qua, Bộ trưởng phụ trách quyền công dân thuộc Bộ Nội vụ Pháp, bà Marlène Schiappa, công bố mẫu thẻ CCCD sinh học mới, thay thế CMT cũ đã dùng nhiều năm qua. Theo Bộ trưởng Marlène Schiappa, mẫu thẻ CCCD mới có kích thước nhỏ hơn so với mẫu hiện tại và tương đương với thẻ ngân hàng hay giấy phép lái xe, để trong ví rất thuận tiện. Trên thẻ CCCD mới có in mã QR và các thông tin cá nhân của công dân như họ tên, giới tính, quốc tịch, nơi sinh... Hạn sử dụng của thẻ CCCD mới cũng giảm xuống 10 năm, so với 15 năm như trước đây. Điểm đặc biệt của thẻ CCCD mới là có gắn chíp chứa các yếu tố sinh trắc học, hình ảnh số hóa của công dân và hai dấu vân tay.

Việc thử nghiệm thẻ CCCD mới đã tiến hành tại tỉnh Oise từ ngày 16-3 vừa qua, sau đó được triển khai tiếp tại các tỉnh Seine-et-Marne và Réunion vào ngày 29-3. Dự kiến, người dân Pháp sẽ sử dụng thẻ CCCD sinh học mới từ ngày 2-8 tới. Các thẻ CCCD cũ sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến hết thời hạn ghi trên thẻ.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, việc thay đổi mẫu thẻ CCCD nhằm bảo vệ người dân trước các hành vi giả mạo và đánh cắp danh tính. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 33.000 người Pháp là nạn nhân của hành vi giả mạo giấy tờ. Năm 2020, cảnh sát đã bắt giữ gần 9.000 người sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi phạm pháp. Bên cạnh đó, việc thay đổi CCCD này còn đáp ứng quy định về tăng cường tính bảo mật của thẻ CCCD của Liên minh châu Âu (EU). Thẻ căn cước được công nhận ở 27 quốc gia thành viên EU.


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi