Đúng hẹn từ kỳ công bố báo cáo kiểm toán năm 2016, đây là thời điểm Kiểm toán Nhà nước trả lời trước Quốc hội và người dân về kết quả kiểm toán các dự án BOT được đầu tư tràn lan trong những năm vừa qua.
Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, dù không tách riêng phần các dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước cũng đã cho biết đã giảm trừ chi phí thực hiện hơn 1.150 tỷ đồng và kiến nghị giảm thời gian thu phí của 27 dự án với thời gian hơn 107 năm.
Báo cáo kiểm toán nêu rõ: Ngoài các hạn chế sai sót trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn khác còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
|
Kiểm toán Nhà nước đã có câu trả lời chính thức
về kết quả kiểm toán 27 dự án BOT năm 2016.
|
Chưa có tiêu chí nào để lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT; hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu (theo Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 21-2-2012 của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 979/TTg-KTN ngày 5-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ); xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót; xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế giá trị gia tăng được Nhà nước hoàn lại; xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế - Nhiều đơn vị dựa trên số liệu thống kế của tư vấn khảo sát trong 2 đến 3 ngày để suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy.
Ngoài ra, việc nghiệm thu, thanh toán các dự án này còn sai sót. Kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2016 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 1.150,46 tỷ đồng, trong đó sai khối lượng 180,37 tỷ đồng; sai định mức 41,64 tỷ đồng; sai đơn giá 143,17 tỷ đồng; sai khác hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán 785,28 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư cũng góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó giảm nhiều nhất là 13 năm 1 tháng, 12 ngày đối với Dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa.
Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (đầu tư – chuyển giao) cũng gặp các vấn đề tương tự như giao cho nhà đầu tư chưa không đủ năng lực (tỉnh Bình Phước giao Công ty TNHH Đức Bình không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính thực hiện dự án Đoạn 1 Km0+000 – Km8+000; Dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 - TP Hồ Chí Minh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khi báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư chưa được phê duyệt); chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án không đúng quy định (tỉnh Bình Phước); ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hợp đồng BT chưa quy định cụ thể việc thanh toán khi nhà đầu tư nhận được tiền hoàn trả (như Dự án cải tạo nâng cấp đường 39B đoạn từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chưa sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thanh toán cho dự án để trả nợ các khoản vay kịp thời dẫn đến phát sinh lãi vay 7,8 tỷ đồng), cơ cấu vốn đầu tư trong hợp đồng không đảm bảo quy định (Dự án cải tạo nâng cấp đường 39B tại Thái Bình tính thiếu 13,1 tỷ đồng vốn góp).
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc xác định giá trị hợp đồng còn sai sót như Dự án xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng giảm 64,7 tỷ đồng; có dự án không lập phương án tài chính như Dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà đầu tư tính chi phí lãi vay không phù hợp với quy định 24,4 triệu USD (534,6 tỷ đồng).
Công tác lập dự án, đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế - dự toán còn sai sót như Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở lập sai tổng mức đầu tư 81,6 triệu USD; Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa dự toán lập sai 42,7 tỷ đồng; Dự án cải tạo nâng cấp đường 39B tỉnh Thái Bình 43,6 tỷ đồng...
Việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành cũng có nhiều sai sót như Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở chi phí đầu tư giảm 147,7 triệu USD tương đương 3.235 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - quốc lộ 1 giảm 31,3 tỷ đồng; Dự án cải tạo nâng cấp đường 39B tỉnh Thái Bình 13,4 tỷ đồng; Dự án tòa nhà trung tâm, Trung tâm hội nghị, quảng trường, công viên bãi đậu xe, hạ tầng chung thuộc Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Bình Dương 85,1 tỷ đồng.
Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Đại Nghĩa