Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thế giới tuần qua (5 – 11/1/2015): Rung động trước những vụ khủng bố đẫm máu

Tuần qua (5 – 11/1), trong khi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng vẫn tiếp tục hoạt động, lực lượng cực đoan Boko Hara ngày càng nguy hiểm,… thì những vụ tấn công khủng bố tại Pháp đã làm chấn động không chỉ nước Pháp, châu Âu mà còn khiến cả thế giới bàng hoàng và phẫn nộ.

Mối đe dọa khủng bố vẫn tiếp tục hiện hữu

* Chỉ trong vòng 3 ngày, nước Pháp đã phải chấn động trước sức ép của hai vụ khủng bố, bắt cóc con tin tàn ác và đẫm máu.

Nhân viên cứu hỏa chuyển người bị thương ra khỏi hiện trường (Ảnh: AFP)

Vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo: Ngày 7/1, một nhóm kẻ lạ mặt mặc đồ đen, đội mũ trùm kín đầu, cầm súng tiểu liên xông vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris và bắn chết 12 người, làm bị thương 11 người. Vụ việc diễn ra chỉ trong khoảng 5 phút. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Pháp trong hơn một nửa thế kỷ qua. Tổng thống Francois Hollande ngay sau đó có mặt tại hiện trường, ông gọi đây là một vụ việc "đặc biệt man rợ". Vụ tấn công này đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức phẫn nộ. Lãnh đạo của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cùng đồng loạt tuyên bố lên án mạnh mẽ cuộc tấn công và nhanh chóng đưa các thủ phạm ra trước công lý.

Cảnh sát Pháp xác định 3 nghi phạm gồm: anh em Cherif Kouachi (32 tuổi), Said Kouachi (34 tuổi) và Mourad Hamyd (18 tuổi). Nghi phạm Hamyd sau đó ra đầu thú tại đồn cảnh sát. Ngay sau đó, cảnh sát Pháp đã mở chiến dịch truy lùng khi hai anh em nghi phạm Kouachi bỏ trốn và gây ra vụ cướp tại một trạm xăng trên đường đi của chúng. Sáng 9/1, sau một vụ đấu súng với cảnh sát, hai anh em nhà Kouachi đã chạy vào một xưởng in nhỏ ở thị trấn Dammartin-en-Goele, Đông Bắc Paris. Chúng bắt cóc một con tin và cố thủ tại đây.

Vụ khủng bố tại siêu thị: Sáng 8/1, một nhóm khủng bố khác đã xả súng giết chết một nữ cảnh sát tại Porte de Chatillon, phía Nam Paris. Trưa 9/1, hai tên khủng bố này lại bắt giữ nhiều con tin tại một siêu thị phía Đông Paris. Cảnh sát xác nhận đó là Coulibaly cùng nữ đồng phạm Hayat Boumddiene. Tên Coulibaly đe dọa sẽ giết các con tin nếu cảnh sát tấn công anh em nhà Kouachi.

Trước diễn biến bạo lực vô cùng nghiêm trọng này, tối 9/1, lực lượng cảnh sát Pháp đã triển khai một chiến dịch đột kích gần như đồng thời tại 2 địa điểm. Lực lượng đặc nhiệm Pháp đột kích vào khu công nghiệp và bắn chết hai kẻ khủng bố. Sau đó vài phút, tại Paris, cảnh sát đã tấn công siêu thị, bắn chết một tên khủng bố. Lúc này, 4 con tin đã thiệt mạng, còn nữ khủng bố Hayat Boumddiene đã trốn thoát. Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sau khi kết thúc chiến dịch giải cứu hai vụ bắt giữ con tin, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố rằng nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh và khẳng định “sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ người dân.

Ngày 9/1, nhóm giám sát SITE cho biết Harith al-Nadhari, một nhân vật cấp cao chuyên trách lĩnh vực luật Hồi giáo của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda trên Bán đảo Arab (AQAP) tại Yemen, đã đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới tại Pháp tiếp sau các vụ tấn công nhằm vào tòa báo Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái ở Paris.

Ngày 10/1, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố nước này duy trì cảnh báo an ninh ở mức cao nhất tại khu vực Paris, đồng thời kêu gọi người dân "hết sức cảnh giác". Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết Pháp sẽ triển khai bổ sung 500 quân nhân tại khu vực Paris mở rộng, gồm thủ đô và các vùng lân cận, để bảo đảm an ninh.

Trong khi đó, ngày 10/1, khoảng 700.000 người đã tiếp tục đổ ra các tuyến phố của nước Pháp để tưởng niệm 17 người bị sát hại trong 3 ngày diễn ra các vụ khủng bố ở thủ đô Paris. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, người dân cũng xuống đường tuần hành để lên án các vụ tấn công khủng bố đẫm máu và tưởng nhớ các nạn nhân đã bị sát hại.

Sau các vụ tấn công xảy ra ở nước Pháp, nhiều quốc gia châu Âu đã ngay lập tức triển khai các kế hoạch an ninh khẩn cấp để chống khủng bố. Ngoài ra, ngày 9/1, chỉ vài giờ sau khi cảnh sát Pháp tiêu diệt 3 kẻ bắt giữ con tin, Mỹ cũng đã ban bố cảnh báo đi lại trên quy mô toàn cầu.

* Ngày 7/1, ít nhất 37 thanh niên tập trung trước học viên cảnh sát ở thủ đô Sanaa đã bị thiệt mạng trong vụ nổ chiếc xe hơi gài bom, một vụ tấn công cho thấy tình hình bất ổn đang ngày càng leo thang tại Yemen. Vụ nổ bom được tiến hành vào những giờ đầu của buổi sáng, nhằm vào hàng trăm thanh niên trẻ tuổi đang xếp hàng bên ngoài học viện cảnh sát để nộp hồ sơ đăng ký của họ.

* Ngày 9/1, Tổ chức Ân xá Quốc tế thông báo cho biết nhóm cực đoan Boko Haram đã tiến hành một cuộc tấn công có thể là “vụ thảm sát tồi tệ nhất” từng diễn ra. Cuộc tấn công đã bắt đầu vào ngày 6/1 và kết thúc ngày 9/1, nhằm vào Baga và 16 ngôi làng xung quanh. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chưa bao giờ xuất hiện một cuộc tấn công như vậy kể từ khi xuất hiện nhóm cực đoan Boko Haram cách đây 5 năm: hàng trăm thi thể, “quá nhiều không thể đếm được” nằm rải rác trong các bụi cây của Nigeria sau một cuộc tấn công nhằm vào thành phố Baga dọc theo biên giới với TChad.

* Ngày 10/1, cảnh sát Nigeria cho biết một vụ đánh bom liều chết vừa xảy ra ở thành phố Maiduguri, thủ phủ bang Borno, miền Đông Bắc nước này làm 20 người thiệt mạng và 18 người bị thương.

* Ngày 10/1, một vụ đánh bom liều chết xảy ra tại một quán cà phê ở thành phố Tripoli miền Bắc Lebanon làm ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Mặt trận Al Nusra Front đang tham chiến chống quân đội chính phủ ở Syria tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Đây là vụ bạo lực mới nhất ở khu vực này minh chứng cho những ảnh hưởng của cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria.

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay số hiệu QZ 8501 của Air Asia mất tích

Phần đuôi của chiếc máy bay AirAsia bị đâm xuống biển Java đã được
nâng lên khỏi mặt nước (Ảnh; Reuters)

Chiếc máy bay Airbus A320-200 của hãng hàng không AirAsia thực hiện chuyến bay số hiệu QZ8501, chở 162 người từ khu vực Surabaya của Indonesia đến Singapore đã bị mất tích ngày 28/12/2014 trong điều kiện thời tiết có bão. Tất cả những người trên máy bay đã thiệt mạng trong tai nạn này. Cho đến nay đã có 48 thi thể nạn nhân được trục vớt, trong đó 27 người đã được nhận dạng

Ngày 6/1, Bộ Giao thông Indonesia cho biết trong quá trình điều tra vụ máy bay mang số hiệu QZ8501 của AirAsia bị rơi vừa qua, Bộ đã phát hiện chuyến bay QZ8501 không được cấp phép bay từ Surabaya, Indonesia, sang Singapore vào ngày xảy ra tai nạn. Bộ Giao thông Indonesia đã có biện pháp xử lý những người liên quan. 2 quan chức cấp Bộ và 5 nhân viên của sân bay Surabaya đã bị đình chỉ công tác vì đã để chuyến bay này cất cánh trái phép. Những người khác đang bị điều tra. Tất cả các chuyến bay của AirAsia trên hành trình này trước mắt cũng đã bị hủy.

Trong khi đó, ngày 7/1, tờ New Straits Times của Malaysia dẫn nguồn tin cho biết hãng hàng không AirAsia đã đưa ra lời đề nghị bồi thường ban đầu cho các nạn nhân của vụ QZ8501 số tiền 84.900 RM (24.000 USD).

Ngày 8/1, hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết nguyên nhân của vụ QZ8501 của hãng hàng không AirAsia cần phải được làm sáng tỏ vì sự an toàn của ngành công nghiệp này trong tương lai.

Ngày 10/1, phần đuôi của chiếc máy bay AirAsia rơi, được tìm thấy ở sâu dưới mặt nước 30m, đã được nâng lên khỏi mặt nước và được đưa lên một chiếc tàu bằng khinh khí cầu và một cần trục. Phát ngôn viên của Hải quân Indonesia Manahan Simorangkir cho biết: "Chúng tôi đã nhấc phần đuôi máy bay lên tàu. Phần máy bay này có hai màu đỏ – trắng, trên bề mặt có một phần lớn logo của hãng AirAsia". Đây là phần lớn nhất của chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 được tìm thấy cho tới nay và có thể hé lộ lý do tại sao xảy ra vụ tai nạn. Tuy nhiên giám đốc Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia S.B Supriyadi cho biết các hộp đen, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải thích nguyên nhân xảy ra thảm họa vì nó có chứa những lời nói sau cùng của các phi công cũng như nhiều dữ liệu về chuyến bay, có khả năng đã bị rơi ra khỏi đuôi.

Những bước khởi đầu mới trong năm 2015

* Ngày 8/1, phát biểu trong phiên họp không chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ trong năm 2014, nhiều điểm nóng xung đột đã bùng phát tại nhiều khu vực trên thế giới đòi hỏi những nỗ lực bảo đảm an ninh và hòa bình trên toàn cầu. Ông Ban Ki-moon đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề phát triển, hòa bình và quyền con người trên thế giới trong thế kỷ thứ 21: “Chúng ta có thể nhìn thấy các hành động khủng bố, sự tàn bạo và gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng và trong xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Giải quyết được các vấn đề bất đồng thay vì làm gia tăng chúng lên sẽ là bài toán lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ thứ 21”. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông trong năm 2015 là đối phó với dịch bệnh Ebola và giải quyết xung đột tại các điểm nóng trên thế giới như Syria, Nam Sudan, Liybia và nhiều khu vực khác trên thế giới.

* Ngày 8/1, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã chỉ định ông Modibo Keita làm Thủ tướng mới của nước này. Theo sắc lệnh của Tổng thống, ông Modibo Keita sẽ thay thế ông Moussa Mara và nội các vừa từ chức vào sáng cùng ngày. Như vậy, Thủ tướng Moussa Mara đã rời nhiệm sở chỉ sau 8 tháng cầm quyền.

* Ngày 9/1, ông Maithripala Sirisena đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn diễn ra trước đó một ngày. Phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Sirisena cam kết sẽ cải thiện mối quan hệ của Sri Lanka với cộng đồng quốc tế nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân.

* Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Mỹ Latin, bà Roberta Jacobson sẽ thăm Cuba trong hai ngày 21 và 22/1 để đồng chủ trì cuộc đàm phán đầu tiên với các đồng nghiệp Cuba về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm và các cuộc đàm phán này vốn được lên kế hoạch chuyên về vấn đề người nhập cư, nhưng nay được mở rộng sang cả các bước đi cụ thể để bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này. Chương trình nghị sự cụ thể của cuộc đàm phán vẫn đang được hai bên thảo luận, nhưng chắc chắn trong đó có vấn đề mở lại Đại sứ quán ở thủ đô hai nước.

Một số tin tức đáng chú ý khác

* Sáng 7/1, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 36 năm ngày chiến thắng lịch sử 7/1 (7/1/1979 – 7/1/2015) – ngày lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ – tại trụ sở trung ương ở Phnom Penh với sự tham dự của khoảng 10.000 người, bao gồm đại diện các cấp của đảng và các tầng lớp nhân dân thủ đô cũng như các tỉnh lân cận.

* Ngày 8/1, ông Oleg Voronov, Phó Giám đốc Trung tâm quốc gia về quản lý khủng hoảng thuộc Bộ Tình trạng Khẩn cấp LB Nga thông báo Nga đã chuyển thêm 700 tấn hàng cứu trợ nhân đạo tới miền Đông Ukraine. Theo đó, đoàn xe hơn 60 xe tải của Bộ Tình trạng Khẩn cấp LB Nga đã mang hàng viện trợ nhân đạo đến các tỉnh Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine.

* Ngày 8/1, giới chức Mỹ cho biết vòng đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, từ ngày 15 – 17/1. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng thường trực Wendy Sherman, người dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ trong hơn 2 năm qua, sẽ tiếp tục đảm nhiệm cương vị này trong vòng đàm phán tới. Dự kiến, quan chức cấp cao phụ trách chính trị của Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid cũng sẽ tham dự vòng đàm phán song phương Mỹ – Iran. Quan chức Helga Schmid sẽ chủ tọa vòng đàm phán tiếp theo giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) diễn ra tại Thụy Sỹ ngay sau đó một ngày.

* Sau 3 tháng ổn định, chỉ số giá lương thực toàn cầu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã giảm 1,7% trong tháng 12/2014. Điều này có nghĩa chỉ số giá lương thực trong năm 2014 tiếp tục giảm năm thứ ba liên tiếp. Theo tính toán, chỉ số giá lương thực toàn cầu đạt trung bình 202 điểm trong cả năm 2014, giảm 3,7% so với năm 2013.

* Theo báo cáo mới nhất vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 5/1, ít nhất 8.153 người đã tử vong do dịch bệnh Ebola tại Tây Phi trong tổng số 20.656 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận tại 3 quốc gia bị tác động nặng nề nhất. Sierra Leone vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.915 ca tử vong trong tổng số 9.772 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận cho tới ngày 3/1. Tiếp sau đó là Liberia với 3.471 ca tử vong trong tổng số 8,115 trường hợp nhiễm bệnh tính đến ngày 31/12/2014. Cuối cùng là Guinea, nơi dịch bệnh bùng phát cách đây một năm, đã có 2.769 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 1.767 ca tử vong cho tới ngày 3/1. Ngoài ra, dịch bệnh nguy hiểm này cũng làm hơn 10 người tử vong tại một số nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới cũng nhấn mạnh rằng 678 nhân viên y tế đã bị nhiễm virus, đến ngày 28/12/2014, trong đó 382 người tử vong.

* WHO cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của 2 loại vaccine phòng Ebola tại 3 quốc gia nằm trong vùng dịch ở Tây Phi là 3 nước Guinea, Liberia và Sierra Leone. Hai loại vaccine được sử dụng lần này là của tập đoàn GlaxoSmithKline (Anh) và tập đoàn NewLink Genetics (Mỹ). Cả hai đều đã được tiến hành thử nghiệm an toàn trên các tình nguyện viên tại nhiều nước. Trong khi đó, tập đoàn Johnson&Johnson tuần này cũng thông báo mẫu vaccine do hãng này sản xuất đã bắt đầu thử nghiệm trên người tại Anh./.

Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè