Thứ Bảy, 27/4/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết

Sáng 27/3, tiếp tục chương trình làm việc, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự thảo Luật TTATGT đường bộ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp.

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ là phù hợp với chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan với mục tiêu bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết -0
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên).

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm và nhất trí với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, “Trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, tôi đã đề nghị xem xét cần phải có ngưỡng nồng độ cồn, tuy nhiên, sau khi đánh giá kỹ ưu, nhược điểm, thì tôi đồng tình với quy định cấm tuyệt đối có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, qua đó, đã góp phần kéo giảm các vụ tai nạn giao thông. "Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2023, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết, giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ. Với phương châm tính mạng của con người là trên hết, trước hết, thì quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết" – đại biểu nói, đồng thời cho rằng, nếu quy định vi phạm nồng độ cồn đến ngưỡng mới xử lý thì "khi đã ngồi vào bàn uống rượu, bia, chúng ta xác định thế nào là uống trong ngưỡng cho phép?". "Hiện nay, khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn thì người dân đã dần hình thành thói quen "đã uống rượu bia là không lái xe", do đó, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe sẽ được dư luận đồng tình, ủng hộ”  - đại biểu nêu.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung họp.

Đồng tình với quy định trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, cần tăng nặng xử phạt với mức vi phạm nồng độ cồn cao. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất với nồng độ cồn mức thấp, dưới 0,1mg/lít khí thở thì chỉ nên xử phạt hành chính, nhưng không tước giấy phép lái xe. "Tuy nhiên, quy định không tước giấy phép lái xe này không nên áp dụng với người lái xe máy hoạt động dịch vụ chở người và chở hàng" – đại biểu nói.

Cũng nhất trí quan điểm trên,  đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo luật quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe. “Lý do mà Chính phủ và Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đưa ra rất đầy đủ và thuyết phục. Thực tế, quy định này cũng đã được Quốc hội khoá XIV thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và đã thống nhất thông qua trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và được thực hiện từ 1/1/2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên thời gian thực hiện chưa được nhiều nhưng quá trình triển khai, xử lý quyết liệt tình trạng vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông thì người dân đã nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm về sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông mà còn thay đổi thói quen lạm dụng rượu bia trong đời sống hiện nay, không chỉ có ý nghĩa  trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nâng cao sức khoẻ của người Việt” – đại biểu nêu.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi