Vào lúc 18h ngày 13/3, tức 21h30 giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Mehrabad, thủ đô Tehran, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Bộ trưởng Nội các Iran đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay quốc tế Mehrabad ở thủ đô Tehran.
Đón Chủ tịch nước cùng đoàn Việt Nam tại sân bay có Bộ trưởng Nội các Iran, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cùng cán bộ nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Iran; Đại sứ các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Lễ đón chính thức Chủ tịch nước sẽ diễn ra ngày 14/3 tại Phủ Tổng thống.
Dự kiến trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, chào xã giao các nhà lãnh đạo Iran, dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Iran, thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam.
* Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/8/1973. Trong hơn 40 năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước tiến quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, văn hóa, giáo dục và khoa học-kỹ thuật.
Thời gian qua, hai nước đã tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng, trong đó đáng chú ý là Thoả thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật (năm 1993); Hiệp định về thương mại, lãnh sự và thành lập Ủy ban hỗn hợp (năm 1994); Hiệp định hợp tác văn hoá (năm 1995); Thoả thuận tham khảo và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2000); Hiệp định vận tải hàng không (năm 2001); Hiệp định Vận tải biển thương mại (năm 2002); Hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư; Biên bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran; Biên bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Khoáng sản Iran; Biên bản đàm phán thống nhất nội dung dự thảo Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Iran (năm 2009).
Đặc biệt, Iran luôn mong muốn hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu mỏ, xây dựng, giao thông vận tải, sản xuất xi măng, phân bón.... Đây là những lĩnh vực Iran có lợi thế so sánh. Quốc gia Trung Đông này cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
Với khoảng 80 triệu dân, Iran là thị trường lớn tại khu vực Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong 5 năm qua, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang thị trường Iran là thủy sản, gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mây tre đan, cao su, các sản phẩm cao su, các sản phẩm chất dẻo, linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, dệt may và một số sản phẩm khác.
Trong khi đó, hàng hóa Iran xuất vào thị trường Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu, các sản phẩm hóa dầu, kim loại thường, lúa mì, nguyên liệu dệt may-da giày...
Trong các cuộc tiếp xúc giữa các cấp lãnh đạo hai nước thời gian qua, Iran và Việt Nam đều bày tỏ mong muốn phát huy truyền thống hợp tác hữu nghị, đưa mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính và ngân hàng.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK