Đồ nhựa tái xuất với số lượng lớn
Ghi nhận tại các chợ dân sinh, cửa hàng đồ uống, đồ ăn trên địa bàn Thủ đô hiện nay cho thấy, tình trạng sử dụng túi nilon, đồ nhựa sau một thời gian chững lại do các đợt tuyên truyền vận động mạnh mẽ của Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã tái diễn trở lại với số lượng không kém so với trước đây.
Người dân đi từ chợ, cửa hàng đều xách theo 3 - 4 túi nilon đựng đồ ăn mà trong những chiếc túi đó còn có thêm vài hộp đồ nhựa. Đi dọc các con phố của Hà Nội cũng không khó để nhìn thấy túi nilon, rác thải nhựa vứt bừa bãi tại gốc cây, cột điện, ven đường,…
Nguyên nhân khiến rác thải nhựa tiếp tục xuất hiện tràn lan chính là do thói quen sử dụng của người dân khi chưa thể bỏ đồ nhựa hoàn toàn. Thêm vào những "thói quen khó bỏ", ngay khi những đợt tuyên truyền vận động chìm xuống, tật cũ lại tái diễn không chỉ trong thói quen của người tiêu dùng mà còn ở ngay cả những cơ sở kinh doanh.
Anh Phạm Huy, một tiểu thương tại quận Long Biên cho biết, trong các chợ dân sinh, túi nilon và đồ nhựa luôn được các hàng mua với số lượng lớn vì giá thành rẻ và dễ tìm mua. Túi nilon thường có giá 30.000 đồng/cuộn với 100 túi, cốc nhựa 20.000 đồng/túi với 50 chiếc cốc nhựa…
“Lượng người đến mua sắm tại chợ rất đông, ai cũng yêu cầu túi nilon, đồ nhựa để đựng cho tiện. Ít người mang túi đi đựng đồ và luôn yêu cầu cho vào túi của hàng quán. Nếu giờ chúng tôi không nhập túi, đồ nhựa về thì không có đồ để đựng cho khách. Túi nilon, đồ nhựa dễ mua, tiện lợi nên chúng tôi cứ mua về để dùng thôi", anh Huy cho biết.
Đặc biệt, vào thời điểm dịch COVID-19, hàng quán đóng cửa nhằm hạn chế tụ tập đông người, người dân lại chuyển sang mua hàng về nhà hoặc mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Khi đó, các cửa hàng, hàng quán sẽ nhận đơn đặt của khách, chuẩn bị hàng và đặt shipper đưa hàng đến tận tay cho khách. Với phương thức mua sắm này, lượng đồ nhựa, túi nilon lại càng trở nên thông dụng hơn. Hàng quán sử dụng rất nhiều đồ nhựa để bọc đồ cho khách với mục đích tránh bị hỏng hay rơi trên đường.
Chị Hồng Hà, người dân sống tại quận Ba Đình chia sẻ: “Mùa dịch này hàng quán đóng cửa nhiều, chỉ có thể mua về nhà để ăn, uống. Tôi chuyển sang đặt hàng qua các ứng dụng như Grab, Now, đặt xong shipper mang hàng tới. Khi đó, đồ ăn, đồ uống luôn bọc trong nhiều đồ nhựa, túi nilon”.
Khi được hỏi đến vấn đề sử dụng đồ nhựa, túi nilon, một chủ quán ăn trên phố Quán Thánh cho biết, lượng người đến mua hàng về ăn nhiều nhưng ít ai mang hộp đựng tới, luôn yêu cầu quán cho vào hộp nhựa và đựng túi nilon. Chủ quán cũng thừa nhận, đồ nhựa rất rẻ và vì muốn bán cho nhiều khách nên quán vẫn nhập về hàng trăm, hàng nghìn đồ nhựa để sử dụng.
|
Điểm thu mua rác thải nhựa tại làng Triều Khúc (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành. |
Cần thay đổi thói quen bảo vệ môi trường
Thay đổi một thói quen, không chỉ cần tuyên truyền, vận động, mà còn cần tạo ra một môi trường mới để mỗi cá nhân không có cơ hội tiếp xúc, tái diễn những thói quen cũ.
Trước đó, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều hành động thiết thực, cụ thể để giảm thiểu rác thải nhựa.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã có nhiều chương trình, phong trào phát động thi đua, phòng chống và giảm thiểu rác thải nhựa cho cán bộ, nhân viên, viên chức, công chức.
Bên cạnh đó, các buổi tuyên truyền, giới thiệu về mô hình giảm thiểu rác thải nhựa đang được triển khai mạnh mẽ trong cộng đồng với mục đích giúp người dân hiểu được tác hại của đồ nhựa, túi nilon, từ đó từ bỏ thói quen sử dụng. Các chương trình phân loại rác tại nguồn, thu gom, tái chế, tái sử dụng đồ nhựa cũng được người dân hưởng ứng…
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết.
Khi xử lý rác thải nhựa bằng các phương pháp đốt hay chôn xuống đất như hiện nay, các vi nhựa sẽ lẫn vào nước, đất, không khí, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ra hệ lụy đối với sức khỏe. Trong mùa dịch COVID-19, lượng rác thải tăng cao khiến việc xử lý hết các đợt rác thải nhựa trở nên khó khăn hơn.
Trước tình trạng trên, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp để giảm thiểu việc sử dụng cũng như xử lý rác thải nhựa, tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Thậm chí, thành phố cũng cần phải áp dụng chế tài xử phạt đối với hành vi cung cấp, sử dụng đồ nhựa đối với một số mô hình kinh doanh nhất định; mạnh mẽ hơn là từng bước thể chế hóa việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi nilon trên địa bàn Thủ đô, một thành phố được mệnh danh là thành phố Hòa bình - thành phố Xanh.
Trước hết, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành cần nêu gương. Các cơ quan, đơn vị cần quyết liệt hơn nữa trong việc hạn chế, cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác.
Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng, giúp cộng đồng hiểu rõ hệ lụy từ việc sử dụng đồ nhựa, túi nilon, từ đó từ bỏ thói quen và chuyển sang dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh các phương án, kế hoạch, chương trình tái chế, phân loại rác thải ngay tại nguồn, thu gom và đổi rác thải nhựa trong cộng đồng. Xây dựng giải pháp, cơ chế khuyến khích dành cho các doanh nghiệp, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần áp dụng chế tài xử phạt; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi xả rác thải bừa bãi ra môi trường.
Giải pháp quan trọng nữa là không ngừng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân tiếp tục nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là những chủ kinh doanh, tiểu thương trong các chợ dân sinh, cửa hàng. Có như vậy, đồ nhựa, túi nilon mới không có cơ hội xâm chiếm đời sống người dân và gây hại cho môi trường Thủ đô.
Nguồn: Báo CAND