Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Binh sĩ Philippines được yêu cầu tiêm vaccine COVID-19

"Có được tiêm chủng hay không không phải là lựa chọn của các thành viên của Lực lượng vũ trang Philippines. Đó là nhiệm vụ", Thiếu tướng Edgard Arevalo, người phát ngôn quân đội Philippines cho biết.

Theo ông Arevalo, nếu các binh sĩ muốn chọn tiêm loại vaccine không có trong kho dự trữ của quân đội, thì họ sẽ phải tự chi trả phí tiêm chủng. Bên cạnh đó, binh sĩ nào từ chối tiêm chủng có thể sẽ bị kỷ luật.

 

Quân đội Philippines. (Ảnh: Sputnik)

Những binh sĩ có nguy cơ tiếp xúc với virus cao nhất sẽ được ưu tiên và sẽ phải sử dụng vaccine có sẵn tại thời điểm đó, ngay cả khi đó là vaccine CoronaVac do công ty SinoVac của Trung Quốc sản xuất. Thiếu tướng Arevalo nói rằng điều đó tốt hơn là "không có một biện pháp bảo vệ nào cả".

Thông báo trên được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan quản lý dược phẩm Philippines phê duyệt khẩn cấp CoronaVac, bất chấp sự nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này. Hiện vẫn chưa rõ ai đối tượng nào và khi nào Philippines sẽ triển khai tiêm chủng CoronaVac.

Áp lực đang gia tăng đối với chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đối với vấn đề triển khai tiêm vaccine, trong bối cảnh xuất hiện cáo buộc các quan chức đã làm hỏng việc thu mua và phân phối vaccine.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết 600.000 liều vaccine của công ty Sinovac do Bắc Kinh tài trợ sẽ tới Manila vào ngày 28/2. Quân đội sẽ nhận 100.000 liều trong số này.

Ông Duterte nói rằng các binh sĩ phải nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vaccine, nhưng giới chức y tế Philippines hôm 25/2 cho hay việc phân bổ và triển khai vẫn đang được "đánh giá".

CoronaVac là vaccine ngừa COVID-19 thứ ba được chấp thuận sử dụng khẩn cấp ở Philippines. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho biết nó không được khuyến khích cho nhân viên y tế do có hiệu quả tương đối thấp.

Mặc dù các thử nghiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy CoronaVac có hiệu quả 91,25%, nhưng các thử nghiệm khác ở Brazil chỉ cho thấy tỷ lệ hiệu quả khoảng 50%.

Chính phủ Philippines đang đàm phán với 7 nhà sản xuất vaccine, bao gồm cả Sinovac, với hy vọng đảm bảo đủ liều để tiêm cho 70 triệu người, chiếm khoảng 60% dân số, trong năm nay. Tuy vậy, phần lớn nguồn cung dự kiến ​​sẽ chỉ bắt đầu vào nửa cuối năm.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi