Ngày 20/3, trong chương trình làm việc tại Ninh Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Quân đoàn 1 - đơn vị quân chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1(Bộ Quốc phòng).
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ quân đoàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những chiến công hiển hách của đơn vị qua hơn 40 năm thành lập, đặc biệt là kịp thời tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước căn dặn, Quân đoàn 1 cần nêu cao trách nhiệm, vừa sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi, đồng thời làm tốt công tác tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là nghĩa cử của lớp người đi sau với các thế hệ đã cống hiến hy sinh để làm nên ngày toàn thắng 30/4, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cùng với chú trọng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ chiến sĩ của Quân đoàn 1 cần chăm lo công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân, góp sức xây dựng hệ thống chính trị địa phương.
Trong không khí cả nước hướng đến ngày 30/4 lịch sử, Chủ tịch nước mong muốn cán bộ chiến sĩ quân đoàn lập nhiều chiến công mới. Chủ tịch nước cũng lưu ý, cả nước đang chuẩn bị tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ, chiến sĩ quân đoàn cần tích cực, sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Ninh Bình có vị trí quan trọng ở Nam sông Hồng, cửa ngõ Thủ đô. Chủ tịch nước yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cần thường xuyên phân tích, đánh giá, tham mưu đúng, kịp thời, chính xác cho cấp ủy, chính quyền chủ động trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, qua đó xây dựng lực lượng địa phương vững mạnh và khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn, Chủ tịch nước đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã sớm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống.
Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới bên cạnh thuận lợi, đất nước sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sức ép cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập với những tiêu chí cao. Chủ tịch nước đề nghị Ninh Bình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi có thế mạnh gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo thành chủ trương và nhất quán trong chỉ đạo điều hành, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, một trong những hạn chế của công nghiệp hóa hiện nay là sau 30 năm Đổi mới, chúng ta vẫn chưa hình thành được lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Do vậy, cần tổ chức thống kê lại các sản phẩm công nghiệp, từ đó tìm hướng tăng cường hàm lượng chế tạo, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị sản phẩm, tạo ra tính thực chất của tăng trưởng GDP; tận dụng tối đa hạ tầng cơ sở, đẩy công nghiệp và dịch vụ lên một nấc thang mới. Mục tiêu trước mắt của hội nhập, Việt Nam phải đạt được trình độ có thể so sánh với các nước ASEAN ở tốp trên.
Nhấn mạnh Ninh Bình là nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Chủ tịch nước cho rằng đi đôi với khai thác ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, cần phải bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử, tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tại Ninh Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thắp hương tưởng nhớ các bậc tiên liệt, anh hùng dân tộc tại Đền Vua Đinh, vua Lê Đại Hành và Nhà bia tưởng niệm Lý Công Uẩn, vị vua đã quyết định dời đô về Kinh thành Thăng Long vào năm 1010.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK