Thứ Năm, 25/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đằng sau làn sóng “đại nghỉ việc” tại Mỹ

Năm 2021 chứng kiến làn sóng “đại nghỉ việc” (Great Resignation) tại Mỹ với số lao động nghỉ việc liên tiếp lập kỷ lục trong những tháng cuối năm, nâng tổng số người thôi việc ước tính trong năm lên 38 triệu. Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà phản ánh một xu hướng rộng hơn đánh giá lại chất lượng và mục đích lao động.

Trên khắp nước Mỹ, các doanh nghiệp đang mở rộng hoạt động, tận dụng lợi thế của nền kinh tế đang hồi phục. Điều này thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân sự luôn ở mức cao trong năm qua. Thế nhưng, thay vì tận dụng cơ hội từ thị trường lao động đang khan hiếm, nhiều người Mỹ lại quyết định từ bỏ công việc.

Những con số biết nói

Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4-1, có khoảng 4,5 triệu lao động ở nước này tự nguyện thôi việc trong tháng 11-2021, tiếp tục xu hướng tăng của tháng trước đó với 4,2 triệu người bỏ việc. Nếu tính cả số người bị sa thải, con số nghỉ việc trong tháng 11-2021 là 6,8 triệu người.

Đằng sau làn sóng “đại nghỉ việc” tại Mỹ -0
Nhiều doanh nghiệp chật vật tuyển dụng người lao động

Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhà hàng, khách sạn, bán lẻ và dịch vụ y tế. Tính trong tháng 8-2021 có 7% nhân viên ngành dịch vụ ăn uống và chỗ ở nghỉ việc.

Giám đốc nghiên cứu Nick Bunker của tổ chức nghiên cứu thị trường lao động Indeed Hiring Lab nhận định: “Người lao động tiếp tục bỏ việc với tỉ lệ lịch sử. Các lĩnh vực lương thấp bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch tiếp tục góp phần lớn trong tỉ lệ bỏ việc ngày càng tăng”.

Theo Bộ Lao động Mỹ, có khoảng 10,6 triệu vị trí tuyển dụng lao động mở trong tháng 11-2021, gấp rưỡi số người thất nghiệp là 6,9 triệu. Trong khi đó, mức lương trung bình ở Mỹ trong tháng 10-2021 đã tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hàng trăm triệu người lao động trên tổng số 330 triệu dân vẫn lựa chọn đứng ngoài thị trường.

Điều này đã dẫn đến tình trạng hiếm thấy là các tập đoàn công nghệ cao, ngành ngân hàng, rồi cả những tiệm tạp hóa cũng như các hãng dược phẩm... đều phải chật vật tìm những hình thức tuyển dụng mới và đưa ra những sáng kiến khuyến khích nhân viên mới về làm việc với mình.

Tại New York, một nhà quản lý ngân hàng cho biết có tới 6 nhân viên từ chức trong 2 ngày và có tới 5% trong nhóm cộng sự bày tỏ ý định đổi ngành, xa lánh hẳn thế giới tài chính để làm những việc “hữu ích hơn”. Vẫn ở bờ Đông nước Mỹ, một tập đoàn dược phẩm không ngần ngại tuyển dụng một nhân viên kỹ thuật với cái giá “trên trời” 100.000 USD/năm mà vẫn chưa thu hút được một ứng viên nào.

Nghỉ việc để làm chủ

Sự gia tăng số người bỏ việc ở Mỹ diễn ra đồng thời với sự gia tăng số lượng người tự kinh doanh. Theo dữ liệu đăng ký mã số thuế liên bang của Cục Điều tra dân số Mỹ, có 4,54 triệu doanh nghiệp mới từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2021, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số lớn nhất được ghi nhận từ năm 2004.

Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết số lao động tự do đã tăng 500.000 người kể từ khi bắt đầu đại dịch, lên 9,44 triệu. Đây là con số cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Tổng số lao động tự kinh doanh tăng 6%.

Theo Aaron De Smet - chuyên gia tư vấn về xu hướng lao động của công ty tư vấn McKinsey & Co, đại dịch đã thúc đẩy một số người “đánh giá lại các ưu tiên” của họ. Ông cho biết, những người làm công ăn lương bắt đầu nghĩ đến việc làm nghề tự do bởi xu hướng bỏ việc ra làm chủ đang diễn ra sôi động xung quanh. sự ra đời của các ứng dụng, trang web và công ty phục vụ cho các doanh nhân và người làm nghề tự do đã mang đến cho những người từng đi làm công các lựa chọn mới.

Nền tảng bán hàng trực tuyến Etsy cho biết họ có 7,5 triệu người bán đang hoạt động tính đến cuối tháng 9-2021, tăng 2,6 triệu so với cùng kỳ 2019. Cứ 10 người thì có 8 là phụ nữ. Các cuộc khảo sát của nền tảng này cũng cho thấy 4 trong số 10 nhà bán hàng bắt đầu kinh doanh vì những lý do liên quan đến đại dịch, ví dụ cần ở nhà để chăm sóc các thành viên trong gia đình.

Một cuộc khảo sát vào tháng 9-2021 của Upwork (trang web kết nối những người làm việc tự do từ nhiều ngành với khách hàng) kết luận rằng 20% những người làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đang cân nhắc nghỉ để làm công việc tự do. Tại LinkedIn, số lượng thành viên đang hiển thị trạng thái tự kinh doanh đã tăng gấp 4 lần kể từ khi đại dịch bắt đầu, lên 2,2 triệu người. Các doanh nghiệp do phụ nữ thành lập đã tăng 27% và các doanh nghiệp do nam thành lập tăng 17% kể từ khi đại dịch bắt đầu, theo phân tích của LinkedIn về hồ sơ người dùng.

Tương lai của “Đại nghỉ việc”

Các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 rõ ràng đang làm xáo trộn nhiều chuẩn mực kinh tế và xã hội. Có nhiều lý do để lao động Mỹ nghỉ việc, trong đó phổ biến nhất là do lo sợ, mệt mỏi vì dịch bệnh, thu nhập và phúc lợi giảm, tìm kiếm những công việc có điều kiện tốt hơn.

Theo Giám đốc Bunker của Indeed Hiring Lab: “Nghỉ việc nhiều đồng nghĩa với khả năng thương lượng của người lao động mạnh hơn. Điều này có thể khiến lương tăng mạnh. Tiền lương đã tăng trong năm 2021 và chúng ta có thể thấy điều tương tự vào năm 2022”. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Heidi Shierholz cho rằng việc người lao động có khả năng tìm việc tốt hơn là điều tốt và là dấu hiệu tích cực một nền kinh tế.

Dù vậy, với nhiều người lao động, nghỉ việc không phải lúc nào dễ chịu và thực tế có thể vô cùng bấp bênh trong năm 2022. Họ có thể phải đối mặt với những khoản nợ sinh viên, con cái và cả việc các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa.

Ngay cả việc chuyển sang tự kinh doanh hiện tại có thể chỉ là tạm thời. Các khoản tiết kiệm của người dân Mỹ, vốn dư dả nhờ vào các gói trợ cấp của liên bang trong thời gian đại dịch, đã tạo điều kiện để một số cá nhân có cơ hội tài chính theo đuổi việc tự kinh doanh. Khi những khoản tiết kiệm đó cạn kiệt, một số có thể lại muốn quay về nhận lương đều đặn.

Còn đối với những người lao động tự do, khi tình trạng thiếu lao động giảm bớt, họ có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các công ty trong việc tìm kiếm khách hàng.

  • Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi