Bộ não là một cơ quan vô cùng phức tạp, có tới hơn 100 tỷ tế bào thần kinh, mỗi tế bào lại liên kết với khoảng 100 ngàn tế bào thần kinh khác.
Bộ não là trung tâm điều khiển của hệ thần kinh trung ương, chịu trách nhiệm điều khiển hành vi của con người. Tuy chỉ chiếm 5% trọng lượng cơ thể nhưng não bộ tiêu tốn tới 20% tổng số năng lượng. Vậy có phải càng già thì con người sẽ càng trở nên khôn ngoan hơn? Và tại sao chúng ta không nhớ được ký ức thời trẻ? Có phải những người thuận tay trái sẽ tư duy nhanh hơn người thuận tay phải… là những sự thật thú vị ẩn chứa trong bộ não - cơ quan kỳ diệu và bí ẩn bậc nhất trong cơ thể.
Càng già thì con người càng trở nên khôn ngoan?
Trong một nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu đề cử cá nhân mà theo họ đánh giá là khôn ngoan, người ta nhận thấy độ tuổi trung bình của người được đề cử là 55 đến 60 tuổi. Những người được đề cử là Gandhi, Khổng Tử, Socrates, Nữ hoàng Elizabeth, v.v…
Rõ ràng những người tham gia cho rằng độ tuổi có ảnh hưởng đến trí tuệ. Chúng ta đều biết, tuổi già đến kèm theo lão hóa và suy giảm chức năng não. Khi các nếp nhăn xuất hiện trên mặt thì nó thường có nghĩa là các nếp nhăn trên não đã mờ đi, não thu hẹp lại và nguy cơ mắc các chứng bệnh như Alzheimer đã gần kề.
Khái niệm về tuổi tác và khôn ngoan trở thành đề tài nghiên cứu khoa học vào năm 1950. Đó là khi nhà tâm lý học Erik Erikson đưa ra một lý thuyết tám giai đoạn trong chu kỳ cuộc sống của con người. Ở mỗi giai đoạn con người phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội tâm và phát triển những khía cạnh khác nhau của nhân cách.
Ví dụ như khi còn là một đứa trẻ, cuộc đấu tranh giữa niềm tin và sự ngờ vực; khi trẻ cảm thấy có thể tin tưởng những người xung quanh thì chúng sẽ phát triển cảm giác hy vọng. Trong giai đoạn cuối cùng là tuổi già, Erikson cho rằng con người phải vật lộn với sự cân bằng giữa ý thức cá nhân về tính toàn vẹn và thất bại khi đối mặt với cái chết và sự tan rã vật lý, nếu tính toàn vẹn thắng thì đó chính là sự khôn ngoan.
Hãy bắt đầu với một số ý tưởng về những gì khôn ngoan đòi hỏi. Trong khi không có một định nghĩa chính xác, khôn ngoan được coi là khả năng nhận thức và xét đoán những khía cạnh của vấn đề mà theo sự hiểu biết là đúng và bền vững. Những phẩm chất thường thấy ở sự khôn ngoan bao gồm trí thông minh và kiến thức; sự hiểu biết về bản chất con người; khả năng phục hồi tình cảm; khiêm tốn; khả năng học hỏi kinh nghiệm; sự cởi mở và kỹ năng giải quyết vấn đề… Tất cả những đặc điểm này tạo nên một trí tuệ mạnh mẽ được sử dụng để điều hướng những thách thức trong cuộc sống.
Dự án Wisdom Berlin, các nhóm nghiên cứu quan tâm nhiều hơn tới các thành phần trí tuệ và đo lường được sự khôn ngoan đã thấy rằng trí tuệ đạt đỉnh cao khi ở tuổi trung niên và bắt đầu suy giảm ở tuổi 75. Những nghiên cứu này dường như để giải thích cho việc suy giảm trí nhớ và ký ức ở người cao tuổi. Khi bạn thêm yếu tố tình cảm vào thử nghiệm, dường như ở người lớn tuổi có sự kiểm soát tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Alberta và Duke đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ để so sánh những phản ứng bên trong não người. Những người tham gia ở nhiều độ tuổi được cho xem những hình ảnh xúc động đầy thử thách. Ở người lớn tuổi, hình ảnh chụp cho thấy có sự tương tác giữa các bộ phận của não bộ đối phó với cảm xúc (amygdala) và kiểm soát cảm xúc (cingulate). Dường như tuổi tác và kinh nghiệm sống mang lại sự tích cực và khả năng phục hồi tình cảm ở người lớn tuổi. Một người trẻ tuổi có thể biểu hiện sự khôn ngoan trong việc chọn ra một sự nghiệp với ý nghĩa một tương lai vô hạn chờ họ ở phía trước. Người cao tuổi đã biết thời gian bị hạn chế nên sẽ đưa ra một quyết định khôn khéo hơn.
Đằng sau sự mất trí nhớ thời thơ ấu
Đôi khi chúng ta vẫn nhớ lại những ký ức thời thơ ấu như bữa tiệc sinh nhật, kỳ nghỉ gia đình… nhưng tất cả chỉ là những ký ức đứt quãng và rời rạc. Trên thực tế bạn chỉ có thể nhớ được một số ít các ký ức trong độ tuổi từ 3 đến 7, cho dù việc kể lại của người thân hay đơn giản là xem lại các album ảnh gia đình sẽ giúp bạn nhớ nhiều hơn. Giả thiết đưa ra cho sự mất trí nhớ thời thơ ấu là vì những phần bộ nhớ nằm trên não của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ.
Vùng vỏ não dưới trán được coi là tạo nên trí nhớ tình tiết - giúp chúng ta nhớ lại được ký ức - chưa phát triển. Tuy nhiên tâm lý học đã phát hiện ra rằng trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi đã có thể hình thành những ký ức lâu dài. Một giả thiết khác là về vấn đề ngôn ngữ, có vẻ như chúng ta không thể nhớ được những ký ức thời thơ ấu bởi ta không thể mô tả được chúng, vì vậy mà những ký ức này sẽ không trọn vẹn và đầy đủ.
Để hình thành ký ức, con người phải tạo ra các khớp thần kinh, hoặc các kết nối giữa các tế bào não. Từ đó, não sắp xếp các thông tin đó vào các mục và liên kết nó với dữ liệu tương tự khác. Để có thể có những ký ức đầy đủ não phải định kỳ lấy những ký ức, hồi tưởng những khớp thần kinh ban đầu và tăng cường những kết nối. Vùng tiểu não chứa đựng trí nhớ tiềm ẩn là rất quan trọng với trẻ sơ sinh, cho phép chúng liên kết với những cảm giác ấm áp và an toàn, với âm thanh giọng nói của người mẹ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em không phát triển kỹ năng tự nhận thức và một bản sắc cá nhân cho đến 16 hoặc 24 tháng tuổi.
Các bậc cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bộ nhớ tự truyện của trẻ em. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách cha mẹ bằng lời nói gợi nhớ lại những kỷ niệm với con tương quan với lối kể chuyện của trẻ cho những ký ức sau này của chúng.
Nói cách khác, trẻ em có cha mẹ thường xuyên nói về những sự kiện trong quá khứ thì càng có khả năng mô tả một cách sinh động những kỷ niệm của riêng mình. Điều thú vị khi các nghiên cứu cũng chỉ ra khác biệt về văn hóa của người phương Tây và phương Đông. Những kỷ niệm cá nhân của người phương Tây thường tập trung nhiều vào bản thân, còn người phương Đông thường nhớ mình nhiều hơn trong bối cảnh nhóm.
Người thuận tay trái và tư duy
Một nghiên cứu đăng trên Journal Neuropsychology cho thấy những người thuận tay trái có thể cùng lúc xử lý nhiều sự việc hơn người thuận tay phải. Vậy có phải người thuận tay trái sẽ có tốc độ tư duy nhanh hơn người thuận tay phải? Các nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Quốc gia Úc chỉ ra việc thuận tay phải hay tay trái được quyết định từ khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Tuổi tác cũng đóng một vai trò nhất định, các bà mẹ trên 40 tuổi có nhiều khả năng cho ra đời một em bé thuận tay trái hơn các bà mẹ ở độ tuổi 20.
Có thể thấy người thuận tay trái sử dụng cả hai bán cầu não khi sử dụng ngôn ngữ, còn người thuận tay phải chỉ sử dụng bán cầu não trái cho việc này. Thông thường dữ liệu thu nhận từ phía bên phải của cơ thể (mắt phải, tai phải v.v…) được đưa vào bán cầu não trái để xử lý, và dữ liệu bên trái đưa vào não phải. Cuối cùng, não sẽ tổng hợp lại các kết quả xử lý từ cả hai bán cầu não và đưa lại cho chúng ta cảm giác ý thức xem, nghe…
Trong một thí nghiệm, máy tính sẽ hiển thị một dấu chấm ở bên phải hoặc bên trái của một đường phân chia. Những người tham gia thí nghiệm phải nhấn một nút để chỉ ra mình nhìn thấy dấu chấm ở phía bên nào dòng kẻ. Kết quả cho thấy các đối tượng thuận tay trái nhanh hơn.
Một thử nghiệm khác cũng đã cho thấy trong các hoạt động cần tới cả hai bán cầu não thì người thuận tay trái tỏ ra có ưu thế hơn. Vậy điều này có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là người thuận tay trái sẽ có chút lợi thế trong thể thao, chơi game và các hoạt động mà người tham gia phải đối mặt với một khối lượng lớn các thử thách cùng lúc. Về mặt lý thuyết, họ có thể dễ dàng sử dụng cả hai bán cầu não để quản lý các thử thách này dẫn đến thời gian xử lý và phản ứng tổng thể nhanh hơn. Các môn thể thao mang tính đối kháng như quyền Anh, đấu vật, võ thuật thể hiện rất rõ điều này.
Trong số những người thuận tay trái nổi tiếng thế giới, ta có thể thấy có rất nhiều vận động viên nổi tiếng như Arnold Palmer, Bobby Orr, John McEnroe và Oscar De La Hoya… Điều này thật ấn tượng nếu bạn biết người thuận tay trái chỉ chiếm 10% dân số.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK