Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cuộc chiến chống IS tại Iraq giành nhiều thắng lợi

Lực lượng an ninh Iraq cùng các tay súng ủng hộ chính phủ ngày 23/11 đã giành lại quyền kiểm soát các khu vực ở gần biên giới với Iran, nơi nhóm thánh chiến tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm giữ trong nhiều tháng qua, trong một chiến dịch được phát động vào sáng sớm cùng ngày tại tỉnh Diyala, ở phía Đông Bắc thủ đô Baghdad.

Trong chiến dịch này, quân đội, cảnh sát và lực lượng dân quân đã tấn công các khu vực Jalawla và Saadiyah từ phía Tây và phía Nam, trong khi các binh sĩ người Kurd tấn công khu vực Saadiyah từ hướng Bắc và hướng Đông. Theo một chỉ huy người Kurd, 20 tay súng của lực lượng này đã thiệt mạng và 40 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với IS và các vụ đánh bom ở cửa ngõ của Jalawla. Bên cạnh đó, một chỉ huy nhóm vũ trang Badr tham gia chiến dịch cho biết có 12 binh sĩ chống IS thiệt mạng trong các vụ đánh bom, song không nêu rõ những người này thuộc lực lượng nào.

Một số nguồn tin khẳng định các lực lượng Iraq đã giành lại Saadiyah và Jalawla, được coi là “những trung tâm hỗ trợ chính” của IS, song có tin cho rằng hai khu vực này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq đang vạch kế hoạch phá vỡ vòng vây của IS quanh núi Sinjar, nơi hàng trăm người thiểu số Yazidi vẫn bị mắc kẹt hàng tháng sau khi rời bỏ nhà cửa. Người phát ngôn của Bộ Du kích người Kurd Halgurd Hikmat cho biết, trong vài ngày tới, một kế hoạch tái chiếm sẽ được triển khai và trọng tâm là cắt đứt tuyến tiếp viện của IS nối Mosul với Syria, chạy dọc theo chân núi phía Nam. Nếu lực lượng người Kurd kiểm soát được Sinjar, ông Halgurd Hikmat cho biết thêm, họ sẽ phải phối hợp với Baghdad và liên minh (gồm các nước phương Tây và vùng Vịnh) để đánh bật IS ra khỏi Mosul.

Cũng trong ngày 23/11, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Jordan Atef Tarawneh, Chủ tịch Quốc hội Iraq Salim al-Juburi khẳng định Iraq cần tới sự hỗ trợ của Jordan trong việc huấn luyện lực lượng an ninh của mình chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Ông Juburi cũng nhấn mạnh nhu cầu huấn luyện cho hàng loạt bộ lạc ở Iraq, điều mà theo ông là cốt yếu để đánh bại IS. Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Jordan cam kết hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến này, đồng thời ủng hộ nỗ lực của Iraq nhằm khôi phục ổn định và an ninh. Trước đó, Lầu Năm Góc cũng hé lộ kế hoạch vũ trang cho các tộc người Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq, bao gồm súng AK-47, súng phóng lựu và đạn súng cối, trong cuộc chiến chống IS.

Theo một văn bản của Lầu Năm Góc chuẩn bị trình lên Quốc hội Mỹ, kế hoạch chi tiêu khoảng 24,1 triệu USD này chỉ là phần nhỏ trong nằm trong đề xuất chi 1,6 tỉ USD mà Lầu Năm Góc yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua nhằm cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các binh sĩ Iraq và người Kurd. Cụ thể, Mỹ sẽ dành 1,24 tỷ USD để hỗ trợ lực lượng Iraq và 354,8 triệu USD cho các chiến binh người Kurd. Nhưng tài liệu trên cũng cho thấy tầm quan trọng của các thành viên bộ tộc dòng Sunni trong chiến lược tổng thể nhằm đẩy lùi IS. Tài liệu này cũng cho thấy Lầu Năm Góc chú trọng việc tăng cường sức mạnh cho các tộc người Sunni trong chiến lược tổng thể của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, đồng thời cũng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không giúp đỡ. Bản kế hoạch nêu rõ: “Nếu không cung cấp vũ khí, người Sunni sẽ không muốn chiến đấu chống IS”. Tài liệu của Lầu Năm Góc cũng khẳng định, việc cung cấp bất cứ loại vũ khí nào cũng phải thông qua chính quyền Baghdad, phù hợp với chính sách hiện hành.

Trong khi đó, cũng trong ngày 23/11, các tay súng IS đã bắn hạ một chiến đấu cơ của Syria tại Deir al-Zour ở miền Đông nước này. Đây được xem là động thái trả đũa của tổ chức khủng bố cực đoan này đối với 20 đợt không kích mà Không quân Syria thực hiện từ đêm 22/11 nhằm vào các cứ điểm của IS tại Hwaijat al-Saqer, thuộc vùng ngoại vi của Deir al-Zour, làm ít nhất 16 tay súng IS thương vong. Bên cạnh đó, theo kênh truyền hình PressTV của Iran, IS hiện đang tăng cường tuyển mộ trẻ em ở độ tuổi lên 10 tại các vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của nhóm này tại Iraq và Syria. Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang Leila Zerrougui khẳng định, phiến quân IS đang bắt cóc trẻ em và ép chúng gia nhập nhóm này. Các tay súng thánh chiến đã truyền bá tư tưởng cực đoan để khiến trẻ em gia nhập nhóm của chúng. Tất cả các công cụ nhằm thu hút, tuyển mộ trẻ em đều đã được IS sử dụng, và trẻ em ở độ tuổi 9/10 bị lạm dụng với nhiều vai trò khác nhau. Theo Cố vấn về bảo vệ trẻ em khu vực Trung Đông và Bắc Phi thuộc Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF) Laurent Chapuis, những trẻ em này đang bị lạm dụng trong nhiều vai trò khác nhau như là chiến binh, người đưa tin, gián điệp, lính canh. Điều mới mẻ ở đây là IS dường như khá rõ ràng và lớn tiếng nói về ý định tuyển mộ trẻ em.

Trong một diễn biến đáng quan tâm khác, liên quan tới cuộc chiến chống IS, tờ Sunday Independent của Nam Phi số ra ngày 23/11 cho biết khoảng 140 công dân Nam Phi được cho là đã gia nhập các lực lượng thuộc IS để tham chiến tại Iraq và Syria, trong đó có ít nhất ba người đã thiệt mạng. Theo tờ  báo trên, IS đang tăng cường tuyển mộ binh sĩ tại Nam Phi và gây quỹ dưới dạng viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, Cơ quan an ninh nội địa Israel ngày 23/11 đã bắt giữ Hamza Sami Sari Magasmeh - một người Arab đến từ miền Bắc nước này, cùng hai người đồng hành, với cáo buộc tới Syria để tham gia IS. Magasmeh khai nhận đã được IS huấn luyện trong vòng 10 ngày trước khi quyết định quay trở lại với gia đình ở Israel. Trước đó, phát biểu trên Kênh truyền hình Phoenix của Đức hôm 22/11, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết có hàng trăm người Đức đã rời đất nước để sát cánh cùng các phần tử thánh chiến ở Syria và Iraq.

Trích nguồn: Báo CAND online
Biên tập: Mai Loan,  Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè