Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
IS - Khi bóng ma trỗi dậy

3 tháng kể từ khi lực lượng Taliban tiến vào Kabul và hoàn toàn nắm quyền làm chủ Afghanistan, cảnh bình yên vẫn chưa thực sự được vãn hồi trên đất nước đã quá tang thương ấy. Cho dù những cuộc giao tranh giữa Taliban với chính quyền cựu Tổng thống Afghanistan - Hamid Karzai - đã chấm dứt, tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi ám ảnh mang tên Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Những lời thách thức đẫm máu

IS-Khorasan (IS-K) - nhánh IS hoạt động tại Afghanistan - không những không ngại ngần, mà ngược lại, còn liên tục đẩy cao các hoạt động khủng bố, gieo rắc thêm kinh hoàng và bất ổn, khi đất nước Afghanistan dưới sự lãnh đạo của Taliban vẫn còn đang vật vã tìm kiếm và thiết lập một chu trình tái ổn định xã hội.

Tháng 10 vừa qua, một đền thờ Hồi giáo dòng Shiite tại tỉnh Kandahar bị IS-K tiến hành đánh bom liều chết, khiến ít nhất 60 người thiệt mạng cùng hàng trăm người bị thương. Trước đó, IS-K cũng thừa nhận trách nhiệm một vụ đánh bom đền thờ khác ở tỉnh Kunduz - vụ tiến công cũng khiến tới 60 người chết.

IS-K - bóng ma rình rập.

Đầu tháng 11, các tay súng IS-K đột kích Bệnh viện Quân y quốc gia tại Kabul, sát hại ít nhất 19 người và làm bị thương hơn 50 người khác. Mới nhất, ngày 14-11, IS-K tiến hành đánh bom phá hủy một xe bus ở thủ đô Kabul, làm 3 người thiệt mạng, trong đó có nhà báo địa phương nổi tiếng - phóng viên Hamid Seighani, thuộc hãng truyền hình Ariana News.

Trước đó nữa, ít nhất 6 người chết và 7 người bị thương sau khi quả bom từ trường giấu trong chiếc xe tải nhỏ phát nổ tại khu vực có đông người theo dòng Hồi giáo Shi'ite sinh sống ở thủ đô Kabul. Vụ nổ xảy ra ở khu vực Dasht-e Barchi, phía Tây thủ đô Kabul. Khu vực này là nơi sinh sống của phần đông người thiểu số Hazara thuộc dòng Hồi giáo Shi'ite, cộng đồng dân số từng nhiều lần là mục tiêu tấn công của IS.

Chuỗi diễn biến đẫm máu này dường như hoàn toàn trái ngược so với những lời tuyên bố “như đinh đóng cột” của người phát ngôn Taliban - Zabihullah Mujahid - vào ngày 10-11. Ông khẳng định: IS-K “không phải một mối đe dọa lớn” và nhấn mạnh rằng khoảng 600 phần tử ủng hộ IS đã bị bắt kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan giữa tháng 8-2021. Theo ông Mujahid, "không có nhiều phần tử IS tại Afghanistan, bởi chúng không được người dân ủng hộ". Do đó, “mối đe dọa từ IS tại Afghanistan gần như đã được kiểm soát”.

Và dường như, để đáp lại, IS-K không ngừng tiến hành các hoạt động khủng bố, như một lời thách thức, cũng như làm dấy lên những hoài nghi của cộng đồng quốc tế về khả năng bảo đảm an ninh từ những chủ nhân mới của Afghanistan.

Cùng trong khoảng thời gian này, tại Syria, ngày 13-11, theo  Tổ chức Giám sát nhân quyền của Syria (SOHR), đã có ít nhất 13 tay súng Chính phủ Syria thiệt mạng bởi cuộc phục kích của IS tại miền Đông nước này. Vụ tấn công xảy ra tại khu vực Masrib, phía Tây tỉnh Deir Ezzor của Syria trong lúc những tay súng đang đi tuần tra. Theo SOHR, đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria trong 5 tháng qua.

Còn tại Iraq - một trong những lãnh thổ chính mà IS từng chiếm đóng và cũng đã gần như bị quét sạch, ngày 26-10, 11 thường dân ở làng Al-Hawasha, gần thị trấn Muqdadiya đã bị các tay súng IS giết hại bằng súng máy.

IS đã bị đẩy lùi nhưng “đoàn quân cờ đen chết chóc” ấy chưa từng bị tận diệt và vẫn sẵn sàng trỗi dậy vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào thích hợp.

Nhiệm vụ bắt buộc dành cho Taliban

Và môi trường yêu thích của IS nói riêng hay chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung luôn là những bối cảnh hỗn loạn, với nhiều khoảng trống quyền lực cũng như những xung đột lợi ích đan cài. Đặc biệt, chia rẽ và thù hận luôn là những chất xúc tác - những “nguồn dinh dưỡng” vô giá để bóng ma khủng bố hấp thụ và trỗi dậy.

Afghanistan, trong thời điểm hiện tại, là một môi trường như thế, với cả sự xáo trộn mạnh mẽ trong xã hội lẫn những dư âm thù hận đã chồng chất kéo dài 2 thập niên. Kể cả khi Zabihullah Mujahid có nói đúng đi nữa, rằng IS-K không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân thì những diễn biến trong thực tế vẫn chứng minh rằng IS-K đang sở hữu những phương tiện cần thiết để tồn tại.

Vấn đề là, bỏ qua những hiềm khích hay những mối thâm thù cũ giữa Taliban với IS, đầu tiên, Taliban (hoặc bất cứ thế lực chính trị nào khác) cũng không thể chấp nhận việc quyền lực của mình bị thách thức công nhiên như vậy.

Và thứ hai, trên tiến trình tái thiết Afghanistan, Taliban rất cần nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia láng giềng khu vực Trung Á - Tây Nam Á. Tuy nhiên, điều này lại có liên quan mật thiết đến việc kiềm tỏa và đẩy lùi IS, bởi mọi “người hàng xóm” đều lo ngại rằng Taliban sẽ để Afghanistan trở thành một “sào huyệt” mới của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và của IS.

Thí dụ, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, trong cuộc đối thoại an ninh khu vực xoay quanh vấn đề Afghanistan do Ấn Độ chủ trì ngày 10-11, Ấn Độ, Nga, Iran và 5 quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) đều thống nhất ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định một lần nữa: “Lãnh thổ Afghanistan không được phép sử dụng để làm nơi trú ẩn, đào tạo, lập kế hoạch hoặc tài trợ cho các hoạt động khủng bố”.

Những tiếng bom khủng bố vẫn vang lên.

Bên cạnh những quan ngại về tình hình kinh tế - xã hội và nhân đạo ở Afghanistan, bên cạnh những gợi mở về các phương thức hỗ trợ Afghanistan tái thiết nhằm làm dịu đi những đau khổ của người dân, tuyên bố chung của hội nghị này cũng lên án mạnh mẽ tất cả các hoạt động khủng bố và tái khẳng định cam kết vững chắc trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, bao gồm cả việc cung cấp tài chính; đề cập đến yêu cầu phải xóa bỏ cơ sở hạ tầng khủng bố và chống lại tình trạng cực đoan hóa để đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Nói cách khác, Taliban đang có một đất nước Afghanistan suy kiệt trong tay, những viễn cảnh khủng hoảng nhân đạo trước mắt và cả những kẻ thù sẵn sàng phá hoại sự ổn định - như IS-K - rình rập. Để vừa chứng tỏ thiện chí “làm bạn với thế giới” của mình, vừa chứng minh khả năng điều hành đất nước một cách có trách nhiệm và hữu hiệu nhằm làm các nhà đầu tư và các Mạnh Thường Quân nước ngoài yên tâm, Taliban không có lựa chọn nào khác là phải nỗ lực trấn áp bằng được những âm mưu trỗi dậy từ IS-K, bằng chính sở trường quân sự của mình và bằng việc họ cũng hiểu rất rõ IS.

Bởi vậy, rạng sáng ngày 15-11, một chiến dịch quân sự truy quét rầm rộ đã được quân đội Taliban thực hiện. Chiến dịch này nhắm vào các khu vực bị nghi ngờ là nơi ẩn náu của IS-K ở miền Nam Afghanistan, trải rộng trên phạm vi 4 huyện thuộc tỉnh Kandahar. Theo AFP, 4 tay súng IS bị tiêu diệt, 10 phần tử khác bị bắt giữ nhưng cũng đã có 3 dân thường thiệt mạng.

Trước đó một ngày, 14-11, một cuộc diễu binh đã được Taliban tổ chức tại thủ đô Kabul. Cuộc diễu binh này mang thông điệp đánh dấu quá trình chuyển đổi từ một đội quân nổi dậy trở lại là một lực lượng vũ trang thường trực. Một quân đội quốc gia, với sự tham gia của 250 tân binh vừa tốt nghiệp chương trình huấn luyện và với sự  góp mặt của các vũ khí cũng như trang thiết bị được Mỹ cung cấp cho chính quyền cũ (bao gồm cả hàng chục xe bọc thép M117). Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Taliban Enayatullah Khwarazmi, thay vì y phục truyền thống, lực lượng vũ trang mới sẽ được cấp phát quân phục mới - chỉ dấu định danh của mọi quân đội.

Cuộc diễu binh này, ở khía cạnh nào đó, cũng có thể xem là một lời tuyên chiến dành cho cả IS-K lẫn những thế lực tàn dư của chế độ cũ vừa tháo chạy. Taliban vẫn đang phải đối diện với vô vàn khó khăn trong công cuộc ổn định xã hội và tái thiết đất nước. Nhưng, rõ ràng, họ sẽ sẵn sàng tiếp tục cầm súng để xua tan đi những bóng ma.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi