Thứ Sáu, 29/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Công điện khẩn về tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6

Để chủ động ngăn chặn virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác, hạn chế thấp nhất cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa gửi công điện khẩn yêu cầu các ban ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm này.

Nội dung công điện nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về việc tập trung phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm và các chủ virus cúm gia cầm lây sang người.

Theo đó, các địa phương tập trung quyết liệt việc tổ chức đấu tranh, ngăn chăn có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm bất hợp pháp qua biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lan virus cúm gia cầm vào trong nước.

Mặt khác, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của virus cúm gia cầm, khuyến khích người dân báo dịch khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường.

Đặc biệt, các địa phương cần nêu rõ nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh và không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y đồng thời thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, tập trung vào khu vực có nguy cơ cao phát sinh ổ dịch cúm gia cầm - khu vực chăn nuôi gia cầm, chợ buôn bán, điểm thu gom gia cầm, cơ sở ấp nở gia cầm và cơ sở giết mổ gia cầm…

Các đơn vị cơ sở cần tăng cường công tác giám sát lâm sàng và lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm gia cầm và môi trường tại chợ buôn bán gia cầm sống, trên gia cầm nhập lậu, tại khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm ổ dịch và virus lưu hành để xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng và lây virus cúm cho người.

Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK
Trích nguồn: Báo CAND online

Gửi cho bạn bè