Trình bày tờ trình trước Quốc hội chiều 5/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, do Công ước và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay có một số điều khoản trái và chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề đối với trang thiết bị tàu bay.
Chủ tịch nước cho biết, Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay được ký tại Cape Town, Nam Phi vào ngày 16/11/2001 là kết quả của Hội nghị ngoại giao tại Cape Town (Nam Phi) do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Viện thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT) đồng tổ chức. Đến nay có 59 quốc gia và 1 tổ chức quốc tế là thành viên của Công ước và có 53 quốc gia và 1 tổ chức quốc tế là thành viên của Nghị định thư. Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều ước quốc tế, được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không. Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ gặp phải những khó khăn về nhân lực trong việc xét xử các tranh chấp phát sinh, cũng như việc bảo vệ các quyền lợi của các doanh nghiệp theo quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town (trình độ năng lực cũng như kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ thẩm phán tại Tòa án nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu khi thực thi Công ước và Nghị định thư). Khi gia nhập Công ước, Chính phủ có kiến nghị tuyên bố đối với một số nội dung của Công ước và Nghị định thư, cũng như kiến nghị về việc thực hiện Công ước và Nghị định thư. Do Công ước và Nghị định thư có một số điều khoản trái và chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành, căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi năm 2013, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).
Thẩm tra việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng đồng tình với tờ trình của Chủ tịch nước. Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, như được hưởng ưu đãi về lãi suất, miễn tiền đặt cọc khi mua sắm tàu bay; giảm nguy cơ cho chủ nợ và tăng khả năng dự báo pháp lý trong các giao dịch. Các hãng hàng không có trụ sở đăng ký tại Việt Nam được hưởng lợi khi tiến hành mua sắm tàu bay, vì có thể được giảm giá trực tiếp từ các hãng sản xuất tàu bay như: Boeing, Airbus hoặc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng xuất khẩu (như Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ).
Ủy ban Đối ngoại nhận thấy việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town đã tuân thủ quy định của Hiến pháp và trình tự, thủ tục gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Tuy nhiên, có một số quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town trái với luật do Quốc hội ban hành như việc chuyển giao tài sản khi xảy ra sự kiện liên quan đến phá sản, thẩm quyền xét xử khiếu kiện trong giao dịch dân sự; hay việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời...
Biên tập: Mai Loan - Trung tâm TTKH & TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online