Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Những giả thuyết về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Nga

Chiếc máy bay Airbus A321 của Hãng hàng không Nga Kogalymavia (thương hiệu Metrojet) hôm 31-10 đã rơi xuống vùng đồi núi hoang vắng ở miền Trung Sinai, Ai Cập khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng. Trong quá trình điều tra nguyên nhân dẫn tới thảm họa đau đớn này, giới chuyên gia đã đưa ra những giả thuyết là do IS bắn hạ, do lỗi kỹ thuật hoặc do máy bay bị cài bom...

Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công máy bay?

Phía bắc bán đảo Sinai, nơi máy bay của hãng Kogalymavia rơi, vốn là vùng mà phiến quân Hồi giáo hoành hành suốt hai năm qua. Những nhóm chiến binh thân IS cũng từng phát động nhiều cuộc tấn công đẫm máu khiến hàng trăm binh sĩ chính phủ thiệt mạng. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, trong một thông điệp được tải lên mạng hôm 31-10, nhóm Vilayat Sinai, một nhánh của IS ở Sinai đã khẳng định bắn rơi chiếc máy bay của Hãng hàng không Kogalymavia. Nhóm IS này cũng tải lên mạng một đoạn video cho thấy một vật thể lớn giống máy bay đang bốc cháy và lao xuống từ bầu trời, tạo ra một vệt khói dài đen ngòm.

Thủ tướng Ai Cập cùng đoàn giới chức chính phủ và quân sự quan sát hộp đen máy bay gặp nạn đã được thu thập.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây là khả năng khó có thể xảy ra nhất bởi IS hầu như không đủ trang bị để có thể bắn hạ một chiếc máy bay đang bay ở độ cao 9.500m. Theo RT, dù cho nhóm Vilayat Sinai có trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không xách tay, thì loại vũ khí này không thể dùng để bắn rơi chiếc máy bay A321 ở độ cao này. AFP dẫn lời ông G.Phen-dơ (Gerard Feldzer), cựu Giám đốc Bảo tàng Hàng không và Không gian Pháp nhận định, để bắn hạ được một máy bay bay ở độ cao đó, IS phải có hệ thống ra-đa theo dõi và tên lửa tầm xa, nhưng chúng không có cả hai.

Ngay cả giả thuyết rằng chiếc máy bay Nga bị bắn bởi tên lửa khi bay ở tầm thấp cũng bị các chuyên gia bác bỏ, bởi họ cho rằng, kể cả nếu muốn làm việc này thì cũng phải chuẩn bị cực kỳ kỹ càng.

Giới chức Ai Cập và Nga cũng đều phủ nhận giả thuyết tổ chức khủng bố bắn phi cơ. AFP dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Nga M.Xô-cô-lốp (Maksim Sokolov) cho biết: “Thông tin mà IS đưa ra không thể coi là chính xác. Chúng tôi giữ liên lạc chặt chẽ với các đồng nghiệp Ai Cập và giới chức hàng không nước này. Tại thời điểm này, không có thông tin nào có thể chứng minh về khả năng này”.

Bên cạnh đó, Báo Independent cho biết, các chuyên gia nhanh chóng xác định đoạn video mà IS công bố là sản phẩm giả mạo. Thủ tướng Ai Cập Sê-ríp I-xmai (Sherif Ismail) ngày 1-11 cũng bác bỏ tuyên bố của các tay súng IS và cho rằng lỗi kỹ thuật có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

Gặp lỗi kỹ thuật

Một quan chức của cơ quan kiểm soát không lưu Ai Cập tiết lộ, cơ trưởng máy bay Nga đã phàn nàn về thiết bị thông tin liên lạc với mặt đất trên máy bay gặp sự cố. Trong khi đó, theo AP, trả lời phỏng vấn đài NTV (Nga), bà N.Tru-kha-che-va (Natalya Trukhacheva), vợ của Cơ phó X.Tru-ca-chép (Sergei Trukachev) cho hay, chồng của bà trước chuyến bay đã phàn nàn về tình trạng máy bay không tốt như mong đợi.

Hãng Kogalymavia sở hữu và khai thác chiếc máy bay bị tai nạn cho hay, chiếc Airbus A321 gặp nạn đã được kiểm tra an toàn hồi năm 2014 và cơ quan hàng không dân dụng Nga Rosaviatsia cho hay “không có lý do gì để xem nguyên nhân vụ rơi máy bay là do sự cố kỹ thuật hoặc sai sót của phi hành đoàn”. Ngoài ra, trang Sky News nhận định dòng máy bay A321 có mức an toàn cao. Trang Airsafe cho biết, tỷ lệ tai nạn của A321 là 0,1 trên một triệu chuyến bay.

Trang Interfax dẫn lời Người phát ngôn Công ty TH&C, đơn vị hợp tác với Hãng hàng không Kogalymavia, nhận định sơ suất của con người không phải là nguyên nhân. "Chúng tôi có máy bay dòng an toàn, phi hành đoàn kinh nghiệm. Do vậy nguyên nhân tai nạn vẫn là ẩn số. Cơ trưởng trên chuyến bay, ông V.Ne-mốp (Valery Nemov), đã có hơn 12.000 giờ bay, bao gồm 3.860 giờ bay với máy bay Airbus A321", Người phát ngôn công ty nói.

Theo thông cáo của hãng Kogalymavia, vào thời điểm xảy ra vụ rơi máy bay thì thời tiết tốt.

Máy bay bị khủng bố?

L.A-ben (Les Abend), Cơ trưởng kỳ cựu từng điều khiển Boeing 777 hơn 30 năm, nhấn mạnh rằng rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn hàng không. Theo ông, chiếc Airbus A321 đã đạt độ cao ổn định sau khi cất cánh 20 phút và bất ngờ biến mất khỏi bầu trời là điều bất thường. "Do không có nhiều thông tin về những phút cuối trên máy bay nên tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng chắc chắn một sự cố rất nghiêm trọng đã xảy ra", A-ben nói với CNN.

Chuyên gia A-ben cho rằng, máy bay có thể rơi vào tình huống dừng đột ngột. Lúc này, tốc độ bay ở bộ phận cánh giảm xuống mức thấp khiến không khí không thể nâng máy bay. Máy bay sẽ mất độ cao khá lớn trong quá trình phục hồi.

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là, vì sao một máy bay lại rơi vào tình trạng ngừng đột ngột? "Liệu đây là sự cố kỹ thuật, hay sự cố bất thường khác nào xảy ra khiến phi hành đoàn phân tâm và không chú ý đến điều kiện bay không an toàn, hay là sự kết hợp của cả hai hoàn cảnh?", ông A-ben nghi vấn.

“Chúng ta không thể loại trừ khả năng máy bay Nga bị tấn công khủng bố”, một chuyên gia quân sự giấu tên cho AFP hay. “Với giả thuyết bom được cài trên máy bay, nếu quả bom, dù lớn hay nhỏ, phát nổ ở độ cao 10.000m, máy bay sẽ tan tành vì áp suất cao”, chuyên gia này nói. Ngoài ra, cũng theo chuyên gia quân sự này, “có một giả thuyết khác là một người nào đó có thể khống chế, buộc phi công hạ độ cao đột ngột cũng có thể khiến động cơ máy bay phát nổ”.

Liên quan đến vụ máy bay Nga rơi, theo thông tin mới nhất, giới chức Ai Cập ngày 1-11 cho biết, hiện cả hai chiếc hộp đen chứa dữ liệu về chuyến bay của chiếc máy bay Nga rơi tại Ai Cập đã được tìm thấy với tình trạng hư hại nhẹ và các chuyên gia đang giải mã thông tin. Lực lượng an ninh Ai Cập cũng cho biết, vị trí của các thi thể cũng như những gì thu thập được tại hiện trường cho thấy, máy bay không bị nổ trên không.

Trích nguồn: Báo QĐND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

Gửi cho bạn bè