Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Mỹ thám sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép

Ngày 20-5, hải quân Trung Quốc đã 8 lần cảnh báo một máy bay do thám Mỹ phải rời khỏi khu vực xung quanh một loạt các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trên khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hàng loạt động thái gần đây cho thấy hành động từ phía Trung Quốc đã khiến cho quan hệ Mỹ-Trung bước vào giai đoạn căng thẳng mới.

Hải quân Trung Quốc cảnh báo máy bay P-8 của Mỹ
từ bỏ nhiệm vụ trinh sát ở Biển Đông

Máy bay trinh sát Mỹ bị đuổi 8 lần

Phóng viên CNN được phép có mặt trên chuyến bay trinh sát đó đưa tin, chiếc máy bay giám sát thực hiện nhiệm vụ trinh sát để đánh giá việc Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo này, bất chấp sự phản đối của Chính phủ Mỹ. Khi đó, chiếc P-8 Poseidon - máy bay do thám tân tiến nhất của Mỹ với khả năng bay ở tầm thấp nhất 4.500m đang trinh sát tại khu vực trên thì liên tục nhận được thông báo của hải quân Trung Quốc bằng tiếng Anh: “Máy bay quân sự nước ngoài. Đây là hải quân Trung Quốc. Hãy đi khỏi... để tránh sự hiểu lầm”. Phi công của máy bay trinh sát trả lời rằng chiếc máy bay đang hoạt động tại vùng biển quốc tế.


Theo tờ Wall Street Journal, khẳng định này phù hợp với quan điểm chính thức của Chính phủ Mỹ về khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.CNN cho biết, đây là lần đầu tiên Lầu Năm góc giải mật video về hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc cũng như băng ghi âm thách thức từ phía Trung Quốc đối với máy bay Mỹ.


Máy bay do thám của Mỹ trong tuần này đã quay được một số hình ảnh về một trong những hòn đảo nhân tạo đó - Đá Chữ thập (Fiery Cross Reef) hiện giờ có một doanh trại quân đội và một đường băng khổng lồ. “Chúng tôi đã thấy gia tăng những hoạt động gần đây và có vẻ như họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự”, Đại tá Mike Parker, chỉ huy máy bay do thám của Mỹ ở châu Á nói.


Trả lời hãng tin Foxnews hôm 19-5, một số chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các dự án cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. “Đây là mối quan ngại lớn, bởi Biển Đông là tuyến đường biển huyết mạch của thương mại thế giới, mỗi năm có lượng hàng hóa trị giá 5,3 nghìn tỷ USD quá cảnh qua đây…Hành động của Trung Quốc rõ ràng là một nỗ lực nhằm thiết lập sự thống trị trên toàn bộ tuyến đường biển quan trọng này”, ông Dean Cheng, một nhà nghiên cứu cao cấp của Heritage Foundation cho biết.

Dấu hiệu đối đầu mới

Hàng loạt những động thái gần đây như Hoa Kỳ đang xem xét khả năng điều tàu hải quân và máy bay để tuần tra trên Biển Đông hay nhiều quan chức Mỹ lên tiếng đòi Trung Quốc làm rõ việc bồi đắp, xây dựng ráo riết các bãi đá trên vùng biển này là minh chứng cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới. Trong đó, một xu hướng mới nổi lên là trào lưu chống Trung Quốc trên nhiều “kênh”, từ chính phủ, giới học giả, chính khách đến giới quân sự Mỹ.

Trên The Diplomat, Phó Giáo sư Dingding Chen của Đại học Macau, thành viên Viện Chính sách công toàn cầu (GPPi) Berlin, Đức đã chỉ rõ 3 khía cạnh nổi bật của trào lưu đó. Thứ nhất, đó là lý thuyết mới về “Trung Quốc sụp đổ”, bày tỏ thất vọng bởi một loạt động thái trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc gần đây, cùng với đó là vấn đề bất ổn trong nước như bất bình xã hội, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng, tham nhũng… Thứ hai, gần đây dư luận bức xúc về việc Trung Quốc giống như một “kẻ bắt nạt” trong khu vực và đang cố gắng đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Đông Á. Thứ ba là lý thuyết “trừng phạt Trung Quốc”, thậm chí, có những tiếng nói cực đoan kêu gọi “diễn biến hòa bình” đối với Trung Quốc. 

Theo dõi mọi động thái từ phía Trung Quốc, nhà chức trách Mỹ thấy rằng, ngay cả khi áp lực của Mỹ gia tăng, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh sức mạnh quân sự của mình và cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước có thể xảy ra. Ông Chris Griffin, Giám đốc điều hành của Sáng kiến Chính sách Ngoại giao nhắc lại, năm 2013, Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông làm thổi bùng lên căng thẳng trong khu vực. “Để đáp lại, Mỹ cho máy bay B-52 bay qua để chỉ cho họ thấy, chúng ta không coi những tuyên bố đó là hợp pháp”. Điều này, theo ông Griffin, có thể là những phản ứng của Mỹ trong những tuần tới trên khu vực Biển Đông.

Trích nguồn: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè