Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Rubicon – Vụ trộm tình báo thành công nhất thế kỷ 20

Những tiết lộ gần đây của mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tình báo Tây Đức và Mỹ thường được gọi chung là Chiến dịch Rubicon đã dẫn tới việc tái đánh giá toàn bộ nhận thức về những hoạt động tình báo trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dẫn lời giải thích của Tiến sĩ (TS) Melina Dobson, TS Jason Dymydiuk và bà Sarah Mainwaring của Đại học Warwick (Anh).

Chiến dịch Rubicon là một trong những hợp tác tình báo tín hiệu thành công nhất, lâu nhất và lớn nhất của thời Chiến tranh Lạnh. Thỏa thuận mua nhà sản xuất máy mã Crypto AG (có tên mã là Minerva), được nhất trí và được tiến hành trong bí mật tuyệt đối. 

Được kích hoạt thông qua các trung gian mà chi tiết về chủ sở hữu mới của Crypto AG đã được giấu kín và chỉ một vài cá nhân được biết bao gồm các nhân viên chóp bu của hãng này. Vụ mua bán bí mật cũng cho phép CIA lẫn BND giữ kín danh mục khách hàng toàn cầu trải rộng của hãng, và đây sẽ là một thành phần quan trọng làm nên thành công của họ.

Crypto AG đã bán các thiết bị cho hơn 60 quốc gia trên thế giới bao gồm Argentina, Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Ý, Iran và Libya. Khi lọt vào tay liên danh CIA và BND rõ ràng các sản phẩm của Crypto AG đã bị thao túng. Dưới tên mã Chiến dịch Rubicon, 2 cơ quan tình báo đã tạo ra một cơ chế không an toàn cho các máy mã của họ mà chỉ có thể được đọc bởi tình báo Mỹ và Đức.

Boris Hagelin, nhà phát minh máy mã hóa người Thụy Sỹ, là sáng lập viên của hãng Crypto AG. Ảnh nguồn: Crypto Museum.

Liên kết “2 người bạn”

Rubicon được xem là một hoạt động tình báo đặc biệt thành công. Các tài liệu lịch sử của CIA và BND đã được phanh phui bởi các nhà báo và học giả mô tả rằng làm thế nào mà hoạt động này cho phép các nhà lập kế hoạch chính sách được tiếp xúc dữ liệu liên lạc nhạy cảm cao của đối thủ trong suốt nhiều thập niên. 

Nhiều sự kiện Chiến tranh Lạnh quan trọng đã bị ảnh hưởng bởi thông tin liên lạc được thu thập thông qua các máy mã Crypto AG, bao gồm Khủng hoảng kênh đào Suez (năm 1956), Hiệp định hòa bình Trại David (năm 1978), Khủng hoảng con tin Iran (năm 1979), Vụ đánh bom vũ trường La Belle ở Berlin (năm 1986) và nhiều sự kiện khác. Khi các sự kiện diễn ra trên bình diện quốc tế, giới chức Mỹ và Đức đã ngồi lại, ung dung thu hoạch chiến lợi phẩm.

Kiến thức về mối quan hệ đối tác CIA-BND đã đặt ra một sự thách thức đối với những khái niệm cốt lõi trong nghiên cứu tình báo. Chúng ta thường mãi liên tưởng CIA với các “hoạt động tình báo đứng sau lằn ranh kẻ thù”, tiến hành che đậy các hành vi và thu thập thông tin tình báo con người (Humint) ở hải ngoại, đồng nghĩa là đã hiểu sai về CIA khi cơ quan này còn liên quan đến các hoạt động tình báo tín hiệu (Sigint). 

Đọc về lịch sử Chiến tranh Lạnh, chúng ta sẽ biết thêm nhiều câu chuyện về các hoạt động mà Mỹ và Anh đã làm trong thời gian đó. Nhưng, thông tin về Rubicon có khiến chúng ta đánh giá thấp về tầm quan trọng và chuyên môn của người Đức không? Liệu CHLB Đức lúc bấy giờ có tích cực và gây ảnh hưởng nhiều tới trò chơi gián điệp hay không?

Hoạt động này được bắt đầu như một sự dàn xếp không chính thức giữa 2 người bạn là Boris Hagelin (nhà sáng lập Crypto AG) và William Friedman (một nhà mật mã học của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, NSA). 

Năm 1953, 2 ông Hagelin và Friedman đã nhất trí bán nhỏ giọt các sản phẩm bảo mật cho “những quốc gia thân thiện”. Tất cả những chiếc máy khác được bán ra đều được tình báo Mỹ “đọc làu”. Vì lẽ đó mà vô hình trung máy mã đã làm kiện toàn sự thống trị của các cường quốc phương Tây. 

Nổi tiếng với tên gọi “Hiệp định của các quý ông” khi mà nó không phải là một thỏa thuận được ký chính thức, thỏa thuận đã tồn tại xuyên suốt thập niên 1950. Sự thành công của nó ngày một hạn chế khi xảy ra mối quan hệ căng thẳng giữa NSA và Boris Hagelin.

NSA không sẵn lòng chia sẻ các thông tin cần thiết với Hagelin và Hagelin cũng trở nên mệt mỏi với những giới hạn mà họ tự đặt ra và nó quay ngược lại làm trì trệ việc bán sản phẩm của ông. Cuối cùng, cuối thập niên 1950, NSA đã ngừng quan hệ với Hagelin. 

Sau một thập kỷ đàm phán và một thỏa thuận cấp phép kéo dài 5 năm giữa CIA và Crypto AG. Năm 1969, các cuộc đàm phán ở Washington DC giữa NSA và một nhân vật tình báo “máu mặt” của Đức là Wilhelm Going đã làm kích hoạt việc mua chung Crypto AG của BND và CIA.

Thiết bị máy mã hóa đầu tiên của Boris Hagelin. Ảnh nguồn: Google Arts & Culture.

“Phù thủy" Langley

Mối bận tâm của CIA đối với tình báo liên lạc có lẽ là ít được hiểu nhất trong tất cả các hoạt động này. “Phù thủy" Langley là biệt danh cho những ai đang làm việc về đổi mới công nghệ tại Tổng hành dinh CIA ở Langley (tiểu bang Virginia). 

Suốt hàng thập niên, các "phù thủy” đã đeo đuổi những lối đi mới mẻ nhằm sử dụng khoa học và công nghệ có lợi cho họ, cấy rệp gián điệp vào các đại sứ quán nước ngoài và tạo ra một đường hầm bí mật vào nội đô Berlin. 

Mua một công ty như Crypto AG sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn. Sở hữu Crypto AG, Langley có thể bán những chiếc máy kém bảo mật hơn cho các quốc gia quan tâm nó trên khắp thế giới. 

Bán những chiếc máy chệch choạc cho các chính phủ ở Trung Đông, Mỹ Latin và Châu Phi, Chiến dịch Rubicon đã bí mật tạo ra một hệ phân cấp an ninh, bảo vệ Bắc Địa Cầu, trong khi biến Nam Địa Cầu thành một mục tiêu tình báo quan trọng.

Buổi ban đầu, CIA và NSA bất đồng trong việc mua hãng Crypto AG. NSA tin chắc rằng những khách hàng của Crypto AG đang sử dụng những cách xử lý nghèo nàn và có thể làm suy yếu khả năng liên lạc của họ. 

NSA mở ra một cánh cửa cho một liên danh tiềm năng Đức – Pháp mua lại Crypto AG. Tuy nhiên, CIA đã nhận ra trái ngọt trong tương lai nếu mua thành công Crypto AG thì vấn đề bảo mật liên lạc sẽ nhanh chóng được cải thiện. NSA đã được thuyết phục để đảm nhận vai trò kỹ thuật đằng sau cánh gà, và cả 2 cơ quan tình báo Mỹ cùng nhất trí rằng không để cho người Pháp nhúng tay vào. 

Sau đó, Mỹ và Đức cùng nhất trí ký kết giao dịch mua Crypto AG. Chiến dịch Rubicon về cơ bản là quan hệ đối tác giữa CIA và BND. Tuy vậy, những hoạt động của nó cũng thường được hưởng lợi từ chuyên môn kỹ thuật của NSA và Motorola cũng như các công ty đặt tại Châu Âu như Siemens.

Mục tiêu đầu tiên của CIA-BND là đặt những điểm yếu kém vào cơ chế bảo mật của những chiếc máy mã Crypto AG. Thao tác này ngầm hiểu rằng các liên lạc do những chiếc máy này tạo ra sẽ khiến cho CIA và BND truy cập vào dễ dàng. 

Sau hết thảy, các khách hàng của Crypto AG đã bị đánh lừa khi thư từ của mình bị kẻ khác đọc trộm. Và khi nỗi hoài nghi tăng lên, Crypto AG nhanh chóng che đậy vấn đề hoặc bán cho khách hàng sản phẩm được nâng cấp. Ngay cả những chiếc máy mã mới cũng chẳng tốt hơn máy cũ là bao, mặc dầu vậy chúng cũng làm giảm bớt âu lo từ phía những người dùng dịch vụ. 

Khi xem xét một loạt các quốc gia là khách hàng của Crypto AG, người ta không thể không đặt câu hỏi: liệu Mỹ và Đức biết bao nhiêu hoạt động của những quốc gia này, hoặc các âm mưu ám sát trước khi chúng diễn ra?

Mặt khác hãy nói về vấn đề đạo đức. Nhà nước và hoạt động gián điệp nhà nước không phải là hiện tượng mới mẻ gì. Hầu hết các hoạt động cơ quan tình báo được xem là chính đáng dưới chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia. 

Tuy nhiên, Chiến dịch Rubicon cũng chặn hẳn sự ngờ vực từ phía các nhân viên Crypto AG (những người thường xuyên phải đến các quốc gia khách hàng để duy tu bảo dưỡng hoặc đổi máy, và họ thường không mảy may hay biết chút gì về mối đe dọa tiềm tàng mà họ có thể đối mặt với nước nào đó chợt phát giác ra hành vi gian dối của Crypto AG). 

Minh chứng là trường hợp của Hans Bühler (một nhân viên kinh doanh của Crypto AG) đã đến Tehran (Iran) để bảo trì sản phẩm. Phía Iran bắt đầu hoài nghi máy móc của Hagelin và đã bắt giam Bühler suốt 9 tháng, trong khi ông liên tục bị thẩm vấn.

Đại bản doanh của nhà sản xuất máy mã Crypto AG của Thụy Sỹ. Ảnh nguồn: Liechsteinteiner Vaterland.

Những miếng bánh béo bở

Về phía CIA, quản lý dự án là khâu rất quan trọng. CIA đã gửi các quan chức đến Thụy Sỹ, tại đó họ sẽ tiến hành một giàn hợp xướng gồm nhiều điệp viên, nhân viên đánh lừa Crypto AG và quan chức chính phủ trên khắp toàn cầu rằng liên lạc của họ là an toàn. 

Đồng thời CIA cung cấp một luồng thiết kế mã hóa mới cho Crypto AG, những hệ thống cập nhật để đảm bảo Chiến dịch Rubicon thành công rực rỡ. Sự tham gia của ngành công nghiệp tư nhân cũng khiến giới học giả trăn trở. 

Nhiều nhân viên dân sự chủ chốt tại Crypto AG cũng từ hãng Siemens chuyển qua. Hãng công nghệ Đức này cung cấp các thiết kế để đặt và giấu thao tác trên các thiết bị. Mặc dù từng có quá khứ đen tối, Siemens vẫn là nhà tiên phong viễn thông được kính trọng trong thập niên 1950, công ty này có mối quan hệ đặc biệt với tình báo BND.

Chuyên môn cao của Siemens cũng giúp cho quy trình sản xuất ở Crypto AG cả trước và trong thời gian diễn ra Chiến dịch Rubicon. Nhưng không phải Siemens mới có quan hệ chặt chẽ với BND, mà các hãng như AEG Telefunken, ANT, Rohde & Schwarz (R&S) và Tele Security Timmann (TST) cũng đều phát triển công nghệ mã hóa và đều do BND kiểm soát. 

Sự thực này đã cho thấy mối quan hệ quan trọng đến thế nào giữa các cơ quan tình báo và các đại công ty, cũng như tầm quan trọng của nước Đức đối với các thành tựu mật mã. Những hoạt động tình báo Đức đã thách thức khái niệm về tình báo tín hiệu trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh vốn mọc rễ ở Mỹ với NSA hoặc GCHQ ở Anh. 

Bên cạnh đó, một thời gian dài trước khi Edward Snowden công bố tài liệu về các công ty hiện đại quan hệ với những cơ quan tình báo thì trong bài này là một minh chứng cho các mối quan hệ mật đã có trong quá khứ. Ở đây là hai câu hỏi liệu các công ty công nghệ ngày hôm nay có tách biệt với tình báo hay không? Và những sản phẩm công nghệ mà chúng ta đang dùng hiện nay có chứa phần mềm gián điệp hay không?

Việc Đức rời khỏi Rubicon vào năm 1994 là biểu tượng cho sự thay đổi trong chiến lược và hình ảnh của nước Đức. Không còn bị chia rẽ và Đức bây giờ là một phần của tập thể Châu Âu, Đức muốn thuộc về EU và cắt đứt liên hệ với những liên quan dính tới đạo đức. 

Thêm nữa, BND không thể và không sẵn lòng sản xuất ra ngân sách mà Crypto AG cần để tiếp tục hoạt động doanh nghiệp. Sau vụ Hans Bühler, BND liền bán cổ phần Crypto AG cho CIA. CIA duy trì Crypto AG và tiếp tục bán lại nó vào năm 2018. 

Trong khi báo chí suy đoán về những liên kết giữa Crypto AG với NSA và cách đối xử với Hans Bühler, thì “các phù thủy Langley” vẫn điềm nhiên yên lặng, tiếp tục hưởng các lợi ích từ hoạt động tình báo mật.

 Khi những mối đe dọa khủng bố len lỏi vào các chương trình nghị sự chính trị ở Washington thì việc tiếp cận liên lạc trên khắp Nam Địa Cầu vẫn rất quan trọng, cung cấp quyền truy cập vào một số khu vực khó tiếp cận nhất thế giới.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi