Có lẽ chưa bao giờ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 lại trở thành nỗi mong mỏi lớn như lúc này. Nhưng, bên cạnh đó, vẫn dấy lên những lo ngại rằng chính vaccine lại bị biến chủng virus làm vô hiệu hóa khả năng bảo vệ...
Vaccine không lạc hậu!
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất xứ từ Anh có tốc độ lây lan rất nhanh đã “đổ bộ” vào Hải Dương và tạo thành ổ dịch phức tạp. Chưa bao giờ ở Việt Nam trong một ngày lại phát hiện số ca dương tính nhiều đến thế (83 ca). Chưa dừng ở đó, biến thể virus xuất xứ từ Nam Phi cũng mới được phát hiện ở ca bệnh là chuyên gia người Nam Phi là BN1422 (25 tuổi). Biến thể virus này được cảnh báo với tốc độ lây lan rất nhanh đã khiến nhiều người hoang mang lo lắng.
|
Tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax ngừa COVID-19. |
Nhiều ý kiến nghi ngại rằng vaccine phải trải qua một quá trình nghiên cứu, chế tạo, còn virus lây lan và biến đổi nhanh, liệu vaccine có “lạc hậu” hơn virus và sẽ bị vô hiệu hóa khả năng bảo vệ? Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng bản chất của virus là thường xuyên xảy ra đột biến nên việc xuất hiện biến thể là điều đã được dự đoán. Ví dụ như virus cúm hằng năm đều có đột biến. Các nhà sản xuất sẽ dựa vào sự thay đổi đó để điều chỉnh vaccine.
Đối với dịch bệnh COVID-19, không chỉ là biến thể SARS-CoV-2 ở Anh, Nam Phi, mà tiếp tục sẽ xuất hiện những biến thể mới khác nếu dịch bệnh chưa kết thúc. Giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải rằng kháng nguyên của vaccine COVID-19 tác động đến protein S của SARS-CoV-2, trong khi đó, đột biến của virus này chỉ xảy ra ở một số điểm nên không ảnh hưởng vaccine COVID-19. Trên thế giới, các loại vaccine COVID-19 đang nghiên cứu cũng không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch.
Hơn nữa, mặc dù biến thể của virus lây nhanh hơn chủng cũ nhưng về lâm sàng chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn và tỉ lệ tử vong cũng không có sự khác biệt. Từ đó cũng có thể khẳng định là sự xuất hiện các biến chủng virus không ảnh hưởng đến tiến trình thử nghiệm lâm sàng của vaccine “made in Vietnam”.
Cần có kịch bản tiêm vaccine
Thời điểm Việt Nam có vaccine nhập khẩu đã rất gần. Ngay trong quý 1 này, vaccine của hãng dược AstraZeneca có mặt tại Việt Nam và người dân sẽ được tiêm vaccine. Đây sẽ là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong nước. Dự kiến nước ta mua 30-50 triệu liều trong năm nay. Ngay trong tháng 2 này, hơn 50.000 liều vaccine sẽ có mặt tại Việt Nam. Đây là loại vaccine được đánh giá tương đối an toàn và tỉ lệ sinh kháng thể bảo vệ để ngừa bệnh COVID-19 sau tiêm đạt yêu cầu.
|
Vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất. |
Theo Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và sinh phẩm của Bộ Y tế thì cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong 3 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã phê duyệt nhập khẩu vaccine này ở giai đoạn sớm. Thái Lan phê duyệt từ ngày 20-1-2021, Philippines phê duyệt nhập khẩu diện khẩn cấp ngày 28-1 và ngày 30-1 là Việt Nam. Song song với đó, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các đối tác khác để có thể tăng thêm số lượng vaccine cho Việt Nam. Công ty Pfizer (Mỹ) cũng đặt ra lộ trình đến quý 4 sẽ giao vaccine. Với vaccine của Nga, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc của Bộ Y tế.
“Đối với vaccine “made in Vietnam”, chúng ta nên kỳ vọng bởi hiện tại, mọi thứ vẫn đang tốt, chưa có vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất vaccine. Vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất đang hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và dự kiến tiếp tục triển khai giai đoạn 2 trong thời gian tới.
Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) dự kiến 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivax tiến hành từ ngày 21-1 đến hết năm 2021, hoàn tất vào đầu năm 2022 để đưa vào sử dụng. Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang trong giai đoạn hoàn thành thử nghiệm vaccine trên khỉ. Sau khi hoàn thành số liệu thử nghiệm trên động vật, trong thời gian tới sẽ làm thủ tục xin thử nghiệm lâm sàng trên người. Với tiến độ hiện nay, phải cuối năm 2021 sang cuối quý 1 năm 2022 và giữa năm 2022, chúng ta mới có vaccine COVID-19 nội để tiêm cho người dân”.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. |
Cũng có ý kiến cho rằng, trong tình hình giá vaccine trên thế giới đang có nhiều biến động, thay vì nhập khẩu, chúng ta nên chờ đợi vaccine sản xuất trong nước. Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới về vấn đề này, tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho rằng: “Thời điểm này cần thiết phải nhập vaccine. Bởi khi vaccine của các nước đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ, trong khi chưa có vaccine nội, tại sao chúng ta không có xu hướng nhập về để bảo vệ người dân?”.
Tình hình đã thay đổi, dịch bệnh đã xuất hiện trở lại, xuất hiện nhiều biến thể tốc độ lây truyền mạnh. Khi có vaccine nhập về, kịch bản tiêm vaccine sẽ như thế nào để đảm bảo công bằng trong phòng, chống dịch? Đối với bất kì quốc gia nào cũng không thể tiêm đồng loạt vaccine ngay được. Vì thế, chúng ta phải có chiến lược, kịch bản rõ ràng, khi có vaccine thì tiêm cho đối tượng nào trước, sau đó đến đối tượng nào. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ ở mức nào, có thể bao cấp cho đối tượng nào, còn đối tượng nào phải tự trả tiền, cũng giống như các vaccine khác đang lưu hành hiện nay. Có thể vùng sâu vùng xa chưa cần tiêm ngay, ưu tiên cho thành phố tập trung đông dân cư.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng nguyên tắc là dù vaccine nội hay ngoại thì đều phải có kế hoạch triển khai, không phải cứ có vaccine thì chúng ta sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay. Trong đó, trước mắt và quan trọng là phải tiêm trên đối tượng ưu tiên trước như nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người có nguy cơ cao, người trong khu cách ly, công an, sau đó là người già, người có bệnh nền... Sau đó, khi thuận lợi mới tiêm đại trà. Với vaccine nhập khẩu, chúng ta cũng phải làm đúng các thủ tục, làm sao để an toàn và hiệu quả và có các kế hoạch triển khai cụ thể.
Vaccine không phải là thần dược
Nhiều người thắc mắc là họ đã nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh, vậy họ có cần tiêm vaccine COVID-19 nữa không? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu thì chưa thể trả lời thấu đáo được điều này vì COVID-19 là bệnh mới, nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đặc biệt là vấn đề sinh và tồn tại của kháng thể, còn đang tiếp tục nghiên cứu.
|
Bác sĩ tư vấn cho nhóm tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivax sáng 21-1 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. |
Vậy trong trường hợp Việt Nam có vaccine ngừa COVID-19 tiêm đại trà cho người dân thì liệu công tác phòng, chống dịch có thể nới lỏng hơn trước được không? PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng việc nới lỏng hay không còn phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng. Chúng ta phải đảm bảo 60-70% miễn dịch cộng đồng. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tiêm 60-70% dân số và vaccine có hiệu lực cao. Mà tiêm được chừng ấy số lượng là điều không dễ.
Trên thế giới, chưa có quốc gia tiêm được 60-70% dân số. Đến nay, COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Các quốc gia đã tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cũng không dám lơ là, vẫn giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch.
Việt Nam cũng vậy, có vaccine thì chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch như hiện nay. Người dân không nên ỷ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K do Bộ Y tế khuyến cáo: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Cùng với đó phải phát hiện sớm ca bệnh và cách ly nghiêm ngặt, không để sơ hở, lọt ca bệnh ra bên ngoài. Khi phát hiện thì khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, cách ly với một tinh thần “thần tốc chống dịch”. Người dân ở vùng có dịch hãy dùng tối đa các phương tiện, công cụ truyền thông xã hội để cung cấp cho Tổ thông tin, cho Bộ Y tế, cho Ban Chỉ đạo quốc gia thông tin truy vết về những người đã tiếp xúc với mình.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech): Nhiều thách thức đặt ra cho vaccine COVID-19
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng như các nhà sản xuất khác đều tính đến trường hợp nếu SARS-CoV-2 tồn tại lâu trong cộng đồng và lây truyền nhiều thì biến thể sẽ xuất hiện. Và hiện tại, đây là điểm mốc đầy khó khăn khi một loạt câu hỏi đặt ra còn bỏ ngỏ.
Thứ nhất, dù một số vaccine có hiệu quả bảo vệ cao nhưng khi biến thể xuất hiện thì có bảo vệ người tiêm được hay không và hiệu quả đó kéo dài bao lâu? Trong trường hợp chủng biến thể đã kháng vaccine rồi thì chiến lược tiếp theo của các nhà sản xuất vaccine là gì? Có nhà sản xuất cho rằng SARS-CoV-2 sẽ có cơ chế giống virus cúm. Mỗi năm sẽ xuất hiện những chủng cúm mới, đòi hỏi công nghệ phải thích ứng nhanh để thay đổi chủng mới cho vaccine cúm. Liệu cách này có làm được với SARS-CoV-2 hay không?
Thứ hai, vaccine có phát huy tác dụng ở nhóm người già, người mắc bệnh nền không? Vì virus không đơn thuần chỉ tấn công người khỏe mạnh, người trẻ. Thứ ba, vaccine có hiệu quả bảo vệ ở người có bệnh, còn đối với người lành không triệu chứng thì đã có hiệu quả chưa? Các vaccine thế hệ đầu đã giải quyết được vấn đề giảm độ ảnh hưởng của virus ở người mắc bệnh nhưng chưa giảm được khả năng lây truyền ở những người không triệu chứng. Liệu vaccine thế hệ 2 có giải quyết được hiệu quả bảo vệ lâu dài và cả hiệu quả giảm lây truyền?
Chúng tôi mong muốn vaccine của chúng tôi sẽ thuộc thế hệ 2 và cũng phải đi theo xu hướng đó. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ này chính là một loạt khó khăn mà trong quá trình nghiêu cứu vaccine, chúng tôi phải đặt ra để tìm cách giải quyết”.
|
Nguồn: Báo CAND