Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Châu Á mất tích

Câu trả lời, họ đều không tin vào "giấc mơ Mỹ". Nhưng, như người ta thường nói, giấc mơ Mỹ không phải để cho người Mỹ, giấc mơ Mỹ là dành cho những người bên ngoài, những người nhập cư, những người ước mơ làm người Mỹ.

Như là một cặp vợ chồng gốc Hàn Quốc cùng hai đứa con tìm đến Mỹ để đổi đời chẳng hạn. Họ, cũng như bao người khác, mang trong mình một giấc mơ Mỹ. Họ làm công việc phân loại gà trong một nhà máy tối tăm, và cùng lúc đó, bỏ hết tiền để mua một vạt đất nông thôn miền quê Arkansas, dự định xây một trang trại lớn trồng những loại rau Hàn Quốc, bán cho người Hàn lưu vong, và trở nên giàu có.  Họ có lẽ đã đến rất gần giấc mơ, cho đến khi giấc mơ của họ trở thành cơn ác mộng - cả vạt đất chìm trong biển lửa. Đó là nội dung chính của “Minari”, bộ phim của đạo diễn Lee Isaac Chung đã lọt vào đề cử hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất của Oscar năm 2021.

Bộ phim “Minari” của đạo diễn gốc Hàn Lee Isaac Chung

Một mùa đề cử đa dạng hơn bao giờ hết, với phim về rất nhiều nhóm người yếu thế. Và khi ta đặt lên so “Minari” với “Promising young woman”, bộ phim về nữ quyền, hay “Judas and the Black Messiah”, về người da đen, điều dễ thấy nhất là “Minari” không có được vẻ quyết liệt, đen tối, thảm khốc, giận dữ như thế. Nó đau đớn một cách nín câm và âm thầm. Cũng như nỗi đau của người châu Á trên đất Mỹ. Nói cho cùng, người châu Á không giống người châu Phi. Họ không bị ép tới đây trên những chuyến tàu nô lệ. Họ đến vì tự nguyện. Họ đến vì giấc mơ Mỹ. Nỗi đau của họ vì thế cũng không hiển hiện.

Ngay cả khi là một người nước ngoài, chúng ta cũng có thể kể vô số những sự kiện liên quan đến chống phân biệt chủng tộc đối với người da đen. Chúng ta yêu mến Martin Luther King. Chúng ta hâm mộ Barack Obama. Chúng ta căm phẫn trước những vụ xả súng nhắm vào người da màu. Chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những nghệ sĩ da màu, blues, jazz, R'n'B trong âm nhạc - tất cả đều là tiếng lòng của họ, rồi Spike Lee, Jordan Peel, Barry Jenkins, Morgan Freeman trong điện ảnh. Nhưng người châu Á thì sao? Chúng ta biết gì về những người châu Á trên đất Mỹ, trước khi vụ xả súng vào người châu Á ở Atlanta diễn ra?

A! Bạn đã nhớ ra rồi. Lý Tiểu Long. Cả Thành Long nữa. Rồi Kungfu Panda nữa nhỉ? Và Hoa Mộc Lan. Thế chưa đủ với người da vàng hay sao?

"Trước đây, tôi muốn kiếm tiền… Nhưng sau đó, tầm những năm 2000, tôi thay đổi. Tôi thay đổi dạng vai bởi vì tôi không còn trẻ nữa và cũng vì tôi không muốn cứ làm mãi Giờ cao điểm, Giờ cao điểm 2, Giờ cao điểm 3… Tôi mệt rồi. […] Tôi muốn là một diễn viên đích thực. Tôi muốn là một Robert De Niro của châu Á. Tôi muốn khán giả của tôi biết tôi là một diễn viên biết võ thuật chứ không phải một võ sư biết diễn" - nam diễn viên gạo cội Thành Long trải lòng trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi vì sao những năm gần đây ông hạn chế đóng phim võ thuật và hướng về những bộ phim có góc nhìn triết lý và nội tâm.

Một cảnh trong bộ phim "Chan mất tích" của đạo diễn Wayne Wang

Thành Long là một trong những người da vàng nổi tiếng nhất trên màn ảnh rộng nước Mỹ. Ba phần “Giờ cao điểm” đều ăn khách và đâu đó trở thành những kinh điển. Nhưng chính sự thành công ấy đã đóng khung hình tượng của người châu Á: những người giỏi võ và chỉ có thế. Nói cho cùng thì Lý Tiểu Long cũng chỉ đơn giản là một người giỏi võ. “Gấu trúc Kungfu” cũng thế. Cả “Hoa Mộc Lan”. Bộ phim “Crazy Rich Asians” vào khoảng vài năm trước tạm thoát ly ra khỏi cái bẫy "võ thuật" khi kể về một cô gái theo bạn trai về nhà ở Singapore và phát hiện anh là con nhà siêu giàu nhưng đó không phải một châu Á điển hình mà vẫn chỉ là một châu Á trong "truyền thuyết" của Tây phương: diêm dúa, sặc sỡ và khó hiểu.

Tất nhiên là Thành Long cũng nên mừng. Ít ra thì đến thời của ông, người châu Á trên phim tuy phẳng, nhưng họ còn hài hước. Ông nên nhìn Fu Manchu, nam diễn viên cầm chịch các vai da vàng trong phim Hollywood thời kỳ đầu. Fu Manchu có ngoại hình được mô tả là "có vẻ hung tợn trong từng động tác giật ngón tay, có vẻ đe dọa trong từng cái nhíu mày, có vẻ kinh hoàng trong từng cái háy của đôi mắt xếch". Các vai diễn của Fu Manchu điển hình cho cái mà Hollywood gọi là "yellow peril" (Hiểm họa da vàng) - một ý thức hệ coi người da vàng như một giống người điên rồ man rợ giống khỉ nhiều hơn giống người và sở hữu những năng lực bí hiểm. 

("Năng lực bí hiểm" ấy thật ra đến đời Thành Long cũng vẫn có, như trong bộ phim “Karate Kid” hay “The Forbidden Kingdom” đều đại khái về một thằng nhóc học được bí kíp võ thuật thần kỳ của phương Đông để chống lại những kẻ bắt nạt nó.) Có học giả lý giải nó đến từ nỗi sợ hãi đồng thời là sự khinh bỉ thẳm sâu của người da trắng đối với Thành Cát Tư Hãn từ thời Trung Cổ. Tóm lại là, người châu Á trong phim Hollywood không phải là người bình thường. Dù tốt hay xấu thì họ cũng như người ngoài hành tinh vậy.

Đến đây, bạn sẽ hỏi rằng: Người da trắng hiểu sai về người da vàng, thế thì đã đi một nhẽ. Nhưng tại sao người da vàng ở Mỹ không tự làm phim về mình để có những khắc họa chân thật hơn?

Câu trả lời là, không phải họ không làm. Song chúng không thể tìm kiếm chỗ đứng trong nền công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới.

Năm 2005, Kho Lưu trữ Điện ảnh Hàn lâm nhận được một cuộn phim 16mm không hoàn chỉnh mang tên “The curse of Quon Kwon” (Lời nguyên của Quon Kwon). Bộ phim kể về một cô dâu gốc Hoa trong một gia đình truyền thống bị một vị thần giáng lời nguyền vì cô đã bị Âu hóa. Dù chất liệu làm phim vào năm 1916 còn thô sơ, nhưng đó là một câu chuyện rất chân thật về những con người nhập cư mất gốc như những bóng ma không thuộc về đâu cả. Và nó chính là bộ phim đầu tiên của một người Mỹ gốc Hoa, cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên với toàn diễn viên người Hoa.

Đạo diễn của nó là bà Marion E. Wong, và dàn diễn viên đều là người nhà của bà. Khi nhận được thước phim ấy, Kho lưu trữ đã ngay lập tức phục chế những gì còn sót lại, và chỉ một năm sau, bộ phim được Cục Đăng ký Phim Quốc gia công nhận là "bộ phim có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ". Đó là một hành động đúng đắn, nhưng quá muộn màng. Bởi khi nó được làm ra, không một nhà phát hành nào nhận nó. Phần lớn phim của Marion E. Wong cũng đã thất lạc. Lịch sử làm phim của người châu Á trên đất Mỹ bị xóa nhòa không dấu tích, hay nói như nhà làm phim gốc Á đương đại Arthur Dong thì nó giống như "một loài khủng long mà ta còn chưa biết".

"Chúng ta đã ở đây 100 năm rồi. Nửa triệu người Hoa ở đây hơn 100 năm rồi. Nếu người ta không chịu thừa nhận chúng ta, thì tức là người ta không muốn thừa nhận chúng ta'' - một câu thoại trong bộ phim “Chan is missing” (Chan mất tích) của đạo diễn Wayne Wang, một trong những đạo diễn Mỹ gốc Á hài hước nhất, xúc động nhất, triết lý nhất, thấu hiểu nhất về cuộc đời một người da vàng nơi xứ người.

Wayne Wang có vô số phim hay và cá nhân tôi cho rằng bạn đừng nên bỏ qua bất cứ tác phẩm nào bạn kiếm được. Nhưng trong khuôn khổ của một bài báo, tôi chỉ có thể chọn một. Và tôi xin được lựa chọn “Chan mất tích” (1982), bộ phim mà có nhà phê bình gọi nó là "câu đố phương Đông".

Đó là một bộ phim độc lập phá vỡ mọi cấu trúc về điện ảnh mà Hollywood đã đặt ra. Nó theo chân một người tài xế taxi ở khu phố Tàu cùng đứa cháu đi tìm một người bạn tên Chan đang cầm tiền của họ. Họ tìm đến rất nhiều người thân, bạn bè và những người đã gặp Chan. Nhưng mỗi lời kể lại đem đến một phiên bản Chan hoàn toàn đối chọi, để rồi vị tài xế buộc lòng kết luận: "Tôi đã bỏ cuộc việc tìm hiểu xem có chuyện gì xảy ra với Chan Hung. Nhưng điều làm tôi nghĩ ngợi nhiều hơn cả là việc tôi không biết Chan Hung thật sự là ai nữa. Ông Lee thì bảo Chan Hung là một người nhập cư phải được dạy dỗ lại từ đầu vì anh ta như một đứa trẻ con. Ông Fung thì bảo bất cứ ai có thể đầu tư vào một hệ thống ở Trung Quốc thì hẳn phải là một thiên tài. Steve thì nghĩ Chan Hung vừa chậm chạp vừa gian giảo trong chuyện tiền bạc. Jenny, con gái của anh ta thì nói cha mình là người thật thà và đáng tin. Amy cảm thấy Chan Hung chỉ là một nhà đấu tranh xã hội nóng tính. Người đàn ông già nghĩ Chan Hung là một tay hoang tưởng. Henry nghĩ Chan Hung là người yêu nước và anh ta đã trở lại Đại lục để phụng sự đồng bào[…]"

Cuối cùng, ta thậm chí phải tự hỏi rằng: Chan có tồn tại thật hay không? Sự tồn tại một cách bất tường minh, sự biến mất một cách không dấu vết của Chan dường như không còn là câu chuyện về một con người cụ thể. Mà dường như cộng đồng châu Á của họ chính là một cộng đồng những Chan - những con người mà không ai thật sự hiểu họ, bản dạng của họ nhập nhằng, nỗi đau của họ vô hình, tung tích của họ mất dấu. Tất cả những gì người ngoài biết về họ chỉ là võ đoán.

Còn họ, họ thì mất tích.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi