Những câu chuyện cảm động trong mùa dịch
Alo! Chú đang ở chốt nào? Chú đến khu Kênh Mai, gia đình nhà chị Nguyễn Thị A có 2 người trong diện F1 không đi cách ly... Cuộc gọi diễn ra lúc 0h, giữa thời điểm toàn bộ TP Chí Linh (Hải Dương) đang thực hiện cách ly 21 ngày. Giữa màn đêm dày đặc, chiếc xe của Trung tá Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Công an phường Văn Đức, TP Chí Linh lao vội trên những cung đường không một bóng người qua lại...
Tiếng khóc của một đứa trẻ giữa đêm khuya bất chợt khiến anh nhớ đến vợ và con... Nhưng giây phút ấy nhanh chóng qua đi, cuộc điện thoại cắt ngang suy nghĩ của người trưởng Công an phường. Phía bên kia tiếp tục là cuộc gọi thông báo về việc đưa người thuộc diện F1 vào các trung tâm cách ly. Những cuộc gọi như vậy liên tục diễn ra bất cứ thời điểm nào trong ngày, bởi vậy nên dù gia đình nằm ngay trung tâm TP Chí Linh nhưng kể từ khi phát hiện 2 trường hợp dương tính với COVID-19, Trung tá Nguyễn Hùng Mạnh và đồng đội đều không về nhà, anh cùng đồng đội lao vào công việc với mong muốn truy vết nhanh các trường hợp tiếp xúc với người nhiễm bệnh...
|
Lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp kiểm tra hoạt động tại các cơ sở cách ly tập trung, các chốt kiểm soát.
|
Những lúc nhớ con, Mạnh chỉ biết gọi điện thoại qua Facebook. Điều anh lo lắng nhất chính là sức khỏe của mẹ. Hằng tháng, mẹ anh đều đặn phải đến Đại học Y để điều trị xạ bởi căn bệnh ung thư. Theo lịch, tuần này đến lịch phải đi truyền hóa chất nhưng TP Chí Linh đang cách ly. Những ngày này, mọi công việc gia đình đều dồn lên đôi vai gầy của vợ anh. Tranh thủ những lúc hiếm hoi được nghỉ ngơi, anh gọi điện thoại về gia đình hỏi thăm mẹ, động viên vợ con...
Qua ánh mắt, anh biết chị cũng lo lắng bởi hằng ngày, hằng giờ anh và đồng đội phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh đang cận kề. Song có lẽ đây là mùa dịch thứ 3 nên chị và những người vợ của những cán bộ Công an đang khoác trên mình màu áo lính đều hiểu rằng, những lúc này Tổ quốc cần hơn bao giờ hết. Nếu chỉ cần chậm một chút thôi thì việc khoanh vùng, dập dịch sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
|
Công an huyện Kim Thành tiến hành truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca nghi nhiễm.
|
Phường mới thành lập, cơ sở vật chất còn chưa đầy đủ. Trong phường không có nhà tắm, cũng không có chỗ nấu ăn... Cũng bởi thế, trong những ngày này, việc ăn uống và làm việc tại khu vực chốt được dựng tại một trường mầm non của xã; anh em cắt cử nhau 24/24 làm nhiệm vụ vừa phối hợp với lực lượng y tế và chính quyền địa phương truy vết các F còn thực hiện việc đo thân nhiệt; kiểm soát chặt chẽ việc ra vào. Sau những giờ làm việc căng thắng thì anh em cắt cử nhau đến chốt ăn cơm, đảm bảo 24/24 h lúc nào cũng có người làm nhiệm vụ... Người dân trên địa bàn phường phần lớn là thuần nông, đa số đều chấp hành các quy định về cách ly nhưng không ít trường hợp vì tiếc của, rồi lo sợ không có ai trông nhà đã phản đối việc đưa đi cách ly.
Khoảng 1h sáng thì Trung tá Mạnh đến địa điểm được thông báo. Trong căn nhà nằm chơ vơ giữa khoảng đất rộng chỉ có 2 bà cháu, người bà ngoài 50 còn đưa cháu khoảng 3 tuổi. Thấy Trung tá Mạnh, người bà nước mắt ngắn, nước mắt dài, mếu máo: "Không phải là chị không muốn đi”. Sau đó là tiếng khóc nức nở rồi chị nói nhà chỉ còn 2 bà cháu, bố mẹ cháu đi cách ly rồi nhà còn 3 con lợn nái vừa đẻ; hơn 20 con lợn con, còn một đàn vịt, ngan đang chuẩn bị bán thịt tết... Chú bảo chị phải làm sao?” Rồi vừa nói, chị vừa khóc, đi loanh quanh kiểu như chưa biết làm cách nào và cũng chẳng biết bấu víu vào đâu! Lúc nhìn cảnh tượng đó, trong lòng người trưởng Công an phường cũng dâng lên niềm xót xa. Văn Đức là một xã thuần nông. Với những người nông dân quanh năm một nắng, hai sương thì đó là tài sản trong cả năm chăm bẵm, song tất cả cái chung là ngăn chặn dịch bệnh...
|
Lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương
|
Vì thế, Trung tá Mạnh đã nhẹ nhàng giải thích cho người phụ nữ về mức độ nguy hiểm cũng như nguy cơ lây lan của bệnh tật nếu các trường hợp F1 ở lại cộng đồng; đồng thời anh cũng nghĩ ra một phương án tối ưu, để thuyết phục người phụ nữ là ngày mai chính quyền sẽ phân công người đến giúp chăn nuôi. Lúc đó, như có luồng điện chạy qua, chị ngưng khóc, đi vào nhà xách balo để lên xe ô tô. Thì ra, chị biết bệnh tật nguy hiểm, cũng chuẩn bị tâm lý để lên đường nhưng vì tiếc số tài sản nên còn ngập ngừng... Trước khi bước lên chiếc xe để vào khu cách ly, chị còn mỉm cười nói với Trung tá Mạnh rằng chị rất tin vào Công an rồi nhắc đứa cháu, chào chú Công an.
Phường Văn Đức có 11 trường hợp dương tính với COVID-19. Công việc của họ đầu tiên là phối hợp rà soát các trường hợp F1 là công nhân làm việc ở công ty có người nhiễm COVID-19, trung tâm của ổ dịch. Sau đó là vận động các trường hợp là F1 đi cách ly rồi rà soát F2... Lực lượng quân số ít ỏi, trong khi việc rà soát phải chạy đua với thời gian với trên 10 nghìn dân trên toàn phường nên thông tin lúc đầu rất ít ỏi. Cán bộ Công an phường đã phối hợp với các tổ trưởng rà soát nhanh khẩn trương trong đêm, nhanh chóng lập danh sách và đưa đi cách ly ngay trong đêm. Khi có kết quả F1, đến hôm qua thành 8 F0 thì lại tiếp tục rà đến 32 trường hợp F1. Sau đó đến ngày hôm nay 30/1 là 11 F0 ( test 3 lần).
Trung tá Mạnh chia sẻ: "Đa số người dân đều chấp hành theo quy định phải chống dịch nhưng một số trường hợp phải đi cách ly cả nhà, trong đó có cả người già và trẻ em. Ở thôn quê, các gia đình ở tương đối độc lập, có tài sản là trâu, gà nên muốn một người ở nhà để chăm sóc vật nuôi. Vì thế, lực lượng Công an đã chia các chốt để đi vận động. Công an xã Văn Đức đã thanh mưu với chính quyền địa phương, huy động thanh niên, hội phụ nữ hỗ trợ gia đình chăm sóc vật nuôi, trông giữ tài sản... Từ sự thuyết phục, người dân đồng ý chấp hành".
Tại huyện Kinh Môn cũng đã thành lập Đội phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19. Trong các Đội phản ứng nhanh có lực lượng Công an tham gia có nhiệm vụ tham mưu cho UBND thị xã, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thị xã chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cần thiết để đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh. Các thành viên của đội phản ứng nhanh luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ các ngày và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trong trường hợp có tình huống khẩn cấp như có người nghi nhiễm, mắc COVID-19 trong phạm vi thị xã, người đứng đầu sẽ kích hoạt hoạt động của đội. Khi có lệnh kích hoạt, các thành viên phải có mặt trong vòng 20 phút trong giờ hành chính và 50 phút ngoài giờ hành chính để thực hiện nhiệm vụ.
Huy động tối đa lực lượng tham gia chốt kiểm dịch
Quyết liệt, thần tốc, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với các Cơ quan y tế và chính quyền địa phương đã kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch trong tình trạng khẩn cấp; huy động tối đa lực lượng phục vụ công tác rà soát, truy vết, xét nghiệm, tổ chức cách ly và điều trị theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa đảm bảo an toàn đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, bố trí, tăng cường lực lượng tham gia các chốt. Đến 4h ngày 31/1, Công an tỉnh Hải Dương đã triển khai 92 chốt, gồm 10 chốt cấp tỉnh. Trong đó, Chí Linh 31 chốt, Kinh Môn 41, Nam Sách 10, TP Hải Dương 1, Kim Thành 9..., tăng 8 chốt so với những ngày đầu, trong đó Kinh Môn tăng 7, Nam Sách tăng 1.
Để tăng cường lực lượng cho các địa phương, Công an tỉnh Hải Dương đã tăng cường cho Chí Linh 45 CBCS; Kinh Môn 15 CBCS. Công tác truy vết trong những ngày qua với sự vào cuộc quyết liệt của Công an tỉnh Hải Dương và các bộ, ngành bước đầu đã có hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương cho biết: "Ngay khi nhận được thông tin về 2 trường hợp nghi vấn mắc COVID-19, Công an tỉnh Hải Dương đã kích hoạt toàn lực lượng vào trạng thái khẩn cấp và mức dộ lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 cao nhất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy “Bình tĩnh, tự tin, chủ động, quyết liệt, thần tốc và 4 tại chỗ” với mục tiêu khống chế dịch bệnh trong 10 ngày. Công an tỉnh Hải Dương đồng thời đã ban hành 2 kế hoạch tổng thể, các công điện và công văn báo cáo chỉ đạo khẩn cấp, toàn diện các mặt công tác chống dịch của Công an tỉnh".
Trên địa bàn thành phố Chí Linh, 100% CBCS được huy động tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại, các chốt đã kích hoạt, lắp lều bạt để anh em ăn, ngủ tại các chốt. Để hỗ trợ Chí Linh trong công tác phòng chống dịch, Công an tỉnh đã lên kế hoạch bố trí lực lượng, tiến hành rà soát toàn bộ trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch, đề xuất Bộ Công an, UBND tỉnh kịp thời bổ sung, đảm bảo công tác phòng chống dịch phát huy hiệu quả.
Cùng với việc chủ động triển khai, sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch, ứng phó linh hoạt với các tình huống có thể phát sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và CBCS, đồng thời cũng đảm bảo ANTT trên địa bàn. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lực lượng chức năng cũng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch như đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh, không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, buôn bán vật tư y tế không rõ nguồn gốc... Trong quá trình làm nhiệm vụ đã phát hiện nhiều đối tượng truy nã, phạm tội.
Điển hình vào hồi 21h30 ngày 29/1, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại chốt kiểm dịch số 2 (Km46+300) trên Quốc lộ 18 thuộc địa phận phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh ổ công tác đã yêu cầu đối tượng tiến hành kiểm tra thân nhiệt và khai báo y tế đã bắt giữ đối tượng Đỗ Văn Toản (SN 1966) bị truy nã về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, bỏ trốn ngày 25/9/2014. Công an tỉnh Hải Dương đã bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra làm rõ.
Trước đó, vào lúc 10h ngày 28/1, Công an huyện Kim Thành đã kiểm tra nhà của Đồng Thị Nhung (SN 1993), phát hiện cất giấu gần 5 tạ găng tay cao su đã qua sử dụng. Quá trình đấu tranh, Nhung khai mua số găng tay trên và bán lại cho người sử dụng để kiếm lời. Hiện Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc trên và đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý với những hành vi vi phạm trong hoạt động xuất, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh mặt hàng găng tay cao su và các vật tư y tế khác. Đồng thời tăng cường xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang...
Theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các phòng, Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm chắc tình hình; tập trung đánh giá tác động của dịch bệnh đối với tình hình ANTT, phát triển KTXH ở địa phương; dự báo các tình huống phức tạp có thể phát sinh..., để chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó, đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động đảm bảo ANTT bệnh viện dã chiến trên địa bàn và tham gia lực lượng phản ứng nhanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tham mưu cấp có thẩm quyền đảm bảo ANTT, lập chốt phong tỏa, cách ly địa bàn có dịch theo Quyết định của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố khảo sát địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kế hoạch, điều kiện về nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác khoanh vùng, cách ly các địa bàn dân cư khi có yêu cầu.
Để bảo đảm an toàn trong nội bộ, Công an tỉnh đã tiến hành các biện pháp phun khử khuẩn tại cơ quan, đơn vị, kiểm tra thân nhiệt cán bộ chiến sĩ; yêu cầu CBCS chủ động khai báo về y tế và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định; bố trí nơi cách ly tập trung cho CBCS thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch tiếp xúc với các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm hoặc đến vùng có dịch.
Nguồn: Báo CAND