Theo truyền thống nhiều năm nay, những người thực hiện chuyên mục “Đối thoại & Suy ngẫm” thường ngồi với một nhà văn danh tiếng để bàn về những khía cạnh tâm hồn con người trong những số báo tân xuân. Nhưng, xuân Tân Sửu 2021 là một thời điểm khác biệt, khi chúng ta vừa đón xuân mới, vừa không quên phòng chống đại dịch COVID-19. Rất nhiều người trong ngành y thậm chí đã không đón tết để dồn toàn tâm toàn ý chống dịch. Do vậy, chúng tôi đã mời PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng tham gia đối thoại để cùng phác thảo một cái nhìn toàn cảnh về đại dịch toàn cầu, trong đó có những góc khuất của những người trong cuộc, bây giờ mới kể.
Phút cân não phía sau quyết định
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, các sử gia nói rằng có 3 vấn đề lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đó là chiến tranh, lương thực và dịch bệnh. Nhưng, đến thế kỷ 21, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật, trong đó đặc biệt là y tế, nhiều người nghĩ rằng nỗi lo dịch bệnh đã giảm đi rất nhiều. Thế nhưng, khi một con virus quái ác xuất hiện, tạo ra một đại dịch toàn cầu với năng lực gây tổn thương vượt ngoài mọi tưởng tượng thì tất cả đều vỡ lẽ: Hóa ra sự thật không như vậy. Là một người trong ngành, ông nghĩ gì về sự thật này?
- PGS.TS Trần Đắc Phu: Từ xưa đến nay thế giới trải qua rất nhiều loại dịch. Có những loại vẫn lưu hành nhưng không còn nặng nề nữa, có loại dịch đã giảm rồi nhưng đến một lúc nào đó lại bùng lên. Và bây giờ thì nhân loại đang rất sợ những loại dịch mới, ví dụ như cúm A (H5N1), Cúm A (H1N1), SARS, Ebola và mới đây nhất là COVID-19. Do vậy, nếu bảo nhân loại không quá sợ hãi các loại dịch thì có thể đấy chỉ là suy nghĩ của những người ngoài ngành, còn với những nhà dịch tễ học, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì không lúc nào không có những cảnh báo về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Người ta luôn phân cấp các loại dịch bệnh và mức phân cấp mạnh nhất chính là đại dịch, ví dụ như cúm A (H1N1) hay COVID-19.
- Khi nghiên cứu các đại dịch này, ông có thấy những đặc điểm khác nhau nào giữa chúng hay không?
- Trước đây người ta vẫn tưởng dịch bệnh chỉ gây tổn thương những nước kém phát triển, nước có nền y tế yếu nhưng với COVID-19 thì mới thấy, hóa ra ngay cả những nước có nền kinh tế, khoa học phát triển nhất thế giới vẫn bị dịch bệnh tàn phá nặng nề.
- Vâng! Đất nước số 1 thế giới về kinh tế lại thành ổ dịch số 1 thế giới. Đúng là tréo ngoe phải không ạ?
- Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự tréo ngoe, mà có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là sự không lường trước được và phải nói rằng có thời điểm nào đó có những quan điểm về phòng chống dịch của người đứng đầu quốc gia hoặc ngành y tế chưa đúng. Tức là người ta chưa có sự chuẩn bị kịp thời để ứng phó với sự xuất hiện của dịch bệnh. Điều khác biệt nữa ở thời điểm này, đó là dịch không chỉ bùng phát bởi những yếu tố thuần túy về sinh học mà còn chịu tác động rất lớn từ yếu tố xã hội. Bản chất của virus có thể vẫn như vậy nhưng mỗi một xã hội có cách đối diện ứng phó khác nhau thì sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ vừa rồi đã không đáp ứng tốt việc phòng bệnh theo quan điểm kiểm soát hành vi cá nhân, giãn cách xã hội thì dịch đã bùng lên rất mạnh.
Một vài nước như Anh, Thụy Điển lúc đầu nghĩ đến biện pháp miễn dịch cộng đồng nhưng cũng không tạo ra kết quả như mong đợi nên bây giờ đã quay lại với những biện pháp phòng chống khác. Rồi ví dụ rõ nhất là việc ứng xử với cái khẩu trang.
Ở giai đoạn đầu tiên của COVID-19, chính WHO cũng chưa khuyến khích đeo khẩu trang rộng rãi trong cộng đồng. Lúc đó Việt Nam đeo khẩu trang còn bị một số nơi chê bai nhưng đến bây giờ thì nguyên thủ của nhiều nước đã đeo khẩu trang. Có nghĩa là cùng với thời gian, dịch bệnh lần này đã đảo lộn suy nghĩ của nhiều nước, nhiều người, nhiều thể chế.
- Đấy là còn chưa nói, một ổ dịch thời Trung cổ có thể chỉ càn quét một làng, một nước nhưng với mức độ toàn cầu hóa hôm nay, con virus mang mầm bệnh có thể di chuyển từ góc này tới góc kia quả địa cầu một cách nhanh chóng?
- Đúng rồi! Tôi vẫn nói là chỉ trong 24 giờ, dịch bệnh có thể từ Việt Nam lan tới các nước xa xôi nhất và cũng chỉ trong 24 giờ, dịch bệnh từ các nước xa xôi nhất có thể lan tới Việt Nam. Nói riêng ở Việt Nam, bạn cũng thấy là chỉ trong vài tiếng, dịch ở thành phố Hồ Chí Minh có thể ra Hà Nội và ngược lại. Mới nhất, từ Hải Dương dịch có thể lan tới tận Gia Lai, Điện Biên... Cho nên, tôi nhấn mạnh là nhận thức và phương án ứng phó với dịch ở từng địa phương, từng quốc gia là hết sức quan trọng.
Ví dụ như ở Việt Nam, chúng ta vốn là nước chịu nhiều bệnh nhiệt đới, nhiều loại, nhiều đợt dịch nguy hiểm. Từ đó chúng ta có những kinh nghiệm chống dịch của riêng mình, không giống các nước khác. Đó là chúng ta luôn kết hợp được 3 đầu mối rất chặt chẽ: sự chỉ đạo của chính quyền - tham mưu của ngành y tế, phối hợp các ngành - hành vi của người dân. Và trong quá trình này chúng ta cũng phải không ngừng rút kinh nghiệm qua nhiều lần chống dịch khác nhau.
Hồi chống cúm A (H5N1) chẳng hạn, lúc đầu chúng ta thực hiện chính sách tiêu hủy gà toàn quốc. Rồi chúng ta còn đặt ra chuyện có nên bắn chim hay không vì cho rằng chim hoang dã có thể lây dịch. Nhưng bên tài nguyên - môi trường nói rằng nếu làm vậy thì sẽ phạm luật bảo vệ động vật hoang dã. Về sau thì chúng ta rút kinh nghiệm: Không tiêu hủy gà toàn quốc, mà chỉ ở nơi có ổ dịch mới tiêu hủy. Rồi với COVID-19, lúc đầu chúng ta cũng chưa hiểu kỹ nhưng đến khi hiểu rằng nó lây chủ yếu qua giọt bắn thì đã có những sự thay đổi trong việc chống dịch. Sau mỗi lần rút kinh nghiệm, chúng ta sẽ rút ra được những phương án hiệu quả hơn. Và những phương án đó lại được triển khai liên ngành rất chặt chẽ.
- Bây giờ chúng ta ngồi tổng kết những điều này thì rất đơn giản, vì nó là những điều đã xảy ra và đã có kết quả tương đối tốt. Nhưng, tôi nghĩ là để ra được từng chính sách, từng quyết định cụ thể trong nhiều trường hợp là rất căng thẳng, khó khăn. Thậm chí, không loại trừ những tình huống mà một quyết sách có thể ảnh hưởng sống còn tới sự thành bại của một đại cuộc. Là người trong cuộc, ông có thể tiết lộ những tình huống kiểu này được không?
- Ví dụ lúc đầu chúng ta tranh luận về việc có nên đeo khẩu trang vải hay không? Lúc ấy chúng ta sản xuất khẩu trang y tế chưa đủ, bởi nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc, mà trong bối cảnh Trung Quốc đóng cửa chống dịch thì nguyên liệu rơi vào cảnh bế quan tỏa cảng. Sau đó chúng ta quyết định là ưu tiên khẩu trang y tế cho cán bộ y tế, còn người dân đeo khẩu trang vải. Tôi nhớ là họp xong lúc 12 giờ trưa, Phó Thủ tướng đã lập tức yêu cầu đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế mời đại diện Viện Thiết bị và Công trình y tế lên để xác lập ngay những tiêu chuẩn cho khẩu trang vải.
Trước đây chúng ta chỉ có tiêu chuẩn cho khẩu trang y tế thôi nhưng giờ phải có cả tiêu chuẩn cho khẩu trang chống giọt bắn. Và đến bây giờ chúng ta đã có được rất nhiều loại khẩu trang vải, đảm bảo phòng bệnh cho người dân. Chúng tôi cho rằng việc đeo khẩu trang toàn dân là một điều cốt lõi để phòng chống dịch.
Có cả những câu chuyện căng thẳng khác liên quan đến vấn đề phong toả: phong tỏa một số xã hay phong tỏa cả huyện? Tất cả đều có sự phản biện, tranh luận quyết liệt bên trong trước khi ra quyết định. Mà phải nói thật là các quyết định trong một số trường hợp mang tính 50-50.
|
PGS.TS Trần Đắc Phu trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GT - CT.
|
- Tức là một nửa các chuyên gia, nhà quản lý theo A, còn một nửa các chuyên gia, nhà quản lý theo hướng -A?
- Không! 50-50 ở đây hiểu theo nghĩa không thể nào lường được các kết quả. Rất có thể chỉ một diễn biến, một tác động rất nhỏ từ thực tiễn là nó có thể rẽ theo những chiều hướng đối lập nhau, chứ còn khi Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quyết thì cả tập thể Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đều thống nhất theo sự chỉ đạo và đồng lòng làm hết sức mình.
Trong bối cảnh chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa duy trì đời sống kinh tế thì điều này là rất rõ, người trong cuộc ai cũng cảm nhận được. Phải làm sao vẫn chống được dịch nhưng lại không để ảnh hưởng tới an sinh xã hội một cách không đáng có. Đương nhiên đã chống dịch thì sẽ bị ảnh hưởng thôi nhưng phải làm chủ được mức độ ảnh hưởng, không để nó rơi vào trạng thái “không đáng có”. Để làm được như thế hoàn toàn không đơn giản.
- Tôi vẫn muốn ông chia sẻ thêm một vài tình huống 50-50 như vậy!
- Ví dụ trong lúc Đà Nẵng đang có dịch thì có nên cho học sinh Đà Nẵng thi hay không?
- Đúng là một tình huống cân não, vì nó hoàn toàn có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm về sinh mệnh con người!
- Lúc đó có rất nhiều ý kiến trái chiều. Người bảo nên, người bảo không nên. Vì không nên thì yếu tố phòng, chống dịch là rất an toàn nhưng nếu không cho thi thì tất cả học sinh của Đà Nẵng sẽ xét duyệt vào đại học ra sao khi mà các tỉnh khác trong cả nước đã đến thời điểm xét duyệt. Nhưng điều quan trọng là chúng ta nghiên cứu kỹ và từ đó tìm ra những biện pháp kỹ thuật tối ưu để đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong phòng thi. Và phải đảm bảo tất cả các biện pháp kỹ thuật đưa ra đều được triển khai nghiêm túc, bởi nếu không thì hậu quả là rất khôn lường.
Tôi lấy ví dụ như phòng thi phải được khử khuẩn, vệ sinh kỹ lưỡng và những học sinh ở diện F1 phải mặc quần áo bảo hộ để thi. Liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng lúc đó, còn một vấn đề mà chúng tôi cũng băn khoăn tranh cãi rất nhiều. Đó là có nên để cho hàng chục ngàn người ở các nơi khác đến Đà Nẵng làm ăn, du lịch trở về địa phương mình hay không? Nếu cho họ về các địa phương, đặc biệt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì có nguy cơ họ sẽ làm lây lan dịch bệnh cho hai nơi đó. Nhưng nếu để họ ở lại Đà Nẵng thì hàng chục ngàn người này lại có nguy cơ nhiễm bệnh hàng loạt ở Đà Nẵng. Vậy thì phải làm thế nào đây? Sau khi phân tích, tranh luận thì quyết định đưa ra là vẫn cho họ về nhưng về rồi thì phải có biện pháp kiểm soát hiệu quả. Phải nói là để ra được quyết định đó là không đơn giản và những người có trách nhiệm trong Ban Chỉ đạo phải hết sức quyết đoán, sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Virus sẽ không ngừng biến thể
- Thưa ông, thời gian gần đây thế giới đã tìm ra vaccine phòng chống COVID-19 nhưng virus cũng không ngừng tiến hóa, tạo ra những biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều. Rất nhiều người đang tự hỏi: Rồi chúng ta sẽ phải chạy theo virus đến bao giờ nữa?
- Biến chủng của virus là chuyện thường xuyên. Bây giờ chúng ta mới chú ý tới biến chủng ở Anh, ở Nam Phi vì nó có tốc độ lây lan nhanh, chứ thực ra trước đó nó cũng đã biến chủng rồi. Chỉ có điều, những biến chủng ấy không lây nhanh nên chúng ta ít chú ý. Tôi lấy ví dụ dễ hiểu hơn như virus cúm chẳng hạn, loại virus này biến chủng theo từng năm đấy chứ. Lâu nay nhiều người cứ thắc mắc tại sao vaccine cúm chỉ có thời hạn 6 tháng, trong khi các loại vaccine khác có thời hạn dài hơn nhiều? Là tại vì đặc tính biến chủng nhanh của virus cúm như tôi vừa nói. Chính vì vậy hằng năm phải sản xuất loại vaccine mới trên cơ sở chủng virus vừa biến chủng. Trở lại với biến chủng COVID-19, người làm công tác dịch tễ, các nhà sản xuất vaccine, xét nghiệm phải lường trước hết những điều này, và tìm ra các phương án phản ứng thích hợp. Chẳng hạn, khi biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh hơn thì công tác nghiên cứu, xét nghiệm, cách ly, phong tỏa... cũng phải nhanh hơn.
Thậm chí hiện nay, chúng tôi đã tính đến trường hợp một lúc nào đó con virus này sẽ tạo ra một biến chủng mới không còn tồn tại với cái sinh phẩm xét nghiệm này nữa. Tức là cái sinh phẩm đang dùng để xét nghiệm không tìm ra nó nữa. Nó cũng giống với việc lúc đầu Việt Nam chúng ta chưa chế tạo được sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng rồi chúng ta cũng đã tiến tới việc chế tạo ra nó.
Những biến động về vaccine cũng sẽ như vậy thôi. Hiện nay các vaccine chưa bị các biến chủng chống lại nhưng đến khi nó bị các biến chủng chống lại thì sẽ phải có những vaccine thay thế cho phù hợp. Nhưng, điều quan trọng ở đây là chúng ta đã có cái nền rồi, khi con virus biến chủng thì không phải là biến chủng tất tần tật mà chỉ biến chủng một số chỗ trong cấu trúc gen. Do đó, chúng ta cũng chỉ cần thay đổi một số chỗ trên cái nền vaccine cũ mà thôi, chứ không phải xóa tất cả đi làm lại từ đầu như nhiều người lầm tưởng.
- Cái nền vaccine đầu tiên là cốt lõi của vấn đề?
- Đúng vậy! Phải hiểu đúng về vaccine. Có thể nói vaccine là thành tựu quan trọng bậc nhất của y học. Bởi nó giúp nhân loại thanh toán được rất nhiều loại bệnh, từ đậu mùa, bại liệt đến nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Phòng, chống dịch trong bối cảnh chưa có vaccine sẽ dẫn tới việc có nhiều người mắc bệnh, các bệnh viện bị quá tải, từ đó dẫn đến việc chết người hàng loạt. Giai đoạn đầu của COVID-19, ở một số nước châu Âu, nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh giai đoạn nặng cũng chưa chắc được vào bệnh viện.
- Lúc đó ở một số nơi như Mỹ, Italia hay Tây Ban Nha, thậm chí trong số những người nhiễm bệnh rất nặng đang nằm viện thì cũng chỉ có một số lượng nhất định được ưu tiên cứu chữa. Người ta thường chọn người trẻ hơn, ít bệnh nền hơn để cứu chữa. Và người ta nói rằng sau hàng trăm năm thì những nền y học phát triển ở châu Âu mới phải quay trở lại trạng thái này.
- Khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, loài người bí bách trong việc phòng chống dịch bệnh thì việc tìm ra vaccine là một lối ra vô cùng sáng sủa. Tôi đã làm trong ngành dịch tễ vài chục năm, chứng kiến nhiều giai đoạn thế giới tìm tòi điều chế vaccine nhưng chưa bao giờ tôi thấy việc điều chế vaccine lại diễn ra nhanh chóng như lúc này. Hàng chục nhà sản xuất vào cuộc, hàng chục loại vaccine ra đời trong thời gian ngắn. Đó là một điều hết sức may mắn. Nhưng, qua theo dõi, tôi thấy WHO bây giờ rất băn khoăn về việc triển khai vaccine thế nào cho công bằng.
- Vâng! Họ lo sợ về chủ nghĩa dân tộc vaccine hoặc những biểu hiện chính trị hóa vaccine, điều mà ai cũng hiểu là khó tránh!
- Đại dịch này là đại dịch toàn cầu, vậy thì không chỉ những nước lớn trên toàn cầu mà ngay cả những nước nhỏ, nước nghèo cũng phải được cung cấp vaccine. Đấy là nguyên lý cơ bản để chống dịch toàn cầu. Xét ở phạm vi một đất nước, các chuyên gia tính toán là phải đạt được từ 60-70% miễn dịch cộng đồng thì mới đạt yêu cầu. Nghĩa là 60-70% người phải được tiêm vaccine. Việt Nam chúng ta có khoảng 100 triệu dân thì cũng phải có được 60-70 triệu dân được tiêm. Lấy đâu ra lượng vaccine lớn như thế? Chúng ta đã nghiên cứu và giải bài toán này theo cách bên cạnh việc nhập vaccine thì bắt buộc cũng phải sản xuất được vaccine của mình. Và thực tế là hiện nay chúng ta đang thực hiện mọi cách để giải quyết được bài toán vaccine trong trường hợp khẩn cấp.
- Bao giờ thì vaccine ngoại, vaccine nội được triển khai ở Việt Nam, thưa ông?
- Theo thông báo, cuối tháng này vaccine ngoại sẽ về Việt Nam. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch triển khai loại vaccine này theo thứ tự ưu tiên cho các đối tượng khác nhau. Ví dụ những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ được tiêm phòng trước. Còn vaccine của Việt Nam thì tôi nghĩ rằng cuối 2021 sẽ có.
- Giả dụ như vài năm tới nhân loại sẽ đẩy lùi được COVID-19 nhưng sự xuất hiện của COVID-19 chắc chắn vẫn sẽ để lại những bài học, những cảnh báo cho tương lai nhân loại. Không hiểu là những nhà dịch tễ học có cảnh báo trước những đại dịch nào đó có thể nối gót COVID-19 để tàn phá nhân loại hay không?
- Đoán chính xác là bao nhiêu năm nữa sẽ lại xuất hiện một đại dịch kiểu như COVID-19 thì quả là rất khó, bởi nếu đoán được thì thế giới đã không phải ứng xử khó khăn như vừa rồi. Điều mà những người trong ngành dịch tễ sợ nhất là có những virus vốn chỉ có ở động vật hoang dã, chỉ lây từ động vật sang động vật thì bây giờ lại lây cả sang người. Ví dụ như HIV là lây từ tinh tinh châu Phi sang người.
Vừa qua, người ta cũng nghi ngờ SARS-CoV-2 có thể đã lây từ loài dơi sang người. Lúc đó tình hình rất nguy hiểm, vì toàn bộ loài người chưa có miễn dịch với những loại virus này. Có thể nói một trong những nguyên nhân tạo ra đại dịch đến từ các virus vốn chỉ có ở những động vật hoang dã trong rừng sâu. Trong tương lai có thể con người vẫn sẽ phải vào rừng, vẫn sẽ phải khai thác tự nhiên để sống nhưng mặt trái mà nó gây ra thì bắt buộc phải lường thấy trước. Chứ nếu cứ nghĩ một chiều, nhìn vào cái lợi trước mắt, không chịu tìm hiểu những mặt hạn chế phía sau thì cái giá con người còn phải trả là rất đắt.
- Xin cảm ơn ông!
Hiểu đúng để không sợ quá đà
“Có 3 yếu tố hình thành dịch bệnh. Thứ nhất là nguồn truyền nhiễm, có thể là từ người, có thể là từ động vật. Thứ hai là đường lây truyền, trong đó có những loại lây truyền qua đường hô hấp, có loại lây truyền theo đường máu, có loại qua đường tiêu hóa... Và thứ ba là khối cảm thụ, tức là những người lành, chưa có miễn dịch, nên dễ mắc bệnh.
Với SARS-CoV-2, bây giờ chúng ta đã hiểu rõ nó là bệnh đường hô hấp, lây theo hình thức giọt bắn. Cho nên, mới phải chống dịch bằng cách đeo khẩu trang để tránh giọt bắn, khử khuẩn bằng cồn để tránh những giọt bắn đọng trên các đồ vật và giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người. Khi chúng ta hiểu về nó như vậy thì chúng ta cũng không sợ hãi nó một cách quá mức và đề ra những biện pháp phòng tránh thích hợp.
Ví dụ như vừa rồi từng có ý kiến cấm tất cả các ô tô chạy qua vùng dịch Chí Linh (Hải Dương) đó là đường 18, con đường huyết mạch nối Quảng Ninh với một số tỉnh trong đó có Thủ đô, tôi đã đề xuất ý kiến chúng ta vẫn phải cho xe chạy để không gây bế quan tỏa cảng, không tạo ra những ách tắc, gián đoạn. Chỉ có điều là không được cho xe dừng lại, để cho người ở vùng dịch đó lên xe. Bởi nếu người ở vùng dịch đó lên, thì dịch bệnh theo người có thể đã nhiễm bệnh tại vùng dịch phát tán, lây truyền ra các vùng khác, chứ con virus có từ không khí mà bay vào xe được đâu.
Tóm lại là phải có những hiểu biết chính xác để đưa ra những chính sách đúng đắn, tránh tuyệt đối kiểu tư duy ngăn sông cấm chợ, sợ hãi quá đà”.
PGS.TS Trần Đắc Phu
|
Nguồn: Báo CAND