Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Thủ tướng Hy Lạp và những thách thức nóng bỏng

 

Thủ tướng tái đắc cử Alexis Tsipras của Hy Lạp chắc chắn sẽ không có “tuần trăng mật” như thông lệ tại nhiều quốc gia khác sau khi nhậm chức bởi những thách thức lớn mà ông cùng Chính phủ đang phải đương đầu.

Tân Thủ tướng Alexis Tsipras bắt tay Tổng thống Prokopis Pavloppoulos
ngay sau lễ nhận chức

Ông Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp ngày 21-9 sau khi Đảng cánh tả Syriza do ông lãnh đạo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại nước này. Phát biểu ngay sau đó, Thủ tướng tái đắc cử Tsipras đã nhấn mạnh tới việc đối phó với dòng người di cư đang tràn vào Hy Lạp, kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải  nỗ lực nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng đã vượt quá khả năng của nước này.

Không khó để thấy vì sao mà việc đối phó với làn sóng người di cư được tân Thủ tướng Tsipras nêu lên như là một trong những thách thức nóng bỏng nhất mà Chính phủ liên minh do ông đứng đầu phải giải quyết lúc này. Với đường bờ biển dài khoảng 16.000 km nằm ở cực Đông của EU, Hy Lạp đã trở thành “bãi đổ bộ” thuận tiện nhất cho những người di cư bằng đường biển trên Địa Trung Hải.

Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 11-9 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 430.000 người di cư đã đến châu Âu trong năm nay qua đường biển Địa Trung Hải. Trong đó, đa số đến Hy Lạp với tổng cộng 309.356 người, so với chỉ 12.139 người tới Italia, 2.166 người tới Tây Ban Nha, 100 người tới đảo quốc Malta…
Số người di cư quá lớn đổ bộ vào qua đường biển thật sự đã tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đối với một quốc gia vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công nặng nề nhất như Hy Lạp. Gánh nặng người tị nạn càng đè nặng lên Hy Lạp khi nhiều quốc gia thành viên EU tuyên bố đóng cửa biên giới khiến hàng trăm nghìn người di cư ăn dầm nằm dề tại nước này.

Cho dù không được tân Thủ tướng Tsipras nêu bật như vấn đề đối phó với làn sóng người di cư, song cuộc khủng hoảng nợ công vẫn là thách thức lớn nhất mà Chính phủ mới của ông phải giải quyết. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, Hy Lạp buộc phải thực hiện các biện pháp cải cách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” để nhận được các gói cứu trợ của “bộ ba chủ nợ” gồm: EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Nếu không thực hiện các cải cách “đau đớn” ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhất là người thu nhập thấp, như cắt giảm lương hưu, tăng thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp… Hy Lạp sẽ chẳng thể nhận được gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro để tránh nguy cơ bị tuyên bố vỡ nợ.

Phải đồng thời giải quyết hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về di cư và nợ công, song Chính phủ liên minh của tân Thủ tướng Tsipras được đánh giá khá mong manh khi chỉ chiếm 155 ghế trong Quốc hội có 300 ghế. Đây cũng được xem là thách thức không nhỏ với ông Tsipras cùng Đảng cánh tả Syriza do ông lãnh đạo bởi do đảng chỉ giành chiến thắng sít sao với 35,54% phiếu bầu trong cuộc bầu cử trước thời hạn ngày 20-9 vừa qua nên một lần nữa phải liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc để đủ số ghế đứng ra lập Chính phủ.

Trích nguồn: Báo điện tử ANTĐ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè