Chủ Nhật, 22/12/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Vụ cướp thế kỷ và cái chết không một xu dính túi

Vụ cướp táo tợn

6 giờ sáng ngày 26-11-1983, sáu tên cướp gồm "Đại tá" Brian Robinson, "Mad" Micky McAvoy, Kenneth Noye, Brian Reader, Jurgen Mossack và Gordon Parry, tất cả đều bịt mặt, bất ngờ xông vào trụ sở Công ty An ninh Brink's-Mat trên đường Heathrow, London rồi dùng súng khống chế các nhân viên bảo vệ. Tiếp theo, họ bắt những người này nằm xuống nền nhà, tưới xăng vào bộ phận sinh dục, dọa đốt nếu không mở cửa hầm chứa các tài sản quý như tiền, vàng, kim cương, ngân phiếu... do khách hàng ký gửi.

"Đại tá" Brian Robinson lúc bị bắt

Trước đó, thông qua người anh rể làm việc tại Công ty Brink's-Mat là Tony Black, "Đại tá" biết rằng một két sắt ở tầng hầm có 3 triệu bảng Anh tiền mặt. Khi kiểm tra thực tế, "Đại tá" cùng McAvoy trong vai khách hàng thuê két sắt cất giữ tài sản, đã nhiều lần ra vào Brink's-Mat để vạch kế hoạch rồi sau đó, rủ thêm Kenneth Noye, Brian Reader, Jurgen Mossack và Gordon Parry tham gia.

Việc đột nhập Công ty Brink's-Mat diễn ra êm thấm. Người quản lý nhanh chóng mở cửa cho "Đại tá", McAvoy, Noye và Brian xuống hầm. Chưa đầy 3 phút, McAvoy, tay thợ phá khóa lão luyện đã vô hiệu hóa chiếc két sắt. Tuy nhiên lúc cánh cửa thép dày 15cm bung ra, cái mà họ nhìn thấy không phải là những gói tiền mặt mà là những thỏi vàng óng ánh, xếp chồng lên nhau. Trước tình huống bất ngờ, "Đại tá" nhanh chóng quyết định: "Lấy hết".

Mất khoảng 70 phút, những bao tải có in phù hiệu của Công ty Brink's-Mat chứa đầy vàng, tổng cộng 3,5 tấn được chuyển ra chiếc xe do Tony Black cầm lái, chờ sẵn bên ngoài. Đường phố vắng vẻ khi xe đi vì các công sở, ngân hàng, quán ăn, tiệm bách hóa ở London chỉ mở cửa sau 8 giờ sáng. Xe chở nặng đến nỗi nó bò ì ạch khiến "Đại tá" phát cáu. Có lúc ông ta gầm lên: "Chó chết! Đi bộ còn nhanh hơn!".

Gần 8 giờ sáng, cảnh sát London nhận được thông tin vụ cướp. Lập tức họ đến hiện trường cùng các đặc vụ thuộc Cơ quan cảnh sát Anh Quốc Scotland Yard. Số vàng bị cướp là 7.000 thỏi, trị giá 72,5 triệu bảng Anh thời điểm ấy. Nhận định rằng bọn cướp sớm muộn gì cũng phải bán vàng để lấy tiền, Scotland Yard thông báo đến tất cả những công ty kinh doanh vàng bạc trên toàn nước Anh cùng một số nước Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Áo... về ký hiệu in trên từng thỏi vàng đồng thời tiến hành điều tra, khởi đầu là những nhân viên bảo vệ Công ty Brink's-Mat, trong đó có Tony Black. Một người hàng xóm đối diện nhà Tony cho Scotland Yard biết chiều hôm trước khi xảy ra vụ cướp, họ thấy anh ta lái một chiếc xe hơi lạ về rồi 5 giờ sáng hôm sau lại lái đi. Kết quả hỏi cung cho thấy để được khoan hồng, Tonay Black khai ra "Đại tá" là kẻ chủ mưu cùng một đồng phạm là McAvoy, còn 4 người kia anh ta không biết.

Đầu tháng 12-1983, chỉ gần 1 tháng sau vụ cướp, "Đại tá" bị bắt cùng với McAvoy. Có lẽ do đã bàn bạc từ trước nên họ đều khăng khăng chối tội đồng thời không hề hé môi về các đồng phạm. Tuy nhiên với những chứng cứ dựa trên lời khai của Tony Black, tòa án kết tội "Đại tá" cùng McAvoy cướp có vũ trang.  Mỗi người nhận 25 năm tù giam, Tony Black bị kết án 6 năm do thật thà khai báo còn 7.000 thỏi vàng và 4 đồng phạm khác là Brian, Noye, Parry và Mossack vẫn ở ngoài vòng pháp luật.  

Cảnh sát có mặt tại Công ty Brink's-Mat ngay sau vụ cướp

Đường đi của 7.000 thỏi vàng và những cái chết

Ngay sau khi lấy được 7.000 thỏi vàng, kế hoạch của "Đại tá" thay đổi. Ông ta cùng cả nhóm dừng lại ở một khu rừng vắng vẻ, cách sân bay Heathrow khoảng 18km rồi bốc những bao vàng xuống.

Quay lại khu rừng, sau khi chất hết vàng lên xe của Noye, "Đại tá" bảo Noye và Brian đem 7.000 thỏi vàng xuống hạt Kent, Tây Bắc London, nơi có căn nhà của Brian để nấu chảy. Vốn là thợ cơ khí, thường xuyên sử dụng các bình khí oxy và acetylene nên chẳng ai nghi ngờ khi Brian đem những thứ này về. Vẫn theo lệnh "Đại tá", vàng phải nấu chung với những tiền xu bằng đồng để tạo ra loại "vàng tạp chất" nhằm che giấu nguồn gốc rồi bán cho đại lý John "Goldfinger" Palmer, một doanh nghiệp chuyên thu mua vàng dưới dạng phế liệu. Sau đó, John nấu và lọc lại nó thành vàng thỏi hợp pháp rồi bán tiếp trên thị trường vàng ở Sheffield. 100 triệu bảng Anh là tiền bán vàng cho John, Parry cất giữ.

Từ đó, theo thời gian, mọi việc chìm vào quên lãng nhưng Scotland Yard vẫn không quên cái mà báo chí gọi là "vụ cướp thế kỷ". Trong lúc ấy, một số băng nhóm xã hội đen ở London cũng ra sức săn lùng thủ phạm với mục đích chia phần. Theo Scotland Yard, vụ cướp có thể được "Đại tá" và các đồng phạm giữ bí mật tuyệt đối nhưng khi đem vàng "tạp chất" bán cho đại lý John "Goldfinger" Palmer thì sớm muộn gì nó cũng “xì” ra vì số lượng quá lớn. Do có những đường dây cung cấp thông tin nhanh nhạy và chính xác hơn cảnh sát nên chẳng mấy chốc, xã hội đen London vào cuộc.

Cái chết đầu tiên liên quan đến 7.000 thỏi vàng là thám tử Constable John Fordham, đặc vụ chìm của Scotland Yard, bị Noye đâm chết khi phát hiện Constable rình mò trong vườn nhà mình. Ra tòa vì tội giết người hồi tháng 12-1985 nhưng Noye được tuyên vô tội vì "phòng vệ chính đáng". Tuy nhiên căn cứ vào những ghi chép trong cuốn sổ tay của thám tử Constable còn để lại trên bàn ở nhà riêng, Scotland Yard xin lệnh tòa án khám xét nhà Noye. Kết quả họ tìm thấy 11 thỏi vàng vẫn còn nguyên số hiệu của Công ty Brink's-Mat mà trong quá trình nấu chảy, anh ta đã lén giấu lại, chôn trong vườn. Dẫu vậy, trước sau Noye vẫn thề sống thề chết rằng mình không hề biết và cũng không hề liên quan đến số vàng ấy, rằng nó đã ở đó từ đời nào rồi, cũng như chẳng hề hé môi về các đồng phạm.

Scotland Yard công bố hình ảnh về 11 thỏi vàng trong vườn nhà Noye cùng 2 chiếc xe, được cho là Tony lái lúc đi cướp còn chiếc kia Noye và Brian đem vàng đi nấu chảy

Ra tòa rồi bị tuyên phạt 14 năm với tội danh tàng trữ tài sản bất hợp pháp nhưng ở tù 7 năm, Noye được tha. Đến năm 2000, Noye bị bắt giam trở lại vì Scotland Yard tìm ra Noye chính là thủ phạm giết chết Stephen Cameron, 21 tuổi, thành viên của một băng nhóm, xảy ra hồi năm 1996. Lần này, Noye nhận án tù chung thân.

Năm 1990, đến lượt một trong những cộng sự của Noye là Nick Whiting chết do bị bắn. Giang hồ đồn rằng Nick Whiting chết vì đã cung cấp thông tin cho cảnh sát. Cũng trong năm này, Charlie Wilson, thủ quỹ của đại lý John "Goldfinger" Palmer mất mạng mà nguyên nhân là anh ta đã biển thủ 3 triệu bảng Anh trong số tiền mua vàng mà đại lý John phải trả cho nhóm "Đại tá". Wilson bị tra khảo rồi bị bắn chết tại nhà mình ở Costa del Sol nhưng không rõ ai là thủ phạm.

Năm 1995 Donald Urquhart, một kẻ rửa tiền cũng bị bắn chết; rồi 1 năm sau, Keith Hedley, một kẻ rửa tiền khác cũng bị giết trên du thuyền của anh ta ở Corfu. Sau này, khi phần lớn vụ việc đã bị phơi bày, Scotland Yard cho biết Donald Urquhart và Keith Hedley là 2 trong số những kẻ đã giúp Parry biến 100 triệu bảng Anh tiền bẩn mà Parry cất giữ sau khi bán 7.000 thỏi vàng cho đại lý John thành tiền sạch.

Năm 1998, Solly Nahome, thợ phụ việc cho xưởng cơ khí của Brian, người đã góp phần nấu chảy 7.000 thỏi vàng, bị bắn chết bên ngoài ngôi nhà của mình ở Finchley, phía Bắc London. Thủ phạm là một người đàn ông đi mô tô. Đến năm 2003, George Francis, người từng bị Scotland Yard thẩm vấn vì nghi ngờ anh ta tham gia rửa tiền bị bắn chết trên đường đến chỗ làm. Một người khác - Brian Perry - cũng là đối tượng tình nghi "rửa" 7.000 thỏi vàng bị bắn trong trường hợp giống như George Francis khi anh ta đến chỗ làm phía Nam London. Người chết cuối cùng là John '"Goldfinger" Palmer, 65 tuổi, chủ doanh nghiệp đã mua 7.000 thỏi vàng dưới hình thức vàng phế liệu, bị bắn vào ngực.

Vẫn còn là bí ẩn

Nắm trong tay 100 triệu bảng Anh, Parry biết rằng mặc dù "Đại tá" và McAvoy đã bị kết án tù nhưng chắc chắn Scotlad Yard không bao giờ dừng lại khi chưa tìm ra nó. Vì thế, Parry tiến hành "rửa" nó thêm một lần nữa. Bằng cách mua một số lô đất ở Docklands cùng vài tòa nhà trước đây là một phần của Trường Đại học Cheltenham đồng thời mua thêm một trang trại ở hạt Kent, là những nơi đang xảy ra hiện tượng "sốt đất". Bên cạnh đó, Parry cũng tự chia phần cho mình qua việc trích ra 400.000 bảng Anh mua một biệt thự mà ở đó, các vòi nước trong nhà tắm đều làm bằng vàng. Tất cả những vụ mua bán này Parry đều thông qua Mossack Fonseca, kẻ đứng đầu Công ty Luật Panama, nổi tiếng về những vụ trốn thuế và rửa tiền. Số còn lại được cho là đã gửi vào các ngân hàng ở Thụy Sĩ, Công quốc Liechtenstein dưới các tài khoản nặc danh.

Năm 1990, ngay sau khi vụ giết Nick Whiting và Charlie Wilson xảy ra, Parry biết rằng sớm muộn gì cũng đến lượt mình. Lập tức, anh ta sang tên tất cả mọi tài sản cho một số người thân trong gia đình rồi biến mất nhưng trước khi trốn, Parry chỉ định Công ty Luật Panama là người đại diện hợp pháp cho anh ta, còn Mossack Fonseca đảm nhận vai trò cố vấn pháp lý.

Năm 1993, Parry bị bắt khi đang ẩn náu trên chiếc du thuyền Costa del Sol. Và bởi vì anh ta luôn phủ nhận sự dính líu đến vụ cướp 7.000 thỏi vàng của Công ty Brink's-Mat nên Parry chỉ bị kết án tù 10 năm qua việc mua bán nhà đất với tổng số tiền 10,7 triệu bảng Anh nhưng không chứng minh được nguồn gốc. Sau này, các hồ sơ thu được ở văn phòng của Mossack Fonseca, kẻ đứng đầu Công ty Luật Panama cho thấy nếu không có Mossack, Parry sẽ chẳng bao giờ "tiêu hóa" được 10,7 triệu bảng Anh này.

Tháng 12-2008, "Đại tá" ra tù". Mọi sự đeo bám của Scotland Yard đều không kết quả vì chẳng ai đến gặp "Đại tá" và "Đại tá" cũng chẳng liên lạc với ai. Ngày 28-2-2021, "Đại tá" chết tại một viện dưỡng lão ở Kidbrooke, Đông Nam thủ đô London trong tình trạng không một xu dính túi. Điều ngẫu nhiên là ngày "Đại tá" chết cũng chính là ngày sinh của ông ta. Theo thân nhân, "Đại tá" sẽ được chôn cất vào ngày 12-4-2021.

Cuối cùng, vụ cướp thế kỷ để lại một dấu chấm lửng khi Brian và Mossack cùng 2/3 số vàng vẫn biệt tích…

Nguồn: báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi