Thứ Hai, 23/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Triều Tiên tiếp tục gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế

Kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) khẳng định đây là vụ thử “thành công hoàn hảo” và là bước đi “đầy ý nghĩa” trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) còn nói rằng, đây là “một bước ngoặt” đối với quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo việc chế tạo bom H gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. Ảnh: KCNA/Reuter

Trước đó, vào sáng sớm cùng ngày, một trận động đất mạnh đã được ghi nhận tại CHDCND Triều Tiên. Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc ghi nhận cường độ rung chấn của trận động đất là 6,3 độ richter và tâm chấn ở trên bề mặt đất. Do đó, những rung chấn này có thể do một vụ nổ gây ra. Cơ quan địa chất Mỹ (USSG) thì ghi nhận rung chấn 5,6 độ richter với tâm chấn ở độ sâu 10km tại CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap đưa tin, khoảng 1 giờ sau khi xảy ra trận động đất thứ nhất, Hàn Quốc lại ghi nhận trận động đất thứ hai với cường độ 4,6 độ richter xảy ra tại CHDCND Triều Tiên, gần khu vực Kilju, nơi có bãi thử hạt nhân Punggye-Ri của nước này.

Theo những số liệu tổng hợp, 2 trận động đất xảy ra gần giống nhau và cũng làm dấy lên nghi ngờ đây là vụ thử hạt nhân thứ 6 của CHDCND Triều Tiên. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cũng cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc Kim Young-woo cho biết nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản.

Các nhà khoa học Hàn Quốc cho biết, “vụ nổ” sáng 3-9 tại CHDCND Triều Tiên mạnh hơn từ 10 đến 20 lần so với những lần thử hạt nhân trước và với mức độ này thì có thể nói đây là một vụ thử bom H.

Về phía Nhật Bản, sau khi phân tích những số liệu, Tokyo đã kết luận rằng, những chấn động phát hiện tại CHDCND Triều Tiên sáng 3-9 là một vụ nổ hạt nhân. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố đã điều động ít nhất 3 máy bay quân sự tại những căn cứ của Nhật Bản để đo độ phóng xạ.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố: “Nếu đúng CHDCND Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được và chúng tôi kịch liệt lên án hành động này”. Từ châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh “tình hình hiện nay thực sự nguy hiểm” và rằng: “CHDCND Triều Tiên có nhiều biện pháp với các vũ khí hạt nhân của mình, có thể tấn công Mỹ, thậm chí châu Âu. Tình hình sẽ như một thùng thuốc súng. Đó là lí do tại sao chúng ta cần phải ngăn chặn. Bình Nhưỡng cần phải tuân theo con đường đối thoại”.

Nếu được khẳng định, đây sẽ là vụ thử hạt nhân thứ 6 của CHDCND Triều Tiên kể từ năm 2006. Hành động này của Bình Nhưỡng là một thách thức trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi chỉ vài giờ trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản về sự leo thang của cuộc khủng hoảng hạt nhân trong khu vực.

Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác 3 bên Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa này. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Mỹ sẽ phải làm gì trước một CHDCND Triều Tiên đang ngày càng lớn mạnh về công nghệ hạt nhân. Mỹ trước tiên cần tìm cách đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng, thay vì “đổ dầu” vào ngọn lửa đang le lói.

Bên cạnh đó, Washington vẫn phải tiếp tục củng cố khả năng răn đe của mình, sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ đối với bất cứ “tối hậu thư” hạt nhân nào của Bình Nhưỡng. Chưa hết, Mỹ cũng phải thực hiện các cam kết với các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Và cuối cùng, Mỹ cũng phải trấn an Nga và Trung Quốc về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể triển khai trong khu vực, gia tăng vai trò của hai quốc gia này trong nỗ lực buộc CHDCND Triều Tiên phải thay đổi thái độ của mình.

Theo giới phân tích, Nga và Trung Quốc là hai yếu tố không thể thiếu để kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Cả Nga và Trung Quốc đều cam kết với một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Cả hai đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với thẩm quyền quyết định chính sách trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Cả hai đều tham gia Đàm phán 6 bên (2003 - 2009), một diễn đàn để thảo luận các tác động an ninh của chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Đối với Trung Quốc, Mỹ phải tìm ra chính xác những hành động mà Bắc Kinh cần thực hiện để kiềm chế một cách thích đáng các chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Một khi Washington hiểu chính xác cách thức Bắc Kinh có thể làm hiệu quả nhất trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, Mỹ nên tìm kiếm những lựa chọn thuyết phục được Trung Quốc thực thi các chính sách này.

Còn đối với Nga, nếu Mỹ có thể phân định mối quan hệ lộn xộn của họ với Nga ở châu Âu và Trung Đông, hợp tác với Moscow để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thì khả năng kiềm chế và cuối cùng là đẩy lùi chương trình vũ khí hạt nhân của nước này có thể được cải thiện đáng kể. Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể thấy được giá trị trong cách tiếp cận này.

Để hợp tác hiệu quả với Nga, Trung Quốc và các bên tham gia khác trong khu vực về vấn đề Triều Tiên và đạt được sự đồng thuận về con đường phía trước có thể đòi hỏi Mỹ phải thay đổi một số chính sách theo đường lối cứng rắn hiện tại. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần chủ động tập trung thúc đẩy giảm căng thẳng, chứ không thể trông đợi Nga hay Trung Quốc can dự ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng thay cho Washington.

Nguồn tin: Báo điện tử CAND
Biên tập: Nguyễn Cường

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi