Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thông điệp đằng sau cuộc gặp trực tuyến Nga – Mỹ

Cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài hai giờ đồng hồ giữa Tổng thống Nga và Mỹ mới đây mặc dù kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào, đặc biệt là liên quan đến điểm nóng Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá đây là bước đệm cần thiết để hai bên hạ nhiệt căng thẳng.

Rạng sáng 8/12 (theo giờ Hà Nội), Nga và Mỹ ra thông cáo báo chí sau cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận hàng loạt vấn đề "nóng" cùng quan tâm.

Theo đó, hai bên đã trao đổi thẳng thắn lập trường về một loạt vấn đề nhạy cảm như tình hình tại Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông đồng thời tăng cường triển khai lực lượng và vũ khí sát biên giới Nga, dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2". Hai bên cũng trao đổi quan điểm về việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp trực tiếp. Ảnh: Getty Images.

Một trong những kết quả đáng chú ý trong cuộc gặp là đề xuất từ phía Nga về việc cùng dỡ bỏ tất cả hạn chế đối với các cơ quan đại diện ngoại giao của nhau ở mỗi nước, nhất trí nhóm công tác tiếp tục thảo luận về vấn đề ổn định chiến lược, phần mềm mã độc tống tiền, đối thoại về an ninh mạng, cũng như hợp tác chung về vấn đề hạt nhân Iran.

Có thể nói phủ bóng trong cuộc họp là cuộc khủng hoảng tại Ukraine - nơi Mỹ và phương Tây nhiều tuần qua cáo buộc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại biên giới để thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào Ukraine. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một thông điệp đơn giản rằng Nga sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế quyết liệt nếu tấn công Ukraine.

Sau cuộc họp, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington đang tính đến việc "áp dụng những biện pháp mà Mỹ chưa từng được đưa ra vào năm 2014", khi Nga sáp nhập Crimea.

Ông Sullivan nói thêm rằng, Tổng thống Biden đã khẳng định "trực tiếp và thẳng thắn" với nhà lãnh đạo Nga rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine, cũng như củng cố quan hệ đồng minh NATO trong khu vực.

Trước những lời đe dọa đến từ người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Putin cũng thể hiện rõ ràng rằng ông sẽ không nhượng bộ. Một thông báo được điện Kremlin công bố chỉ rõ, Tổng thống Putin cho rằng, việc phương Tây đổ mọi trách nhiệm liên quan đến những căng thẳng tại Ukraine hiện nay lên Moscow là hoàn toàn sai lầm.

Tổng thống Putin cũng yêu cầu "những đảm bảo pháp lý mang tính ràng buộc và đáng tin cậy" từ phương Tây mà theo đó NATO sẽ không mở rộng về phía Đông theo hướng biên giới của Nga hoặc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở Ukraine.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã lao dốc đáng báo động kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1. Chính quyền Tổng thống Biden đã áp các lệnh trừng phạt lên Nga và cáo buộc điện Kremlin can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng cùng với các vấn đề liên quan đến nhân vật đối lập Alexei Navalny. Giới quan sát cho rằng, những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ song phương đều là những bất đồng khó hóa giải và lập trường của hai bên sẽ ít khả năng "xích lại gần nhau".

Bởi vậy, không ai kỳ vọng sẽ có đột phá chỉ sau một cuộc hội đàm. Cố vấn Điện Kremlin về các chính sách đối ngoại, Yuri Ushakov, cho biết: "Vẫn chưa có bước đột phá nào và hai bên vẫn còn nhiều lo ngại. Kết quả không làm hài lòng cả Mỹ và Nga".

Tuy nhiên, cuộc họp trực tuyến này cũng cho thấy xu thế đối thoại vẫn đang được duy trì trong quan hệ Nga - Mỹ. "Thật khó để mong đợi những đột phá nhanh chóng, nhưng lãnh đạo hai nước cũng cho thấy thái độ thiện chí tiếp tục đối thoại và thảo luận về những vấn đề nhạy cảm giữa hai bên", ông Ushakov cho biết.

Bất chấp căng thẳng suốt nhiều năm, giới chức hai nước đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc và trao đổi cấp cao thời gian gần đây. Đáng chú ý là cuộc gặp ngày 2/12 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại Thụy Điển, cuộc điện đàm hôm 23/11 giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov, hay cuộc điện đàm giữa Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolay Patrushev và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 17/11. Bản thân Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden cũng đã 5 lần đối thoại trong năm nay, tính cả cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7/12.

Marcus Holmes, Giáo sư tại Đại học William & Mary, Mỹ, cho rằng, hai bên đều nhận thấy cần hạ nhiệt căng thẳng trước khi những khác biệt sâu sắc đang manh nha biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện. Cả hai ông Putin và Biden đều là những nhà lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm ngoại giao và từng trao đổi với nhau trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự "quen biết" không có nghĩa là có thể dễ dàng tránh khỏi bất đồng và một cuộc gặp này sẽ không thể thay đổi tình hình bởi vấn đề giữa hai bên là sự xung đột về lợi ích chứ không phải do thiếu sự trao đổi.

Trong khi đó, chuyên gia Andrey Bystritskiy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ phát triển và hỗ trợ, Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, nhận định trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng như hiện nay, thông điệp quan trọng nhất qua cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga - Mỹ chính là hai bên sẵn sàng đối thoại, đàm phán, tham vấn. Điều đó cho phép hai bên có thể thiết lập phương thức đối thoại trong mọi lĩnh vực để có thể khắc phục những bất đồng.

Nguồn: Báo CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi