Ngày 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức
họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đấu giá tài sản, Luật Tín ngưỡng
tôn giáo và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6, Phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu
tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã được Quốc hội khóa XIV thông qua
tại kỳ họp thứ 2.
Tại họp báo, về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6, Phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết ngoài việc bổ sung ngành “Kinh doanh pháo nổ” là ngành cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư, Luật còn bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc ngành, nghề có thể quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các ngành, nghề mà qua rà soát được xác định không phải ngành, nghề kinh doanh.
Luật bổ sung 15 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phù hợp với tiêu chí, mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, đồng thời đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh gồm: kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; kiểm toán năng lượng; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải; kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng; kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “vn”; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; kiểm định chất lượng giáo dục; kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá; kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng, giống vật nuôi; kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; kinh doanh dịch vụ điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, đề án, báo cáo tài nguyên nước.
Luật cũng hệ thống hóa, tách, hợp nhất một số ngành, nghề có cùng tính chất, mục tiêu nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước, đồng thời sửa đổi tên một số ngành, nghề để phản ánh chính xác, đầy đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo đó, 67 ngành nghề được sửa đổi, tách, hợp nhất thành 48 ngành.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017, trừ quy định về 2 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017 gồm: “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô”.
Về Luật Đấu giá tài sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá.
Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Luật liệt kê cụ thể các loại tài sản này trên cơ sở rà soát quy định tại pháp luật chuyên ngành bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại luật đấu giá tài sản khi bán đấu giá các tài sản đó.
Nội dung cơ bản của Luật cũng quy định cụ thể nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm, đấu giá viên, tổ chức đấu giá và trình tự, thủ tục đấu giá tài sản…
Giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Luật cũng quy định chủ thể thực hiện quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người (Khoản 1 Điều 6).
Về một số điểm mới so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được quy định tại Chương II Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo gồm 4 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, một trong những điều kiện tiên quyết để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo đó là tổ chức phải hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện