Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vừa công bố Kỷ lục Việt Nam cho “Cây vải thiều lâu năm nhất” (cây vải Tổ) ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Được biết, cây vải Tổ thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn do cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự Phúc Thành), sinh năm 1848 ươm trồng bằng hạt từ năm 1870.
Thời trai trẻ cụ chuyên buôn bán hoa trái ra Hải Phòng. Năm 1870, trong một lần dự tiệc với người Hoa Kiều tại Hải Phòng, cụ Cơm ăn loại vải ngon nên mang về ba hạt ươm thử tại vườn nhà. Do thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, ba hạt đều nảy mầm thành cây, quả có hương vị thơm ngon đặc biệt. Do quả vải này được hái từ cây vải có nguồn gốc Thiều Châu - Trung Quốc, nên được gọi tên là vải thiều.
Từ cây vải quý đó, cụ Hoàng Văn Cơm đã chiết cành nhân rộng ra vườn nhà và tặng cho người thân trong và ngoài xã. Năm 1958, Bác Hồ khen đây là loại quả quý, ăn ngon và khuyến khích nhân dân nên phát triển giống vải quý này. Đến nay huyện Thanh Hà có gần 4.000ha vải. Diện tích vải thiều đã phát triển mạnh sang các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình…
Quả vải thiều Thanh Hà được xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Australia, Canada, Malaysia, Singapore… Việc được công nhận Kỷ lục Việt Nam đối với cây vải Tổ, cùng với vùng trồng vải thiều ở Thanh Hà theo tiêu chuẩn VietGAP đã được mở rông lên hơn 1.000ha sẽ tiếp tục tạo đà để huyện Thanh Hà sớm khai thác tiềm năng phát triển vùng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhân văn, du lịch sông nước, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh… qua đó thu hút nhiều khách tham quan tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc mang đậm nét đặc trưng của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK