Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cảnh báo nguy cơ xung đột quân sự giữa Nga và NATO

Căng thẳng trong quan hệ Nga - NATO ngày càng gia tăng khi tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) hôm 2/12, Ngoại trưởng các nước thành viên NATO đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, cùng những quyết sách của chính quyền Kiev nhằm đối phó với lực lượng chống đối ở miền Đông và tăng sự hiện diện quân sự trong phần lãnh thổ phía Đông nước Nga.

Từ cảnh báo của Đức

Ngay tại cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO hôm 2/12, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter-Steinmeier đã đề nghị NATO nối lại đối thoại với Nga nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang quân sự trong trường hợp tình hình ở Ukraine bị mất kiểm soát. Ông Frank Walter-Steimeier nói: “Tôi cho rằng, chúng ta có trách nhiệm không để cho một vụ va chạm dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và leo thang căng thẳng. Chúng ta cần những kênh đối thoại rõ ràng để kiểm tra những thông tin mà hai bên quan tâm".

Đề xuất của chính quyền Berlin là NATO sẽ thành lập một ủy ban giải quyết khủng hoảng với Nga và điều chỉnh tình trạng mất liên lạc hiện nay giữa hai bên. Theo quan điểm của Ngoại trưởng Đức, mối quan hệ giữa NATO và Nga đang ở mức đáng báo động. Các cáo buộc lẫn nhau giữa hai bên ngày càng nhiều khiến cho tình hình trở nên phức tạp. Ông Frank Walter-Steinmeier cho biết, đề xuất của ông đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 6 quốc gia thành viên NATO, song chưa rõ Moskva có ủng hộ giải pháp này hay không.

Trong trường hợp Nga ủng hộ ý tưởng này, Ngoại trưởng Đức cho rằng, cần phải có một cơ chế đối thoại cơ bản giữa NATO và Nga, trong đó các chuyên gia quân sự hoặc đại sứ sẽ cùng thảo luận, trao đổi thông tin về các sự cố quân sự và những sự việc phát sinh trong quan hệ giữa hai bên liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine…

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ZDF, ông Frank Walter-Steinmeier từng cảnh báo: “Chỉ cần 14 ngày để kích động một cuộc xung đột, nhưng sẽ mất tới 14 năm để giải quyết nó. Chúng ta đang ở trung tâm của một cuộc xung đột nguy hiểm mà nhiều người cho là có thể sẽ dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Ngoại trưởng các nước NATO đã chấp thuận thành lập đội phản ứng nhanh
dưới hình thức “tạmthời”. Ảnh: AP.

Đến những động thái của Mỹ, NATO và Nga

Rõ ràng, đề xuất của Đức là một hướng gợi mở hợp lý để giải quyết tình trạng hiện nay giữa Nga và NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng ủng hộ ý tưởng này song lại đưa ra điều kiện rằng các kênh đối thoại chỉ có thể tiến triển tùy vào thiện chí hợp tác của cả hai bên. Trong thời điểm hiện nay, theo ông Jens Stoltenberg, các quốc gia thành viên NATO đã nhất trí về việc sớm triển khai “Kế hoạch sẵn sàng hành động” (RAP) vào năm 2016.

Theo đó, từ tháng 9, NATO đã tăng số lượng các chuyến bay tuần tra tại các quốc gia vùng Baltic và Đông Nam châu Âu, tăng số lần tập trận tại các nước Đông Âu, tăng số lượng tàu chiến trên biển Baltic ở phía Bắc và biển Đen ở phía Nam nước Nga. Đến nay, trước mắt, NATO sẽ “tạm thời thực hiện RAP” với việc triển khai đồng bộ một cách nhanh nhất trong trường hợp cần thiết hàng ngàn lính trên toàn bộ vùng lãnh thổ của đồng minh bị đe dọa.

Thông báo chung sau cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO còn giải thích rằng, lực lượng tinh nhuệ phản ứng nhanh có thể được triển khai trong vòng 48 tiếng đồng hồ tại các nước Đông Âu gần Nga để sẵn sàng đối phó với những thách thức mới từ một môi trường an ninh không còn như trước. Các nước Đông Âu có thể tiếp nhận lực lượng này đều là thành viên của NATO bao gồm Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovania, Romania và Bulgari.

Riêng với Ukraine, vì không phải là quốc gia thành viên nên NATO sẽ cung cấp cho nước này 15 triệu Euro để hiện đại hóa quân đội. Về việc Ukraine muốn khởi động lại thủ tục xin gia nhập NATO, tuy hoan nghênh, song liên minh này vẫn cho rằng, Kiev chưa thể sớm đáp ứng các tiêu chí ngặt nghèo về chính trị và quân sự.

Trong một diễn biến khác, Ukraine tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với lực lượng chống đối ở miền Đông. Còn Mỹ thì cho rằng, việc đồng ruble liên tục mất giá cùng động thái cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 từ 1,2% xuống âm 0,8% là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Nga đang chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó, Nga cũng lần đầu tiên chính thức thừa nhận, nền kinh tế nước này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu và phương Tây tăng cường thêm các lệnh trừng phạt.

Trích nguồn: Báo CAND online
Biên tập: Mai Loan,  Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè