Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Hội đàm Nga-Trung khiến phương Tây bối rối

Ngày 15-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm qua video, giữa lúc cả hai nước đều có những căng thẳng trong quan hệ với phương Tây. Trong những năm gần đây Moscow và Bắc Kinh đã gia tăng vun đắp mối quan hệ quân sự và ngoại giao chặt chẽ hơn vào thời điểm quan hệ của hai nước này với phương Tây trở nên xấu đi.

Cuộc hội đàm được truyền một phần qua truyền hình Nga, cho thấy nguyên thủ hai nước đều tỏ ra thân thiện, hiểu biết nhau và đoàn kết trước những chỉ trích của phương Tây đối với Moscow trên hồ sơ Ukraine và với Bắc Kinh trong hồ sơ Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ giữa hai cường quốc dựa trên cơ sở không can thiệp và tôn trọng lợi ích của nhau, quyết tâm biến đường biên giới chung thành vành đai hòa bình vĩnh cửu và láng giềng tốt. Tổng thống Nga khẳng định mối quan hệ hai nước là hình mẫu của quan hệ giữa các quốc gia trong thế kỷ 21.

Hội đàm Nga-Trung khiến phương Tây bối rối -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện qua cầu truyền hình với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15-12.

Rõ ràng cuộc nói chuyện giữa nguyên thủ hai nước Nga-Trung thân thiện hơn rất nhiều so với các cuộc đối thoại gần đây của hai ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bắc Kinh và Moscow đều đánh giá hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vì dân chủ mà Tổng thống Mỹ chủ trì tuần trước như là một hoạt động thù địch với Nga và Trung Quốc. Tổng thống Putin khẳng định lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm tới, nhân sự kiện Thế vận hội Mùa đông khai mạc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 của các nước Mỹ, Anh, Canada và Australia vì những lý do vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhận thấy Nga cũng từng bị phương Tây bài xích trong lĩnh vực thể thao, ông Putin lên án và phản đối “mọi ý đồ chính trị hóa thể thao và phong trào Olympic”.

Năm 2021 là một năm hiệu quả đối với hợp tác quân sự Nga-Trung. Đó là các cuộc tập trận hải quân, các cuộc tập trận của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các cuộc tập trận chỉ huy chiến lược, tuần tra máy bay ném bom. Trong một bản thông cáo đề ngày 23-10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hải quân Nga và Trung Quốc đã thực hiện một số cuộc diễn tập hải quân tại vùng biển Nhật Bản từ 17-10 cho đến 23-10.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Nhiệm vụ của các cuộc tuần tra là giương cao lá cờ của nhà nước Nga và Trung Quốc, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như nhằm bảo vệ người và phương tiện hoạt động kinh tế trên biển của hai nước”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc thao diễn hải quân chung nhằm “phát huy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong thời kỳ mới, nâng cao năng lực hành động chung của cả hai bên và cùng nhau duy trì ổn định chiến lược quốc tế và khu vực”.

Một báo cáo trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, hoạt động nói trên nằm trong kế hoạch hợp tác hằng năm giữa hai quốc gia và không nhằm vào một bên thứ ba nào. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nói thêm là trong khuôn khổ cuộc tập trận, nhóm tàu của hai nước đã “lần đầu tiên đi qua eo biển Tsugaru”. Eo biển Tsugaru nằm giữa đảo chính Honshu và Hokkaido của Nhật Bản được coi là vùng biển quốc tế.

Trong viễn cảnh của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới diễn ra trong hơn 3 năm qua, ý nghĩa của các cuộc diễn tập chung như vậy vượt xa việc chứng tỏ sự gần gũi của các quan điểm chính trị. Đó là một cách để khiến đối thủ trả giá đắt hơn trong khi hạn chế tổn thất cho mình trong một cuộc đối đầu tiềm năng. Giống như Chiến tranh Lạnh trước đây, Chiến tranh Lạnh hiện tại có một thành phần kinh tế-quân sự quan trọng. Yếu tố kinh tế đóng vai trò quyết định, ngay cả khi nó biểu hiện theo cách khác. Tỷ trọng chi tiêu quân sự trong GDP của các nền kinh tế lớn ngày nay thấp hơn nhiều so với những năm 1980. Nguồn dự trữ để tăng khoản chi này cũng thấp hơn. Các nước phát triển bị hạn chế bởi các khoản nợ công khổng lồ đã tích tụ từ thời Chiến tranh Lạnh trước đây. Nga khó có thể tăng chi tiêu quân sự vì cơ cấu kinh tế và hệ thống tài chính của nước này. Trung Quốc là cường quốc duy nhất có nguồn dự trữ lớn để tăng chi tiêu quân sự trong điều kiện thực tế, mặc dù vậy nước này cũng miễn cưỡng tăng vì sợ quá tải.

Hội đàm Nga-Trung khiến phương Tây bối rối -0
Nga và Trung Quốc lần đầu tuần tra chung trên Thái Bình Dương.

Hiện tại, Mỹ đang vượt Nga và Trung Quốc cộng lại về chi tiêu quân sự và hầu hết các khía cạnh sức mạnh quân sự. Nhưng, đối thủ chính của Mỹ, Trung Quốc, sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong tương lai gần. Lực lượng của Mỹ nằm rải rác khắp nơi trên thế giới, trong khi lực lượng của Nga và Trung Quốc tập trung ở châu Âu và Thái Bình Dương. Sự suy giảm của một số lĩnh vực công nghiệp cũ ở Mỹ trong vài thập kỷ qua đang diễn ra. Ví dụ, Trung Quốc là cường quốc lớn nhất về đóng tàu, trong khi ở Mỹ, ngành đóng tàu dân sự đã bị xóa sổ vào cuối thế kỷ XX. Cuối cùng, với việc chi tiêu quân sự thấp hơn, Trung Quốc đang củng cố hạm đội quân sự của mình nhanh hơn nhiều so với Mỹ, biết rằng sự tụt hậu về công nghệ của Trung Quốc đối với Mỹ đã giảm đáng kể.

Có thể có hoặc không có một hiệp định liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc nhưng ở giai đoạn này, điều đó không thay đổi nhiều. Bản chất của hợp tác quân sự, bao gồm cả chiều rộng và chiều sâu của các hoạt động huấn luyện quân sự chung, có nghĩa là Mỹ phải xem xét tiềm lực quân sự tổng hợp của Nga và Trung Quốc trong kế hoạch của mình. Điều này liên quan đến cả các kịch bản liên quan đến xung đột cục bộ ở Thái Bình Dương, chẳng hạn xung quanh vấn đề Đài Loan, cũng như năng lực cho các hành động phối hợp song song ở châu Âu và châu Á.

Nga và Trung Quốc có thể thực hiện những hành động kiểu này với chi phí tối thiểu mà không cần triển khai lực lượng xa biên giới của họ một cách tốn kém. Đây là một lợi thế tự nhiên của hai nước trong một cuộc xung đột mới. Để chống lại các động thái của Nga-Trung, Mỹ phải mở rộng sự hiện diện tốn kém ở châu Á, đồng thời cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với Nga ở châu Âu. Để tiếp tục làm như vậy trên quy mô ngày càng tăng, Nga và Trung Quốc hoàn toàn không cần một hiệp định liên minh. Những thỏa thuận như vậy được ký kết sau Chiến tranh Thế giới 2 trên thực tế là rất mơ hồ theo quan điểm của các cuộc giao tranh quân sự. Ngay cả trong NATO, thỏa thuận quân sự không phải là một lời hứa “mang lại viện trợ thông qua hành động ngay lập tức sẽ được coi là cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ trang”. Những thỏa thuận như vậy chỉ đóng một vai trò nào đó khi chúng có nội dung thực tế, điều thực sự tồn tại trong hợp tác quân sự Nga-Trung.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi